Thu 3.000 đồng một chữ ký số mỗi tháng: Chi phí quá lớn?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bày tỏ ý kiến về Thông tư 305 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, ông Nguyễn Tiến Thành, phụ trách mảng chữ ký số, Tổng Công ty viễn thông quân đội Vietel cho biết, tại Điều 4 của Thông tư 305, quy định mức tính phí trên cơ sở tính theo chữ ký số sử dụng trong tháng. Tuy nhiên, trên thực tế, chữ ký số chỉ là một trong những sản phẩm của chứng thư số. 

Đại diện Viettel lý giải, chứng thư số có thể được hiểu như một con dấu, nó có thể được sử dụng trên nhiều tài liệu khác nhau, tức là một chứng thư số có thể tạo ra vô số chữ ký số. Như vậy, nếu thực hiện theo Thông tư 305 (3.000đồng/chữ ký/tháng) thì một đơn vị sử dụng một chứng thư số trên nhiều tài liệu khác nhau trong một tháng sẽ phát sinh một khoản chi phí rất lớn. 

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng đại diện miền Bắc Công ty cổ phần chữ ký số Vina cũng đồng quan điểm trên và cho rằng trong trường hợp này, mức thu phí cần tính trên cơ sở chứng thư số chứ không phải chữ ký số. 

Bên cạnh đó, tại Điều 2 của Thông tư này, đối tượng nộp phí là các tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cho tổ chức, doanh nghiệp sử dụng theo quy định của pháp luật. Rõ ràng, người phải nộp phí trong trường hợp này là các CA (tức là các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số). Mặt khác, theo Luật phí và lệ phí thì phí là khoản để bù đắp chi phí cơ bản do cá nhân, tổ chức phải trả cho các dịch vụ hành chính công, tức là các đơn vị sử dụng chữ ký số phải trả.

Đại diện Công ty cổ phần Bkav cho rằng theo Thông tư 305, đối với dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số do Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia (NEAC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp, thì mỗi nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số (CA) chỉ sử dụng một chứng thư số duy nhất do NEAC cấp. Do vậy, mỗi CA sẽ nộp phí cho một chứng thư này.

Còn đối với chứng thư số do CA cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng (khách hàng của các CA), khi CA thu phí của khách hàng, theo Luật phí và lệ phí thì phải có biên lai thu phí và không tính thuế VAT trên phí. Tuy nhiên, biên lai do cơ quan nào phát hành và quy trình thực hiện như nào thì vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, mặc dù Thông tư đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 nên các CA chưa thể triển khai Thông tư. 

Ngoài ra, tại Khoản 2, Điều 7 của Thông tư 305 quy định “Đối với chữ ký số mà tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng trước ngày 1/1/2017, thực hiện nộp phí từ quý 3/2017”. Tuy nhiên, đối với chữ ký cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng trước ngày 1/1/2017, các CA đã thực hiện báo cáo thuế và thanh quyết toán thuế theo từng năm trước đó. Đại diện Viettel còn chia sẻ, vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên đơn vị không biết có phải đóng thuế trên số phí đó không…

Theo các CA, họ nhất trí với quan điểm phải nộp phí để phát triển mảng chữ ký số, vì việc ứng dụng chữ ký số trong 2-3 năm gần đây thực sự đã mang lại nhiều hiệu quả cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các CA kiến nghị Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (đơn vị tổ chức thu phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số theo quy định tại Thông tư) và Bộ Tài chính sớm có văn bản cụ thể hướng dẫn để các CA có căn cứ thực hiện Thông tư này.

Thuý Hà

Nguồn: http://canhtranhquocgia.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Thu-3000-dong-mot-chu-ky-so-moi-thang-Chi-phi-qua-lon/300090.vgp