Thực hiện Luật Quản lý thuế: Nhiều vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhìn lại 4 năm thực hiện Luật Quản lý thuế, ngành thuế và hải quan cũng đã nhìn nhận một số hạn chế trong quá trình thực thi luật. Một số nội dung quy định tại Luật Quản lý thuế chưa đáp ứng mục tiêu cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.

Loại bỏ những chứng từ không cần thiết

Nghị quyết của Chính phủ đã yêu cầu rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan thuế như: giảm thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế từ 5 ngày làm việc ngày xuống 3 ngày làm việc; rút ngắn thời hạn giải quyết đối với trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” từ 15 ngày làm việc xuống còn 6 ngày làm việc; giảm thời hạn giải quyết đối với trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày xuống còn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Do đó, Luật Quản lý thuế cũng cần thiết phải rà soát, sửa đổi cho phù hợp với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính.

Về hồ sơ của người nộp thuế gửi cho cơ quan thuế, Luật Quản lý thuế quy định một số chứng từ, tài liệu đối với một số hồ sơ khai thuế của người nộp thuế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện luật cho thấy, một số tài liệu không cần thiết, không phù hợp khi gửi hồ sơ cho cơ quan thuế như người nộp thuế phải nộp “chứng từ nộp thuế” đối với hồ sơ hoàn thuế trong khi cơ quan thuế đã có dữ liệu quản lý số thuế đã nộp của ngưòi nộp thuế hoặc người nộp thuế phải nộp “tờ khai quyết toán thuế” trong hồ sơ xoá nợ tiền thuế, tiền phạt đối với trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản trong khi quyết định tuyên bố phát sản là quyết định cao nhất. Do đó cần phải nghiên cứu, loại bỏ bớt các chứng từ không cần thiết trong hồ sơ của người nộp thuế gửi cho cơ quan thuế.

Điều chỉnh thời gian quyết toán thuế

Một “điểm nóng” trong quá trình thực thi Luật Quản lý thuế được cộng đồng xã hội quan tâm, cần được điều chỉnh, đó là thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN.

Luật Quản lý thuế quy định thời hạn quyết toán thuế TNDN chậm nhất là ngày 31/3 của năm tiếp theo (90 ngày). Thời hạn 90 ngày là quy định chung cho tất cả các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp lớn như các tập đoàn, tổng công ty. Trên thực tế, các doanh nghiệp này phải tổng hợp dữ liệu từ các công ty con vào báo cáo tài chính hợp nhất.

Đối với các doanh nghiệp có vốn ĐTNN, báo cáo tài chính nộp kèm theo báo cáo quyết toán thuế còn phải được kiểm toán bởi doanh nghiệp kiểm toán độc lập (theo quy định của pháp luật về kế toán). Do đó, các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp có vốn ĐTNN thường phát sinh việc chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế năm, dẫn đến phải nộp phạt chậm nộp hồ sơ khai quyết toán thuế.

Xác định thời điểm gia hạn nộp thuế

Về gia hạn nộp thuế, Luật Quản lý thuế quy định thời gian gia hạn nộp thuế không quá 2 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế. Trên thực tế, việc giải quyết gia hạn nộp thuế đối với trường hợp người nộp thuế gặp khó khăn đặc biệt, theo quy định của Chính phủ thường kéo dài do phải xem xét tới nhiều yếu tố, cần có ý kiến của nhiều cơ quan. Vì vậy, khi được chấp thuận gia hạn nộp thuế đã vượt quá thời gian bắt đầu tính gia hạn nộp thuế nên khó xác định cho người nộp thuế được gia hạn tính từ thời điểm nào?

Xóa nợ thuế, phạt thuế

Về xoá nợ tiền thuế, tiền phạt, Luật Quản lý thuế quy định các trường hợp được xoá nợ thuế là doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt và cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt còn nợ.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy còn có một số trường hợp khác phát sinh như có nhiều trường hợp nợ thuế, nợ phạt không phải do chủ quan của doanh nghiệp mà do nguyên nhân khách quan (các thay đổi trong hệ thống chính sách thuế, hải quan, cải cách doanh nghiệp từ 1990 đến nay, tác động của khủng hoảng kinh tế vào các năm 1998- 1999 và năm 2008- 2009), gây khó khăn cho việc xác định số tiền thuế phải nộp, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp với các khoản nợ phát sinh do lịch sử để lại chưa được xử lý.

Do vậy, trên thực tế hiện còn tồn tại những khoản nợ thuế đang thuộc diện khoanh nợ cần được xem xét để xử lý xoá nợ nhưng chưa có quy định để xử lý.

Nam Anh
Nguồn: Báo Kinh tế Hợp tác Việt Nam