Thủ tướng yêu cầu đột phá về môi trường kinh doanh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trong thời gian qua, một điểm sáng là công tác cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Theo báo cáo gần đây, môi trường kinh doanh được Ngân hàng Thế giới đánh giá tăng 9 bậc từ 91 lên 82 trong tổng số 190 nước khảo sát. Hiện chúng ta đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN.

Trước các thành viên Chính phủ, Thủ tướng nêu rõ, năm nay, Việt Nam cải thiện được ở một số tiêu chí như tiếp cận điện năng tăng 5 bậc, tiêu chí nộp thuế tăng 11 bậc. Đặc biệt, tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư nhỏ tăng ấn tượng, 31 bậc. Thủ tướng cho rằng, đó là kết quả của việc xử lý nghiêm các vụ việc như quán cà phê Xin Chào hay “điện thoại cùi bắp”…

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số chỉ số sụt giảm thứ hạng để có biện pháp khắc phục thời gian tới như tiêu chí xin cấp phép xây dựng và vay vốn…

Một tín hiệu đáng mừng khác là trong 10 tháng qua, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng cao, lập kỷ lục với hơn 91 nghìn doanh nghiệp được thành lập và dự kiến chắc chắn sẽ đạt hơn 100 nghìn doanh nghiệp trong năm nay. Có 20.000 doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trong số nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước.

“Tạo đột phá, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, phấn đấu năm 2017, môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt mức trung bình của 4 nước đứng đầu ASEAN, Thủ tướng chỉ rõ.

“Họ đánh giá cực kỳ chi tiết”

Phát biểu về nội dung này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng việc môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng theo xếp hạng mới đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam lại giảm 4 bậc, sau khi tăng 12 bậc năm ngoái.

Cùng với đó, bảng xếp hạng môi trường kinh doanh vừa được Ngân hàng Thế giới công bố căn cứ vào số liệu năm ngoái, do đó những nỗ lực cải cách năm nay của Việt Nam sẽ được phản ánh trong bảng xếp hạng năm tới.

Theo Phó Thủ tướng, các Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã đề cập đầy đủ các chỉ tiêu theo thông lệ quốc tế. Ngân hàng Thế giới đánh giá môi trường kinh doanh dựa trên 10 nhóm chỉ tiêu, còn Diễn đàn Kinh tế Thế giới có 12 nhóm chỉ tiêu với 114 tiêu chí cụ thể.

Phó Thủ tướng cho rằng để tiếp tục cải thiện vị trí của Việt Nam, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 19. Đồng thời, với những chỉ tiêu mà Ngân hàng Thế giới lấy thông tin về Việt Nam chưa chính xác, cần bộ ngành cần chủ động cung cấp thông tin.

“Họ đánh giá cực kỳ chi tiết, chúng ta phải lưu ý. Ví dụ vì sao chúng ta thúc đẩy khởi nghiệp mạnh như thế mà chỉ số khởi sự kinh doanh lại tụt hạng? Vì họ tính cả những việc như doanh nghiệp phải đăng ký mẫu dấu khi thành lập doanh nghiệp, rồi mua hóa đơn giá trị gia tăng mất bao nhiêu ngày”, Phó Thủ tướng phân tích.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp làm việc với một số cơ quan về sở hữu trí tuệ, hiện các bộ ngành như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đang triển khai các nhiệm vụ cụ thể liên quan đến quy trình, thủ tục, mức phí…

Phó Thủ tướng cho rằng, nếu tập trung thực hiện các giải pháp trong một vài năm, lĩnh vực này của Việt Nam có thể cải thiện vượt bậc, vào nhóm 2-3 nước dẫn đầu ASEAN, từ đó kích thích các lĩnh vực khác.

Hà Chính

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