‘Thông minh’ ở cây xăng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Khi phải đổ xăng cho xe, tôi để ý chọn điểm bán xăng có vẻ tin cậy, chú ý nhìn kim bơm xăng hay tới nơi tôi từng mua mà không cảm thấy nghi ngờ.

Tất nhiên tôi biết, cố chọn điểm bán xăng có thương hiệu thuộc công ty lớn hay nhắc mình quan sát kỹ hơn chỉ là liệu pháp tâm lý chứ không phải “giải pháp” hữu hiệu cho tôi – một người tiêu dùng – để tránh xăng kém chất lượng hay bị ăn bớt khi mua lẻ xăng dầu.

Tôi theo chân đoàn kiểm tra các cây xăng với tư cách phóng viên gần chục năm trước, và tiếp tục theo dõi thị trường xăng dầu từ đó đến nay. Kinh nghiệm cho tôi thấy, bắt quả tang hành vi gian lận xăng dầu theo các đợt kiểm tra là điều không thể.

Những năm qua, nhiều phản ánh của người dân cho biết, nhiều điểm bán xăng dầu có “chiêu” ăn bớt của khách hàng như bỏ qua khâu trả cần bơm về số 0, nhấp tay nhiều lần khi bơm, hay trụ bơm xăng gắn thiết bị lạ… Rất nhiều “kỹ xảo” của nhân viên hàng chục cây xăng trên địa bàn TP HCM đã bị phát hiện. Người mua bị đong thiếu, mua xăng kém chất lượng mà không hay biết.

Nhưng khi đoàn chúng tôi kiểm tra thực tế ở TP HCM, không thể tìm ra hành vi vi phạm nào. Theo quy định, chỉ khi bị bắt quả tang tại chỗ, cơ quan chức năng mới có cơ sở phạt điểm bán hàng.

Cuối cùng, dăm bảy cái biên bản xử phạt cũng được chìa ra với các chủ cây xăng, nhưng là cho các vi phạm hành chính về giấy phép kinh doanh, giờ bán hàng, hạn sử dụng của trụ bơm.

Xăng dầu là mặt hàng rất cơ bản và đặc biệt. Khi bạn nghi vấn về nhiên liệu trong xe mình, chẳng hạn như mua cùng số tiền nhưng lần này xe đi nhanh cạn bình hơn mọi lần, hay máy bị tắt giữa chừng, đến việc bạn chứng minh được rằng mình đã mua phải xăng kém chất lượng, bị ăn gian là hai chuyện hoàn toàn khác.

Người tiêu dùng bình thường, bằng mắt, trong những lần vội vã đổ xăng rồi vội trả tiền để phóng xe đi chắc chắn có rất ít cơ hội phòng vệ với chủ ý gian lận, dù là xăng giả, xăng pha tạp chất hay bị bơm thiếu. Và cũng vì nhu cầu mua xăng thường phát sinh trên đường nên khó mà áp dụng công cụ hay cách thức nào để hạn chế rủi ro như xem kỹ giao diện cửa hàng, kiểm tra uy tín cây xăng, nhìn bảng giá hay nhận biết loại xăng. Đơn giản, chúng ta hoàn toàn không có các cơ hội chọn lựa ấy.

Vụ xăng giả ở Đồng Nai bị phát hiện khiến tôi chột dạ. Đường dây cứ vài bữa lại phát lộ thêm vài công ty, bắt thêm vài giám đốc, từ Đồng Nai, TP HCM đến Long An. Đã có 200 triệu lít xăng giả được phát hiện đưa ra thị trường. Có khi tôi cũng từng mua phải xăng giả như nhiều người mà không biết.

Một người quen làm ở cây xăng nói, đến anh cũng còn khó tránh. Bởi lẽ, hàng công ty anh bán hiện được lấy từ nguồn duy nhất từ công ty phân phối anh đăng ký làm đại lý. Nhưng, thương nhân phân phối này lại lấy hàng từ nhiều thương nhân đầu mối khác nhau. “Nguồn thương nhân” kia lại được quyết định bởi tỷ lệ chiết khấu, tức hoa hồng, cho người lấy hàng.

Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đang thiết lập cơ chế như vậy. Anh không chắc thương nhân phân phối của mình có đủ “chính chuyên”, chỉ lấy xăng từ nguồn sạch hay một lúc nào đó lại “lạc lòng”, nhất là khi chào mời về phần trăm hoa hồng có thể gấp vài lần so với bình thường.

Mỗi khi giá xăng chuẩn bị xuống là y như rằng, thị trường sẽ có cuộc chạy đua chiết khấu. Theo đó, các đầu mối phải tăng hoa hồng cho mỗi lít xăng với giá cao hơn nhiều so với quy định để chủ cây xăng lấy hàng nhiều hơn. Chủ cây xăng cũng lợi, đầu mối đẩy được hàng đi để không bị tồn đầy kho.

“Hoa hồng” là một khái niệm đang bị thả nổi trên thị trường xăng dầu.

Chỉ trong vòng vài năm, tôi thấy số thương nhân đầu mối đã tăng gấp đôi trong khi điều kiện trở thành thương nhân đầu mối không hề dễ. Họ phải có hệ thống cầu cảng, kho chứa, phương tiện vận chuyển, hệ thống phân phối… do mình sở hữu, đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng cùng nhiều tiêu chí khác. Nhưng vì lý do nào đó, mạng lưới vẫn bành trướng mau chóng. Những lít xăng giả kia có thể đã len chân vào thị trường nhờ các chân rết này.

Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, do nhà nước quản lý, đã phân chia nhiệm vụ cho các bộ ngành liên quan. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về quy hoạch, phát triển, giám sát hệ thống, đảm bảo cung – cầu cho mục tiêu an ninh năng lượng. Bộ Khoa học và Công nghệ lo phần quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, đo lường khi xăng dầu lưu hành trên thị trường. Và để kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, gian lận về chất lượng xăng dầu còn có Tổng cục Thị trường, Ban chỉ đạo 389 – lực lượng chuyên trách chống hàng lậu, hàng giả.

Về lý thuyết, đó là vòng tròn bảo vệ khá an toàn nếu các bên phối hợp chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, từ trải nghiệm hai vai của mình, vừa là phóng viên theo dõi thị trường xăng dầu, vừa là người tiêu dùng, tôi không khỏi bất an. Dường như câu chuyện kiểm soát chất lượng, sự minh bạch và niềm tin với mỗi lít xăng của người mua chưa bao giờ trọn vẹn.

Đã có nhiều đề nghị mở cửa thị trường xăng dầu, để nhà đầu tư ngoại tham gia vào doanh nghiệp nội nhằm thay đổi cách bán xăng và minh bạch hóa thị trường. Đó là lúc hình ảnh nhân viên cây xăng Idemitsu Q8 của Nhật Bản cúi gập người chào khách gây bão kèm cam kết “chính xác đến 0,01 lít” với người tiêu dùng Việt.

Tôi cũng đã hào hứng với cây xăng kiểu Nhật. Nhưng rồi, việc thoái vốn nhà nước ở doanh nghiệp đầu mối giậm chân tại chỗ, đem theo kỳ vọng hiện đại hoá, minh bạch hoá thị trường xăng dầu.

Chỉ cần đẩy nhanh quá trình mở cửa và giám sát các loại “hoa hồng” đua nở trên thị trường xăng dầu, tôi tin thị trường nhiên liệu sẽ sạch hơn.

Trong lúc chờ cơ quan quản lý thực tâm hợp tác, tôi cố gắng làm người tiêu dùng thông minh, dù biết rằng nỗ lực để “thông minh” mỗi khi ghé vào cây xăng có thể không bảo vệ được mình.

Minh Tâm