Thông qua 3 dự án Luật và Nghị quyết Kỳ họp thứ Chín, QH Khóa XII
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trước đó, QH đã biểu quyết thông qua 3 dự án Luật và biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ Chín, QH Khóa XII.

Sau khi nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, 96,86% ĐBQH đã biểu quyết thông qua dự án Luật này. Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân sẽ tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các vụ, việc dân sự; các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần. Các ĐBQH cũng đã thông qua dự thảo Nghị quyết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự làm cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng triển khai thực hiện luật.

Dự án Luật Phòng, chống mua bán người đã được QH thông qua với 91,28% ĐBQH tán thành. Luật quy định việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong phòng, chống mua bán người.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiểm toán độc lập do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Hà Văn Hiền trình bày, nêu rõ: QH giao Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước có đội ngũ cán bộ chuyên sâu, thẩm quyền quản lý trên toàn quốc chịu trách nhiệm về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán; giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động thuộc lĩnh vực kiểm toán độc lập của Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán. 87,22% ĐBQH đã biểu quyết thông qua dự án Luật này.

Dự án Luật Thủ đô chỉ nhận được 35,9% ĐBQH biểu quyết tán thành.

+ Trong phiên làm việc buổi sáng, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH đã thảo luận về Báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2007 – 2011 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Các ĐBQH đánh giá cao những thành tích mà ngành Tòa án và ngành Kiểm sát đã đạt được trong nhiệm kỳ 2007 – 2011. Bốn năm qua, ngành Tòa án và Kiểm sát hoạt động trong bối cảnh có nhiều thách thức, nhất là việc thực hiện yêu cầu đẩy nhanh tiến trình cải cách tư pháp, đòi hỏi các cơ quan tư pháp phải thực sự dân chủ, công minh; sự gia tăng các tranh chấp về dân sự, kinh tế, lao động, thương mại… nhưng ngành Tòa án và Kiểm sát đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, công tác giải quyết xét xử các loại vụ án có những chuyển biến tốt; tỷ lệ các vụ án oan sai, án bị hủy, cải sửa giảm đáng kể so với nhiệm kỳ trước; tính công khai, dân chủ trong hoạt động tư pháp có chuyển biến tích cực; công tác giải quyết đơn khiếu nại và đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, công tác hướng dẫn, áp dụng pháp luật, bồi thường đối với những người bị oan trong tố tụng hình sự có chuyển biến đáng ghi nhận. Trong nhiệm kỳ qua, ngành Tòa án và ngành kiểm sát đã chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ kiểm sát viên, thẩm phán, tham gia tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế về tư pháp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, của QH và UBTVQH về cải cách tư pháp được đẩy mạnh, nhiều nội dung đã được triển khai thực hiện, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp. Có thể nói, ngành Tòa án và Kiểm sát đã có đóng góp tích cực vào việc bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của công dân, tạo nên hình ảnh đẹp của nước ta trong mắt bạn bè thế giới. Trong thành tựu chung đó, theo ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), phải kể đến những đóng góp quan trọng của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đặc biệt, trong mối quan hệ với QH, các cơ quan của QH, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thể hiện thái độ nghiêm túc, hợp tác, cầu thị, nghiêm túc đánh giá và nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ công tác của mình.

Về những tồn tại, hạn chế của ngành Tòa án và Viện kiểm sát, một số  ĐBQH cho rằng, trong nhiệm kỳ vừa qua, việc thực hiện cải cách tư pháp của Viện kiểm sát và Tòa án còn chậm, chưa thực sự đồng bộ với những cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực hành chính và công tác lập pháp. Quá trình thực hiện cải cách tư pháp đã phát sinh khá nhiều vướng mắc nhưng các cơ quan tư pháp cũng chưa phối hợp tốt và cũng như chưa tham mưu để trình các cấp có thẩm quyền kết luận cụ thể để thống nhất thực hiện. Việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp còn chậm so với yêu cầu, có nhiều luật rất quan trọng đối với hoạt động tư pháp, nhưng trong suốt nhiệm kỳ này cũng chỉ nằm trong chương trình chuẩn bị do liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp hoặc do Chính phủ chuẩn bị chưa kịp như Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra, Luật Tổ chức tòa án, Luật Tổ chức viện kiểm sát sửa đổi, Luật Giám định tư pháp. Điều này làm cho một số nội dung của cải cách tư pháp không thực hiện được gây không ít khó khăn cho hoạt động của Tòa án và Viện kiểm sát.

ĐB Phạm Quốc Anh (Đồng Nai) cho rằng, việc  đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, kinh phí hoạt động của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan thi hành án trong nhiệm kỳ này đã có bước tiến nhảy vọt. Song, theo đánh giá của các ĐBQH thì cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các cơ quan tư pháp trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của cải cách tư pháp. Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị yêu cầu, có cơ chế cho phép địa phương hỗ trợ kinh phí hoạt động cho cơ quan tư pháp từ khoản thu vượt ngân sách của địa phương. Nhưng cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa được luật hóa nên nhiều địa phương bị xuất toán các khoản đã hỗ trợ, gây khó khăn cho cơ quan tư pháp địa phương. Một số ĐBQH đề nghị Chính phủ xem xét, đề xuất phương án thực hiện thống nhất cơ chế này. ĐB Hồ Trọng Ngũ (Ninh Thuận) đề nghị, nên xem xét lại cơ chế, chính sách cho cán bộ ngành tư pháp nói chung và cán bộ ngành Tòa án, Viện kiểm sát nói riêng. Thực tế, những năm gần đây, áp lực công việc đối với cán bộ ngành tư pháp ngày càng lớn nhưng thu nhập còn thấp khiến một số cán bộ có tâm lý không ổn định hoặc dễ bị lôi kéo, sa ngã trước những lợi ích vật chất, vi phạm kỷ luật công vụ khiến tính thượng tôn pháp luật không được bảo đảm một cách nghiêm ngặt. Các đại biểu cho rằng, bên cạnh việc xử lý nghiêm khắc các cán bộ tư pháp vi phạm pháp luật cần bảo đảm các điều kiện hoạt động cho cán bộ tư pháp và trong điều kiện cụ thể của ngân sách nên xem xét có chính sách dưỡng liêm cho đội ngũ cán bộ tư pháp, những người trực tiếp cầm cân, nảy mực, bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật.

P. Thúy
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân