NHNN vừa ban hành Thông tư số 30/2014 (TT 30) quy định về ủy thác và nhận ủy thác của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNg). TT 30 đã cơ bản khắc phục được những hạn chế của Thông tư 04/2012. Đặc biệt, theo đánh giá của giới chuyên gia, những quy định trong Thông tư này góp phần ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống NH.
TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng, khi TT 30 chính thức có hiệu lực sẽ tác động nhất định đến doanh thu của NH. Bởi hiện nay, ít nhiều các NH vẫn thu được một nguồn thu nhất định từ hoạt động này, nhưng trong khi hoạt động ủy thác ở nước ngoài có trình độ quản lý cao thì tại Việt Nam thời gian qua, nhiều TCTD thực hiện chưa nghiêm túc các quy định, thậm chí, còn lợi dụng chính sách để cho mục đích cá nhân gây nhiễu loạn, đầu tư chéo gây thất thoát vốn NH…
Vì lẽ đó, việc yêu cầu 6 đối tượng không được phép thực hiện ủy thác và nhận ủy thác tại TT 30 là điều hợp lý và các NH buộc phải chấp nhận. Đó là TCTD (trừ NHTM), chi nhánh NHNg không được ủy thác, nhận ủy thác góp vốn, mua cổ phần; NHTM không được ủy thác, nhận ủy thác góp vốn, mua cổ phần đối với các đối tượng ủy thác thuộc các trường hợp không được góp vốn, mua cổ phần quy định tại khoản 5 Điều 129 Luật Các TCTD và quy định của NHNN…
Cũng đưa ra nhận định việc không được ủy thác và nhận ủy thác nữa sẽ tác động đến doanh thu của NH, nhưng một vị chuyên gia NH cho rằng sẽ không có “bữa ăn ngon nào miễn phí”, bởi không một cuộc cải cách nào muốn thành công mà không chấp nhận phải trả giá. Lẽ đương nhiên, muốn hệ thống NH lành mạnh hơn bắt buộc chi phí phải phát sinh.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá những quy định về ủy thác mới chặt chẽ hơn, và tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh hơn trong hệ thống NH. Thời gian qua rất nhiều sai phạm của một số NH qua hình thức đầu tư chéo, nhóm lợi ích lợi dụng ủy thác để trục lợi, gây tác động xấu đến hệ thống NH.
Ông Hiếu lấy ví dụ cụ thể về một số trường hợp NH lách quy định cho vay các tổ chức liên quan bằng cách ủy thác cho công ty con của NH mình cho vay DN sân sau…“Do đó, với những điều chỉnh tại Thông tư 30 chắc chắn giảm thiểu tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống NH”, TS. Hiếu khẳng định và dự báo rằng, nợ xấu cũng sẽ tăng mạnh từ các khoản đầu tư này trước đây.
Về một số trường hợp không được ủy thác và nhận ủy thác theo Điều 9 thì quy định khá rõ ràng. Tuy nhiên, một chuyên gia NH cho rằng Điều 10 quy định về Ủy thác và nhận ủy thác của các NHTM chưa đủ chặt chẽ và cần có hướng dẫn cụ thể hơn.
Cụ thể tại Khoản 1 đ, Điều 10 ủy thác và nhận ủy thác có quy định “NHTM, tổ chức được phép kinh doanh chứng khoán theo quy định của pháp luật để góp vốn, mua cổ phần của DN, TCTD khác” là chưa đủ chặt chẽ. Vì trong quá khứ đã có NH ủy thác cho công ty con đến góp vốn mua cổ phần tại các NH, TCTD khác đầu tư chéo bất chấp rủi ro kiếm lợi nhuận. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho vấn đề sở hữu chéo ngày càng trở nên phức tạp trong hệ thống NH.
Vị này cũng lưu ý thêm, trong Điều 4 khoản 6 về Nguyên tắc ủy thác có quy định TCTD, chi nhánh NHNg ủy thác cho TCTD, chi nhánh NHNg và tổ chức khác phải tính số dư các khoản ủy thác trong các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của NHNN.
Trước đây, chưa có quy định này, vì vậy NHNN cần phải có hướng dẫn cụ thể rõ ràng hơn như về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động… để các NH bám sát quy định của NHNN đồng thời cơ quan quản lý ngăn chặn những trường hợp có thể lách chính sách dẫn đến vi phạm quy định về sở hữu.
Việc giảm bớt chức năng đầu tư của các NHTM khi khả năng kiểm soát quản lý rủi ro của NH chưa theo kịp đều được đánh giá là phù hợp để giảm thiểu những hệ lụy sau này. Song, theo lãnh đạo một NHTMCP, nếu hệ thống NH cơ cấu lại hoạt động hiệu quả, khả năng quản trị rủi ro NH được nâng cao thì đến một thời điểm nào đó có thể cân nhắc việc cho phép một vài trường hợp đang trong diện bị cấm được tiếp tục thực hiện ủy thác và nhận ủy thác một cách đầy đủ.
Nhưng cũng có chuyên gia NH có vẻ không đồng tình khi cho rằng, nếu đã trở thành một quy định mang tính chất ổn định lâu dài thì không nên thay đổi. Trừ trường hợp nếu hệ thống NH tiến đến một giai đoạn phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực với một nền tảng pháp lý chặt chẽ thì mới nên tính đến chuyện nới quy định này. “Và có lẽ ít nhất phải 5 năm tới, nếu hệ thống NH tái cơ cấu hiệu quả thì mới nên đề cập đến vấn đề này”, vị này nhấn mạnh.
Nguyễn VũNguồn: http://thoibaonganhang.vn/index.php/tin-tuc/2-thong-tu-30–giam-thieu-he-luy-so-huu-cheo-27196.html