Thông tư 20/2011/TT-BCT: Chính sách “nghiêng” về bên nào?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

DN và cơ quan nhà nước… cùng “kêu”

Còn nhớ ngày 24.5.2011, khoảng 50 DN nhập khẩu (NK) ôtô tại Hà Nội đã họp bàn và ký văn bản không đồng tình với tinh thần TT20 và kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp. Bởi đối với họ, những quy định bổ sung buộc thương nhân NK ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải nộp bổ sung giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà NK, nhà phân phối hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó và giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp, chẳng khác nào thu hẹp đường làm ăn của họ.

Thế nhưng những kiến nghị ấy đã không được xem xét mà ngược lại còn bị cho là động thái vì lợi ích nhóm, cục bộ. Đến ngày 30.8.2012, trong công văn gửi BCT, Tổng cục Hải quan (TCHQ) cũng kiến nghị sửa đổi TT20 để tạo cơ chế thông thoáng cho việc NK ôtô tăng nguồn thu cho ngân sách, đồng thời hạn chế được tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu và tránh tình trạng độc quyền.

TT20 được ban hành với sự giải thích là nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng vào thời điểm đó lạm phát tăng cao, nhập siêu quá mức, TT20 được nhìn nhận là một giải pháp điều hành tình thế nhằm hạn chế nhập siêu. Sang năm 2012, nền kinh tế đã xảy ra giảm phát. Trong lúc này, những hạn chế từ TT20 không còn có ý nghĩa nhiều đối với các nhà NK ôtô bởi hàng loạt Cty trong số khoảng 2.000 DN NK ôtô theo dạng giấy phép thương mại đã và đang bị tồn hàng, làm ăn đình đốn, thậm chí phá sản.

Lái theo lợi ích nào?

Chính sách điều hành đối với ngành ôtô trong nhiều năm qua chưa bao giờ được đánh giá là có tầm nhìn xa mà luôn được cho rằng bị lái theo các lợi ích, mà đa phần dư luận cho rằng thường nghiêng về phía VAMA – Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô VN. TT20 khi ban hành cũng bị cho là nhằm hạn chế NK ôtô nguyên chiếc, tạo lợi thế cho VAMA. Là văn bản giải quyết tình thế nhưng TT20 siết thủ tục NK ôtô đến ngột ngạt, vì thế từ bản chất nó đã bao hàm tính bất định. Chính sách càng bất định thì DN càng bức bối, bất an trong làm ăn.

Mới đây BCT đã có kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, cho phép các nhà NK ôtô đã ký hợp đồng trước khi TT20 có hiệu lực được tiếp tục NK mà không cần bổ sung các thủ tục mới theo TT20. Sự tháo gỡ này là hợp lý và cần kíp, song một khi nó cộng hưởng với kiến nghị của TCHQ lại cho thấy rõ ràng sự bất ổn, ngả nghiêng của chính sách điều hành.

Trước kiến nghị của TCHQ, ngày 5.9.2012 VAMA đã gửi BCT văn bản kiến nghị “giữ nguyên hiệu lực của TT20”. Động thái này cho thấy, TT20 đang “được” cho VAMA hơn, vì thế tổ chức này muốn níu giữ quy định hiện hành, trong khi từ hơn một năm trước giới NK ôtô đã “kêu gào” đòi sửa đổi và nay lại có thêm tiếng nói hỗ trợ mạnh của TCHQ.

Đi giữa lằn ranh xung đột lợi ích của hai khối DN ấy, TT20 vô hình trung trở thành phương tiện phục vụ lợi ích cho một trong hai bên hơn là vì lợi ích lớn lao của toàn dân và nền kinh tế. Bây giờ, nếu không sửa TT20 thì cũng đã bị kêu và ngay cả cơ quan nhà nước cũng góp lời “kêu”, còn nếu sửa thì lại gây rối cho khối VAMA. Làm chính sách kiểu như trên thì bao giờ các ngành kinh tế mới phát triển lành mạnh được?

Thẩm Hồng Thụy
Nguồn: Báo Điện tử Lao động