Thép ống bị kiện chống bán phá giá : Những khuyến nghị cụ thể cho DN
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Với thị trường Hoa Kỳ các nhà XK chấp nhận thực tế nguy cơ kiện phòng vệ thương mại hiện diện với hầu hết sản phẩm. So sánh với các quốc gia xung quanh thì về số lượng các vụ điều tra, kiện trợ cấp, phá giá với VN không quá nhiều, tuy nhiên về điều tra trợ cấp gia tăng kể từ  2009. Điều này là dấu hiệu nguy hiểm với nước bị xem là nền kinh tế phi thị trường như VN.  Và sản phẩm thép ống các bon cũng không nằm ngoài quy luật đó…

“Nguy hiểm” kép

Đáng nói, trong vụ kiện thép lần này phía Mỹ kiện kép cả chống bán phá giá và chống trợ cấp. Điều này đồng nghĩa với việc DN phải bỏ gấp đôi thời gian, công sức và tiền bạc để thuê luật sư tư vấn, chuẩn bị tài liệu, gửi bảng câu hỏi… Nếu kết luận cuối cùng dẫn đến việc áp cả hai loại thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp DN rơi vào tình cảnh cùng lúc phải chịu hai thứ thuế, việc cạnh tranh tại thị trường Hoa Kỳ có thể khó khăn hơn nhiều.

Hơn nữa, đối với một ngành đang khó khăn như thép thì việc cùng lúc phải đối phó với hai vụ kiện là điều rất khó khăn. Trong khi đó, các DN sản xuất, XK mặt hàng bị điều tra lại chủ yếu là các DNVVN nên nguồn lực dành cho những vụ kiện như thế này cũng không có nhiều. Thép không phải là một sản phẩm XK chủ lực của VN và ống thép cacbon tiêu chuẩn cũng không phải là mặt hàng XK lớn trong số các sản phẩm thép XK của VN. Tuy nhiên, lượng XK sang Hoa Kỳ tăng liên tục trong những năm gần đây cho thấy đây có thể là một sản phẩm XK triển vọng. 

Riêng đối với vụ kiện chống trợ cấp, rủi ro và phạm vi tác động có thể vượt ra ngoài phạm vi của sản xuất ống thép. Thường thì một chương trình bị cáo buộc là trợ cấp gây thiệt hại có thể không chỉ áp dụng với một sản phẩm cụ thể là đối tượng điều tra mà có thể áp dụng cùng lúc (hoặc có những điểm tương đồng với các chương trình khác) cho nhiều sản phẩm khác  hoặc thậm chí với nhiều ngành.

Học từ… túi nhựa PE

Trước đây, chúng ta đã thành công trong vụ kiện chống trợ cấp đối với túi nhựa PE trước DOC tạo tiền lệ tốt cho VN trong các vụ điều tra chống trợ cấp sau này tại Hoa Kỳ.  Ở vụ túi nhựa, có hai nội dung được xem là “thắng lợi” của VN và có tác động tốt đến vụ ống thép này. Thứ nhất, ở vụ túi nhựa PE, VN đã đấu tranh thành công để DOC chấp nhận coi ngày 11/01/2007, ngày VN chính thức gia nhập WTO, là mốc để chỉ các trợ cấp sau ngày này mới bị xem là có thể bị khiếu kiện. Đây được xem là một điểm thuận lợi cho VN bởi sau thời điểm 11/1/2007, VN bắt đầu thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong khuôn khổ WTO, và vì vậy nguy cơ VN bị cáo buộc trợ cấp trái WTO sẽ được giảm nhiều. Thứ hai, kết thúc điều tra vụ túi nhựa DOC đã bác bỏ cáo buộc về nhiều chương trình trợ cấp mà nguyên đơn nêu và bỏ lửng kết luận với một số chương trình trợ cấp khác. Trong vụ kiện chống trợ cấp thép lần này, có khoảng 2/3 trong số các chương trình trợ cấp bị nguyên đơn cáo buộc có tính chất tương tự với các chương trình đã bị kiện trong vụ túi nhựa. Vì vậy VN hoàn toàn có thể sử dụng các lập luận tương tự vụ túi nhựa để áp dụng và có điều kiện để tập trung nguồn lực nhiều hơn với các cáo buộc mới xuất hiện.

3 ghi chú cần thiết

Thứ nhất, các DN cần tích cực, chủ động tham gia kháng kiện, bởi nếu DN không hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra thì sẽ bị sử dụng các thông tin sẵn có bất lợi cho DN. Kết quả là DN sẽ chịu mức thuế cuối cùng rất cao so với các DN có tham gia và hợp tác đầy đủ.

Chúng ta đã thành công trong vụ kiện chống trợ cấp đối với túi nhựa PE tạo tiền lệ tốt cho VN trong các vụ điều tra chống trợ cấp tại Hoa Kỳ.

Thứ hai, phối hợp đoàn kết giữa các DN: Việc thống nhất hành động giữa các DN, đặc biệt là các DN lớn được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc là rất cần thiết để đạt được kết quả cuối cùng tốt nhất cho toàn ngành. Theo quy định của Hoa Kỳ thì chỉ có một số DN được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc và được tính mức thuế suất riêng, mức thuế của các DN còn lại sẽ được tính dựa trên mức thuế của những DN được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc. Vì vậy, các DN cần có sự phối hợp với nhau cả về phương hướng lẫn nguồn lực vật chất để đảm bảo lợi ích cho tất cả các DN. Trong vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với túi nhựa VN tại Hoa Kỳ, cả ba DN được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc đều là các DN FDI. Trong giai đoạn đầu, các DN này đều tham gia đầy đủ. Tuy nhiên, đến giai đoạn cuối, một DN đã bỏ cuộc và đóng cửa nhà máy tại VN, một DN khác tuy vẫn hợp tác nhưng lại không cung cấp đủ thông tin và thông tin không thống nhất. Kết quả là hai DN này bị áp dụng thông tin sẵn có bất lợi để tính biên độ phá giá/trợ cấp dẫn đến mức thuế cuối cùng rất cao, kéo theo mức thuế chung của các DN còn lại.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mặc dù kết quả cuối cùng của một vụ kiện chống trợ cấp có tác động trực tiếp đến DN nhưng vai trò của Nhà nước trong quá trình kháng kiện là rất quan trọng bởi Nhà nước là đối tượng cung cấp các hình thức trợ cấp bị điều tra. Vì vậy, DN cần phối hợp với Nhà nước để cung cấp thông tin một cách thống nhất và có lợi.

Theo đó, các DN, Hiệp hội Thép VN cùng với Cục quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương cần sớm thống nhất việc lựa chọn thuê luật sư để hỗ trợ Chính phủ và DN trong vụ việc này. Nên thuê luật sư tại chính nước điều tra và có nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các nước bị điều tra kháng kiện thành công.

Bên cạnh những DN có lượng XK mặt hàng bị điều tra sang Hoa Kỳ lớn nhất dễ bị lựa chọn làm bị đơn bắt buộc, các DN còn lại nên tham gia vào vụ kiện với tư cách là bị đơn tự nguyện bằng cách gửi thông tin tự giới thiệu mình với cơ quan điều tra và trả lời bảng câu hỏi điều tra.

Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp