Thông tin về lãnh đạo nếu “mật” dễ gây hiểu lầm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Chủ trương đường lối thì phải đến dân, thông tin về thân thế sự nghiệp lãnh đạo Đảng Nhà nước cũng cần phải tuyên truyền, nếu để mật rất dễ bị xuyên tạc, hiểu lầm”.

Đó là quan điểm của Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải, khi thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, sáng 11/7 tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Đây là dự thảo luật đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ tư. Khi đó, một số ý kiến cho rằng phạm vi bí mật nhà nước quy định trong dự thảo luật quá rộng, đề nghị quy định cụ thể hơn cho phù hợp với tình hình thực tiễn và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Dự thảo luật mới nhất đã được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể những thông tin trong từng lĩnh vực được xác định thuộc phạm vi bí mật nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực mình quản lý để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng cần quy định nguyên tắc phân loại và bổ sung tiêu chí phân loại bảo vệ bí mật  nhà nước, rà soát, điều chỉnh một số lĩnh vực có thông tin “tuyệt mật”, “tối mật” bởi đây là những quy định có liên quan đến quyền con người và quyền công dân.

Ông Bình cũng băn khoăn là nếu giao cho Chính phủ quy định về “tuyệt mật”, “tối mật” thì đúng với Hiến pháp hay không?” .

Chủ nhiệm Bình cũng nhận xét, phạm vi của các bí mật nhà nước là quá rộng, không cụ thể. “Các thông tin ký kết với nước ngoài thì người dân có được biết không, cái nào bí mật, cái nào không? Nếu ta bí mật nhưng nước ngoài công bố thì sao?”, ông Bình đặt vấn đề.

Cũng quan tâm đến nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu: “chủ trương đường lối thì phải đến dân, thông tin về thân thế sự nghiệp lãnh đạo Đảng Nhà nước cũng cần phải tuyên truyền, nếu để mật rất dễ bị xuyên tạc, hiểu lầm”.

Đáng chú ý, theo Chủ nhiệm Hải, ngoài chuyện phát ngôn, còn có bí mật ở trong đầu các cá nhân. “Về hưu viết hồi ký lại rất phức tạp. Trung ương Đảng có kỷ luật về phát ngôn, về viết hồi ký. Tôi cho rằng cũng nên có điều khoản liên quan đến trách nhiệm của các nhân vật nắm giữ bí mật nhà nước”, ông Hải góp ý.

Ngoài nội dung trên, danh mục bí mật nhà nước cũng là vấn đề được quan tâm thảo luận.

Khi thảo luận tại Quốc hội, một số ý kiến đã đề nghị rà soát, quy định đầy đủ các chủ thể lập danh mục bí mật nhà nước; đối với danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh đề nghị giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an lập và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Liên quan đến tiêu chí xác định thông tin mật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận xét, tiêu chí “nếu bị lộ có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc” là không rõ ràng.

“Thế nào là gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc? nguy hại rất lớn, nhưng đơn vị đo lường như thế nào? Tôi lấy ví dụ vụ Mobiphone mua 95% cổ phần của AVG, bây giờ đóng dấu mật,  thế nếu bị lộ có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc không?”,  bà Nga đặt câu hỏi.

Về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định thì không nên quy định cứng nhắc. Ông Định nêu ví dụ lịch đi công tác của Chủ tịch Quốc hội là tuyệt mật, nhưng hạ cánh rồi thì hết mật chứ sao lại 30 năm. “Lịch họp Bộ Chính trị cũng vậy, xong rồi thì nên tiến hành giải mật chứ không thể phải chờ đến 20, 30 năm mới hết mật”, ông Định nói.

Giải trình đề nghị quy định trường hợp bảo vệ bí mật vĩnh viễn hoặc thời hạn dài hơn 40 năm (tuyệt mật), Thường trực Uỷ ban Quốc phòng – An ninh cho rằng, trên thực tế có những thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước cần bảo vệ trong thời gian dài. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, việc xác định thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước lâu dài cần bảo đảm chặt chẽ gắn với bí mật nhà nước cụ thể. Do đó, đối với trường hợp này, Thường trực Uỷ ban đề nghị áp dụng quy định gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể.