Thực sự đột phá về tư duy, tầm nhìn 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên – đại biểu Quốc hội, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng, thực sự đột phá về tư duy, tầm nhìn, có những đạo luật trực diện vào các nhóm lợi ích, từ đó tạo chuyển biến ngay trong thực tiễn. Dù vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng lập pháp, ông cho rằng, các cơ quan của Quốc hội phải làm thật tốt vai trò “gác cổng”. Cùng với đó, phải phát huy mạnh mẽ vai trò, tiếng nói của các đại biểu chuyên trách, các đại biểu có chuyên môn sâu về lĩnh vực mà Quốc hội đang xem xét, thảo luận…
<img alt="" src="” width=”850px” />

Ảnh: Q.Chi

Ấn tượng nhất với tôi là Luật Quy hoạch

– 15 năm làm đại biểu Quốc hội, trong đó có đến hai nhiệm kỳ hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế – một trong những Ủy ban được giao chủ trì thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý những dự luật hết sức quan trọng về đầu tư kinh doanh. Nhìn lại công tác xây dựng luật của nhiệm kỳ Khóa XIV, ông ấn tượng nhất điều gì?

– Dưới góc độ một người làm công tác nghiên cứu và một đại biểu Quốc hội 3 nhiệm kỳ liên tiếp, tôi nhận thấy, Quốc hội đã ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác lập pháp, hoàn thiện thể chế. Chất lượng các đạo luật được Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ Khóa XIV được nâng lên, trong đó có những nghị quyết, những đạo luật thực sự đột phá về tư duy, tầm nhìn và tạo ra sự chuyển biến rất rõ trong thực tiễn cuộc sống. Nếu nói về ấn tượng nhất với tôi thì có lẽ là Luật Quy hoạch.

Đó là một trong những dự án Luật được thảo luận, tranh luận hết sức căng thẳng, quyết liệt từ Chính phủ sang đến Quốc hội. Ông từng chia sẻ rằng, Ủy ban Kinh tế “cực kỳ đau khổ” khi thẩm tra dự án Luật này?

– Dự án Luật Quy hoạch chính là dự án Luật gây căng thẳng nhất trong đời làm luật của tôi. Dự Luật Quy hoạch gây tranh luận và bị một số bộ, ngành phản ứng gay gắt là bởi tinh thần đột phá, “cách mạng” của nó, “đánh thẳng” vào lợi ích cục bộ của các bộ, ngành, địa phương. Nếu thực hiện đúng tinh thần của Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua thì công tác quy hoạch sẽ được tiến hành khoa học, công khai, minh bạch, chấn chỉnh, ngăn chặn được tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, “băm nát” quy hoạch và làm cho quy hoạch thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, vì lợi ích chung của đất nước chứ không phải là một “công cụ” phục vụ cho lợi ích của nhóm người nắm trong tay thẩm quyền điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch.

– Dẫu vậy, nhiều địa phương phản ánh, họ đang rất lúng túng trong thực hiện Luật Quy hoạch, nhiều dự án, công trình đã bị đình trệ vì chờ… quy hoạch. Dành rất nhiều tâm huyết cho đạo luật này, ông thấy phản ánh của các địa phương như thế nào?

– Tôi phải nói lại một điều rằng, Luật Quy hoạch không “phá” bất cứ luật hay quy hoạch nào. Mục tiêu cuối cùng của Luật Quy hoạch chính là tích hợp các quy hoạch lại để bảo đảm sự thống nhất trong một không gian phát triển, giúp tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên hạn hẹp của đất nước.

Quy hoạch tổng thể quốc gia về bản chất chính là Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng được cụ thể hóa thành các mục tiêu, kế hoạch phát triển. Ví dụ, nếu đặt mục tiêu nâng tỷ lệ đô thị hóa lên trên 50%, hiện nay là 42% thì trong 5 năm tới cần tăng tỷ lệ đô thị hóa thêm 8%. Vậy 8% đô thị hóa này rơi vào đâu, để tránh tình trạng tỉnh nào cũng phát triển đô thị? Cũng giống như bây giờ tỉnh nào cũng thích làm sân bay thì ở tầm quốc gia, chúng ta phải xác định được trong 5 – 15 năm tới, chúng ta cần bao nhiêu sân bay, nằm ở địa phương nào? 

Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đã được trình Đại hội thông qua, Chính phủ phải trả lời được các câu hỏi, ví dụ như: Hà Giang có cần công nghiệp hóa không? Lai Châu có cần công nghiệp hóa không? Công nghiệp hóa của Hà Giang, hiện đại hóa của Hà Giang là gì? Có gì khác hay cũng giống như Điện Biên?… Trả lời được các câu hỏi này thì chúng ta mới có chính sách phù hợp cho từng địa phương, chấm dứt tình trạng “trăm hoa đua nở”, tỉnh nào cũng na ná nhau khiến nguồn lực ở địa phương và nguồn lực của Nhà nước không những không phát huy được mà còn bị xé lẻ, thậm chí cản trở nhau.

