Thời hạn nộp thuế có làm khó doanh nghiệp?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Băn khoăn thời hạn nộp thuế

Một trong những điểm đổi mới của dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) là quy định chi tiết, cụ thể về thời hạn nộp thuế đối với người nộp thuế là doanh nghiệp ưu tiên. Luật Quản lý thuế hiện hành chỉ quy định phải nộp thuế trước khi thông quan đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu để kinh doanh, chưa phân biệt mức độ chấp hành tốt pháp luật của doanh nghiệp.

Vì vậy, để phù hợp với thực tiễn hiện nay, khoản 2 Điều 10 dự thảo đã xác định, người nộp thuế được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật Hải quan, được thực hiện nộp thuế cho các tờ khai hải quan đã thông quan hoặc giải phóng hàng trong tháng chậm nhất vào ngày thứ 10 của tháng kế tiếp. Tức là những doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí như không vi phạm pháp luật về thuế, về hải quan trong hai năm liên tục; thực hiện thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật; thực hiện thủ tục hải quan, thủ tục thuế điện tử; tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê; chấp hành tốt pháp luật hải quan, pháp luật thuế sẽ được ưu tiên về thời hạn nộp thuế. Việc áp dụng thời hạn khai thuế nộp thuế theo từng tháng đối với doanh nghiệp ưu tiên là cách quản lý hải quan hiện đại mà nhiều nước đã áp dụng.

Tuy nhiên, Bà Nguyễn Ánh Tuyết, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu – Công ty TNHH Ford Việt Nam cho rằng, quy định này chưa thống nhất với Luật Hải quan 2014. Bởi theo dự thảo, thời hạn nộp thuế chậm nhất là vào ngày thứ 10 của tháng tiếp theo, trong khi khoản 2 Điều 13 Luật Hải quan 2014 xác định, doanh nghiệp được ưu tiên đặc biệt được làm thủ tục khai hải quan, nộp tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh và chứng từ khai thuế hải quan trong thời hạn 30 ngày. Nếu quy định vào ngày 10 hàng tháng thì tờ khai cuối cùng của tháng cũng chưa đạt 30 ngày.

Trên thực tế, sau khi hàng hóa được thông quan, giải phóng hàng, doanh nghiệp cũng cần có được khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị về tiền thuế cũng như thủ tục. Hơn nữa, theo Công ước quốc tế về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan (Công ước Kyoto), thời hạn nộp thuế là trong vòng 14 ngày kể từ ngày hàng hóa được giải phóng hoặc được thông quan. Do vậy, để giải quyết những vướng mắc về vấn đề kỹ thuật, thủ tục hành chính dẫn tới doanh nghiệp không nộp kịp thời khiến hàng hóa chậm được giải phóng, dự thảo nên áp dụng theo chuẩn mực quốc tế.

Bổ sung đối tượng được ưu tiên?

Có nên mở rộng doanh nghiệp được ưu tiên áp dụng thời hạn nộp thuế hay không, cũng là câu hỏi được đặt ra. Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, hiện nay doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên không nhiều, do vậy dự thảo nên mở rộng ưu đãi về thời hạn nộp thuế cho cả những doanh nghiệp chưa thuộc diện ưu tiên nhưng thực hiện tốt Luật Hải quan, thường xuyên được phân luồng xanh.

Bởi hiện nay chỉ có khoảng 38 doanh nghiệp được ưu tiên trong tổng số 50.000 doanh nghiệp, tức là chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Đối tượng được áp dụng quy định này rất ít, chủ yếu tập trung vào những doanh nghiệp lớn, bởi điều kiện để doanh nghiệp được ưu tiên bao gồm cả về quy mô, liên quan tới kim ngạch xuất nhập khẩu. Mặc dù doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được tính tới, song cũng là doanh nghiệp lớn nhất trong số doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều đó sẽ khó tạo được thuận lợi cho các doanh nghiệp có kim ngạch chưa đạt yêu cầu nhưng tuân thủ tốt pháp luật.

Theo ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn hải quan, dự thảo nên mở rộng đối tượng được ưu đãi về thời hạn nộp thuế, có thể trên dưới 100 doanh nghiệp. Song, để chặt chẽ, phòng bị rủi ro, dự thảo nên quy định, chỉ những doanh nghiệp đáp ứng điều kiện Chính phủ yêu cầu mới được xét ưu đãi. Đồng thời, cũng cần làm rõ, thời hạn nộp thuế trong vòng 10 ngày không được tính lãi suất, để tránh cách giải thích khác nhau, gây khó cho doanh nghiệp.

Mù mờ về cách tính thuế

Theo 1, 2 Điều 9 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2005, giá tính thuế đối với hàng hóa xuất khẩu là giá bán tại cửa khẩu xuất theo hợp đồng. Giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên theo hợp đồng. Quy định này không thống nhất với Điều 86 Luật Hải quan 2014, tức là trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu là giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất, không bao gồm phí bảo hiểm và phí vận tải quốc tế. Trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên. Theo đó, để phù hợp với Luật Hải quan, dự thảo đã sửa đổi thành, “trị giá tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là trị giá hải quan được xác định theo quy định của pháp luật về hải quan”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp khi thực hiện Thông tư 38/2015/TT-BTC chính là ở trị giá. Thực chất, doanh nghiệp đưa một lượng nguyên liệu ra nước ngoài để nhận được một lượng sản phẩm chứ không phải đưa một trị giá ra nước ngoài để nhận được một trị giá lớn hơn. Nếu không quy định rõ, doanh nghiệp sẽ lúng túng khi áp dụng. 

 Cùng với những điểm chưa hợp lý về trị giá tính thuế, không ít doanh nghiệp cho rằng, quy định về căn cứ tính thuế trong dự thảo còn mù mờ, thiếu rõ ràng. Điều 6 quy định về thuế theo tỷ lệ phần trăm, thuế tuyệt đối và thuế nhập khẩu nhưng vẫn chưa làm nổi bật căn cứ tính thuế là gì? Điều này sẽ khiến cho các đối tượng chịu tác động khó hình dung về cách tính thuế đối với mỗi mặt hàng mà mình sẽ xuất khẩu, nhập khẩu. Về bản chất, thuế tuyệt đối, thuế theo tỷ lệ phần trăm, thuế suất không phải là thuế mà chỉ là cách tính thuế mà thôi. Do vậy, cần thiết kế lại quy định này tránh gây hiểu lầm, phản cảm cho doanh nghiệp về việc ban soạn thảo đưa ra quá nhiều loại thuế cùng đánh vào một loại hàng hóa.

Dương Cầm
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân