Thông tư 20 vẫn còn, lại dựng thêm hàng rào mới?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thủ tục mới khó bằng “leo lên giời”

Dự thảo Thông tư Quy định việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu, do Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo, trong phần hố sơ đăng ký kiểm tra xe, có quy định xe cơ giới nhập khẩu phải nộp Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp, hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.

Đây là quy định mới so với trước. Theo các doanh nghiệp, quy định này một lần nữa lại làm khó xe nhập không chính hãng.

Ông Nguyễn Tuấn, Công ty TNHH Thiên Phúc An, nói: “Trước đây khi nhập khẩu xe nguyên chiếc về cửa khẩu, chúng tôi chỉ cần làm bản kê khai theo mẫu của cơ quan Đăng kiểm và cung cấp bản sao thông số kỹ thuật của xe là đủ. Nay phải nộp thêm Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất, hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, chắc chắn sẽ thêm khó khăn cho nhập khẩu xe”.

Theo các doanh nghiệp, để có được những giấy tờ này, với nhập xe không chính hãng khó bằng “leo lên giời”. Giấy này chỉ những nhà phân phối chính thức, hoặc công ty con của nhà sản xuất tại Việt Nam, mới có được. Các doanh nghiệp nhỏ thường mua xe từ các đại lý thứ cấp, hoặc nước thứ 3 thì còn lâu mới kiếm ra. Việc yêu cầu các đại lý thứ cấp lo những giấy tờ này cho doanh nghiệp Việt Nam là không thể, chính vì vậy sẽ không thể làm thủ tục nhập khẩu xe vào Việt Nam.

Như vậy, các quy định về nhập khẩu ô tô trong Thông tư 20 của Bộ Công Thương (phải có giấy ủy quyền chính hãng), dù có bị bãi bỏ, thì với quy định mới này cũng không khác gì hàng rào ngăn xe nhập khẩu không chính hãng.

Có một cách để lách quy định này, đó là mua xe ở một quốc gia có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn Việt Nam. Sau đó đăng ký, lấy biển số tại quốc gia đó, rồi làm hợp đồng mua xe và xin hủy đăng ký để xuất xe. Mang chứng nhận hủy đăng ký đó về cảng Việt Nam, nộp cho cơ quan đăng kiểm thay Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất, hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, thì sẽ được chấp nhận.

Tuy nhiên, như vậy sẽ thêm nhiều phiền phức và rắc rối. Mua hàng trăm chiếc ô tô cùng lúc mà chiếc nào cũng phải làm thủ tục đăng ký lưu hành ở nước sở tại, rồi lại làm thủ tục hủy đăng ký thì vừa nhiêu khê, vừa tốn kém.

Hàng rào kỹ thuật?

Các doanh nghiệp cho rằng, đây không khác gì rào cản với hoạt động kinh doanh. Thông thường các nhà sản xuất, khi xuất xưởng xe đã kiểm tra kỹ càng, đầy đủ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật tại các nước đó. Vì vậy, xe xuất xưởng đương nhiên đảm bảo chất lượng và đạt yêu cầu.

Bắt phải nộp Giấy chứng nhận chất lượng, hay Phiếu kiểm tra chất lượng, là cố tình gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điều này trước đây không hề có.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, quy định này giống như hàng rào kỹ thuật được dựng lên để ngăn xe nhập khẩu tràn vào. Thời điểm 2018 sắp tới, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam sẽ giảm còn 0%. Khi đó, giá xe nhập khẩu sẽ rẻ hơn xe trong nước khoảng 20% và xe trong nước khó lòng cạnh tranh.

Để bảo vệ thị trường và ngành công nghiệp ô tô trong nước việc dựng các hàng rào kỹ thuật là cần thiết. Nếu không, một loạt các dự án đầu tư vào sản xuất ô tô đang hình thành, có nguy cơ gặp khó khăn.

Một số ý kiến khác lại cho rằng, “hàng rào kỹ thuật” này chỉ giúp hạn chế xe nhập không chính hãng mà thôi, còn với xe nhập chính hãng thì không. Với công ty con của các tập đoàn sản xuất ô tô lớn tại Việt Nam hay nhà phân phối chính thức tại Việt Nam, việc xin những giấy tờ này không có gì là khó.

Trần Thủy
Theo VietNamNet