Thực hiện dán tem trên sản phẩm rượu: Thời gian “làm khó” doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Khó thực hiện tiến độ

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó giám đốc Halico – cho rằng: Chủ trương dán tem rượu tiêu thụ trong nước là cần thiết, Halico cũng như các doanh nghiệp (DN) khác đều nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện dán tem chỉ sau thông tư ban hành hơn 1 tháng thực sự đã “làm khó” DN. Bà Ngọc phân tích: Đây đang là thời điểm tập kết hàng cho Tết Nguyên đán 2014, lượng hàng lưu kho ở các đại lý có số lượng rất lớn, việc bóc niêm phong dán lại tem mất rất nhiều thời gian. Chưa kể tới phương tiện dán tem của DN không có, phải làm thủ công nên phải tăng chi phí thuê nhân công dán.

Trong khi đó, Tổng cục Thuế là đơn vị cung cấp tem cũng đang bị động và chưa in đủ lượng tem bán cho các DN. “Đây đang là cao điểm phục vụ hàng Tết, doanh thu bán hàng mỗi tháng của Halico trên toàn quốc lên tới 100 tỉ đồng/tháng, tương đương với trên 2 triệu tem/tháng. Nhưng hiện nay, lượng tem cung ứng cho DN không đủ để dán bởi đến thời điểm này, Halico mới chỉ nhận được khoảng 10.000 tem từ Tổng cục Thuế, quá ít với con số thực mà DN cần” – bà Ngọc phản ánh.

Cơ quan thuế cần nhanh chóng thực hiện in tem cung cấp cho DN. Đồng thời, chi cục thuế các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng đến các cửa hàng, đại lý để kiểm kê số lượng rượu lưu kho và hướng dẫn cụ thể công tác thực hiện dán tem cho các cửa hàng này.

Đồng tình với những kiến nghị của Halico, đại diện Công ty CP rượu bia nước giải khát Aroma (đơn vị chủ sở hữu nhãn hiệu Vodka Men) phân tích thêm: Mặt hàng rượu có tính mùa vụ rất cao, tiêu thụ tập trung chủ yếu vào Tết Nguyên đán, nên các DN phải sản xuất lượng hàng tồn kho rất lớn từ giữa năm. Vì vậy, yêu cầu dán tem vào thời điểm trước Tết 1 tháng khiến các DN nhỡ vụ Tết và thiệt hại lớn, chưa tính đến việc tem này khi dán chai sẽ hỏng (rách) phải bỏ đi dán lại rất nhiều.

Theo đại diện Aroma, với các DN sản xuất công nghiệp, việc dán tem phải thực hiện bằng máy. Tính từ khi tìm được nhà cung cấp, đặt hàng, máy về Việt Nam, hiệu chỉnh và chạy ổn định cũng phải mất tối thiểu 4 tháng. Vì vậy, việc dán tem ngay sau khi có thông tư được hơn 1 tháng là không thể thực hiện được. Thêm nữa, hiện nay, có một số DN sản xuất rượu đang dán tem xác thực hàng hóa (tem chống giả – được Chính phủ khuyến khích), nếu dán thêm tem này là 2 tem lên nắp thì sẽ rất bất cập.

Giãn thời gian thực hiện

Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát (VBA) – cho hay, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để các DN thực hiện dán tem. Vì vậy, Bộ Tài chính cần hướng dẫn sớm cho các DN có thời gian chuẩn bị. Đây là thời điểm bán hàng phục vụ Tết Nguyên đán, lượng hàng dự trữ tồn kho sẽ lớn, để dán tem hết số lượng hàng tồn kho đã đóng niêm phong thành phẩm phải mất thời gian từ 30 – 35 ngày, không kịp tiến độ quy định của thông tư. Ông Việt đề xuất, Bộ Tài chính nên giãn thời hạn thực hiện thông tư đến hết quý I/2014.

Ông Bùi Trường Thắng – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) – cho hay: Hiện các DN sản xuất và kinh doanh rượu đang gặp khó khi triển khai thông tư bởi thời gian quá gấp, tem chưa có đủ. Trong khi đó, hàng loạt siêu thị và nhà phân phối đòi trả lại hàng cho nhà sản xuất vì lo ngại bán hàng không có tem sẽ bị phạt ở thời điểm 1/1/2014. Trước những khó khăn của DN, Bộ Công Thương đã có văn bản tổng hợp ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ xin gia hạn thời gian dán tem rượu theo Thông tư 160 đến ngày 1/4/2014.

Nguyễn Duyên- Thúy Hà
Nguồn:  Báo Công thương