Thức ăn nhanh: DN nội đừng bỏ lỡ cơ hội
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Euromonitor, thị trường thức ăn nhanh tại Việt Nam (VN) có giá trị hơn 543,6 triệu USD, tăng trưởng từ 13,9% năm 2012 lên 15% vào năm nay.

Đủ mặt “anh tài” ngoại

Một khảo sát của hãng tư vấn bất động sản CBRE cho thấy, đến hết năm 2013, Lotteria và KFC là hai thương hiệu dẫn đầu thị trường thức ăn nhanh cả về số lượng tiêu thụ và số cửa hàng đang hoạt động ở VN.

Cụ thể, 9 thương hiệu gồm Jolibee, KFC, Lotteria, Pizza Hut, The Coffee Bean & Tea Leaf, Subway, Burger King, StarBucks và McDonald’s có 396 cửa hàng thì riêng Lotteria và KFC chiếm khoảng 74% (với số cửa hàng lần lượt là 155 và 135). Động thái của Jolibee (Philippines) mua lại hệ thống Phở 24 và Highlands Coffee với giá 25 triệu USD được nhiều chuyên gia đánh giá là bước đi chiến lược trong việc cạnh tranh trực diện với hai “ông lớn” đang dẫn đầu phân khúc này. Bởi lẽ, dù có mặt tại Việt Nam sớm nhất (năm 1996) nhưng thương hiệu này dường như chưa tạo được ưu thế khi chỉ có 30 cửa hàng. Cuối năm 2012, Buger King chính thức vào Việt Nam, hiện có 20 cửa hàng và đang tìm kiếm các vị trí đắc địa để phát triển nhanh hệ thống. Sau Burger King, Subway cũng “chạy đua” với việc đầu tư cửa hàng, định vị thương hiệu bằng sản phẩm sandwich tươi. Thương hiệu Việt của ngành này chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Những hệ thống từng rầm rộ ra mắt 1 thời, nay chìm khuất thông tin như Vietmac, Buncamita, Bún bò Huế 3A3… và gần nhất là hệ thống Phở 24 đã bị Jolibee thâu tóm. Chỉ trong thời gian ngắn, các đại gia thức ăn nhanh thi nhau “đổ bộ” vào Việt Nam, khiến thị trường này thêm sôi động và đặt ra nhiều thách thức với DN trong nước.

Còn dư địa cho DN trong nước

Đó chính là “phân khúc” cung cấp hàng hóa cho các hãng trong lĩnh vực này.

Hiện nay, hầu hết nguyên liệu để cung ứng cho ngành thức ăn nhanh chủ yếu là nhập khẩu (KFC nhập khoảng 70% nguyên liệu, Lotteria nhập 100% khoai tây và nước sốt…). Tuy nhiên, các nhà cung cấp buộc phải đáp ứng được các tiêu chuẩn rất khắt khe về chất lượng, quy cách, số lượng, kích thước sản phẩm… trên toàn cầu.

Một lãnh đạo KFC cho biết, dù đã nâng tỷ lệ nội địa lên đến 30% so với trước đây, nhưng có muốn nâng lên nữa cũng không dễ vì gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm và thiết lập mạng lưới cung cấp hàng hóa đầu vào theo tiêu chuẩn chung của hãng. Ngay như khi lựa chọn nhà cung cấp thịt gà ở Việt Nam, KFC phải cử một nhóm chuyên gia từ Mỹ sang huấn luyện để đảm bảo chất lượng thịt gà được ổn định. Hiện nay, nhà cung cấp gà và bánh burger của KFC là DN trong nước.

ABC Bakery – thương hiệu bánh khá nổi tiếng của Việt Nam – hiện là nhà cung cấp độc quyền bánh burger cho Burger King, KFC, Lotteria. Doanh số từ việc cung cấp bánh burger so với tổng doanh số bán hàng của ABC Bakery chiếm 25%, còn cách đây 10 năm chỉ 2%.

Ông Kao Siêu Lực, chủ hãng KFC, đánh giá mức tăng trưởng này sẽ không dừng lại bởi ABC vừa được McDonald’s chọn là nhà cung cấp bánh burger ở thị trường Việt Nam. ABC buộc phải tổ chức dây chuyền sản xuất độc lập cho mỗi hãng, vì công thức mỗi nơi đều là bí mật và khác nhau hoàn toàn.
Theo ông Phạm Hoàng Long, Giám đốc Trường Kinh doanh Hoàng gia (TPHCM), có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thương hiệu Việt vắng bóng ở thị trường thức ăn nhanh, liên quan đến ý tưởng, mô hình, kinh nghiệm, tiềm lực tài chính… Tuy vậy, DN Việt còn nhiều cơ hội ở mảng cung cấp nguyên vật liệu vì thị trường còn nhiều “đại dương xanh”.

Ở các thị trường mới, việc đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu trong cung cấp là khá khó khăn. Do vậy, ngoài tiềm lực của DN, cơ quan quản lý Nhà nước và các địa phương cần liên kết để tạo quy hoạch vùng nguyên liệu, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương cần hỗ trợ. “Ví dụ quy hoạch vùng khoai tây phù hợp thổ nhưỡng và điều kiện của Đà Lạt, chất lượng ổn định để có thể cung cấp được cho các hãng. Đây cũng là cơ hội để địa phương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, không riêng gì doanh nghiệp”, ông Long nhận xét.

Theo chinhphu.vn