Thông quan chậm, khổ doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ông Nguyễn Ân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thương mại May Sài Gòn, cho biết công ty ông trong thời gian qua đã không ít lần chấp nhận vi phạm quy định về kiểm tra hải quan và thanh tra thuế để đảm bảo tiến độ giao hàng đối với những đơn hàng lớn, đòi hỏi giao hàng liên tục, cũng là đảm bảo việc làm xuyên suốt cho công nhân.

Hiện tại, công ty ông Ân đang mua vải từ Công ty TNHH Công nghiệp Chung Lương ở Bình Dương. Quy trình giao nhận hàng cụ thể như sau: Chung Lương làm thủ tục xuất hàng có đầy đủ hóa đơn chứng từ, công ty ông Ân làm thủ tục nhập hàng và trình bộ hồ sơ nhập khẩu hàng lên hải quan thành phố, hải quan xem xét hồ sơ để cho nhân viên hải quan xuống doanh nghiệp kiểm tra thông quan. Sau khi hải quan đồng ý, doanh nghiệp mới có thể đưa số lượng vải đó vào sản xuất.

Thông thường, quy trình này mất khoảng 3 ngày, nhưng đối với hàng xuất nhập khẩu tại chỗ, hải quan không ưu tiên, nên thời gian bị kéo dài từ một tuần đến 10 ngày. Theo ông Ân, cần tháo gỡ vướng mắc ở khâu kiểm tra thông quan hàng nhập khẩu tại chỗ sao cho nhanh chóng hơn, hoặc cho phép doanh nghiệp chứng minh kế hoạch sản xuất phù hợp với số lượng vải đề nghị nhập khẩu, cả vải đã được cắt, nằm trên chuyền may và có thể đã ra thành phẩm. Nếu doanh nghiệp không chứng minh được thì mới xem đó là vi phạm.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may trong nước không những phải cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực về chất lượng và mẫu mã hàng hóa, mà còn cạnh tranh cả về thời gian giao hàng đúng hạn. Việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong quản lý nguyên liệu, phụ liệu tạm nhập tái xuất sẽ góp phần giúp doanh nghiệp chủ động trong sản xuất.

Nếu đợi cán bộ hải quan xuống kiểm tra thông quan xong mới đưa vải ra cắt thì sẽ làm chậm kế hoạch sản xuất theo đơn đặt hàng. Do đó, doanh nghiệp phải đưa vải vào sản xuất cho kịp tiến độ, đồng nghĩa với vi phạm quy định về hải quan và thanh tra thuế. Ông Ân cho biết nhiều doanh nghiệp dệt may khác cũng có chung nỗi bức xúc về khâu thông quan hàng nhập khẩu tại chỗ. 

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online