Luật Quy hoạch quy định Chính phủ làm quy hoạch tổng thể quốc gia, địa phương làm quy hoạch tỉnh – chính là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh. Như vậy, ở địa phương, phải thấy ngay rằng, khi chúng ta định phát triển khu đô thị ở một khu vực cụ thể thì có phù hợp với quy hoạch phát triển của đất nước không? Nếu không phù hợp với quy hoạch phát triển đất nước thì phải tìm hiểu lý do; chứng minh được vì sao phải làm những khu đô thị này chứ không thể vì thiếu tiền thì quy hoạch đô thị để bán đất thu tiền. Làm đúng Luật Quy hoạch thì tất cả những vấn đề đó trở nên sáng rõ hết.

Cơ quan của Quốc hội phải làm thật tốt vai trò “gác cổng”

Cử tri đánh giá 3 nhiệm kỳ gần đây, đổi mới của Quốc hội diễn ra rất mạnh mẽ, hiệu quả. Ông có thấy như vậy không? Và nếu tiếp tục đổi mới, theo ông, Quốc hội nên đổi mới như thế nào?

– Tôi cho rằng, Quốc hội đã ngày càng thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình đối với đất nước, với Nhân dân. Ở góc độ xây dựng pháp luật, Quốc hội đã có rất nhiều đổi mới để nâng cao chất lượng lập pháp. Rất nhiều đạo luật đóng vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật quốc gia được thông qua trong nhiệm kỳ Khóa XIV đã thể hiện rất rõ trí tuệ, bản lĩnh của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc bảo vệ những chính sách, những quy định tiến bộ, có lợi cho quốc gia, cho người dân.

Tuy vậy, về phương thức làm luật, tôi cho rằng vẫn phải đổi mới hơn nữa. Tôi có cảm giác, chúng ta vẫn đang hơi “hành chính hóa” trong xây dựng luật. Thời lượng thảo luận các dự án luật cơ bản bằng nhau, thời gian dành cho đại biểu chuyên trách, đại biểu có chuyên môn sâu về lĩnh vực điều chỉnh của dự luật và đại biểu kiêm nhiệm bằng nhau… nên một số dự luật, một số chính sách cụ thể trong các dự án luật chưa thể đi đến cùng.

Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ tăng thêm 5% so với Khóa XIV. Đây là yếu tố thuận lợi để Quốc hội tiếp tục chuyển mạnh sang Quốc hội thảo luận, tranh luận. Theo tôi, cần phát huy mạnh mẽ vai trò, tiếng nói của các đại biểu chuyên trách, các đại biểu có chuyên môn sâu về các lĩnh vực mà Quốc hội đang xem xét, thảo luận, thể hiện ở việc ưu tiên dành nhiều thời gian hơn cho các đại biểu này thảo luận, tranh luận. Việc thảo luận, tranh luận cũng nên tiến hành cho đến khi mọi vấn đề của dự luật được sáng tỏ chứ không nên chỉ dừng lại ở giờ làm việc hành chính. Trong các nhiệm kỳ gần đây, nhiều Ủy ban của Quốc hội đã làm như vậy, thảo luận, tranh luận xuyên trưa, xuyên tối để tìm được sự đồng thuận, tiếng nói chung và giải pháp phù hợp nhất đối với các nội dung trình Quốc hội. Vì thế, theo tôi, Quốc hội nên áp dụng cách thức này.

– Như ông chia sẻ, có những dự án luật, dự thảo nghị quyết quả thực cơ quan thẩm tra phải rất “đau đầu” mới có thể tìm ra giải pháp phù hợp nhất để tham mưu cho Quốc hội. Thực tế này đặt ra yêu cầu như thế nào đối với các cơ quan của Quốc hội thời gian tới?

– Chúng ta hay nói về chuyện lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ được cài cắm trong các dự án luật. Đây là một thực tế khó tránh khỏi. Bởi lẽ, khi tôi có quyền đề xuất, soạn thảo chính sách pháp luật thì tôi phải bảo vệ lợi ích của tôi, ngành tôi trước. Không ai khuyến khích việc đó nhưng nó là thực tế mà tôi cho rằng không cách nào chấm dứt hoàn toàn được. Vấn đề là, cơ quan quản lý nhà nước trình dự án luật như vậy, chính sách như vậy thì Quốc hội có phê chuẩn hay không?

Chất lượng các đạo luật, xét đến cùng vẫn là trách nhiệm của Quốc hội. Chính vì vậy, hơn ai hết, các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là cơ quan được giao chủ trì thẩm tra, giải trình tiếp thu, chỉnh lý phải làm thật tốt vai trò “gác cổng” của mình. Muốn vậy, các thành viên, đặc biệt là Thường trực các Ủy ban phải có năng lực, giỏi chuyên môn, không nể nang, đủ bản lĩnh để sẵn sàng phản biện và phản biện một cách khoa học, biện chứng, khách quan để khiến cơ quan trình thấy “tâm phục, khẩu phục”. Nếu dự án luật nào không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, có vấn đề về tư duy quản lý, có cài cắm lợi ích cục bộ thuận cho cơ quan quản lý, đẩy phần khó cho người dân, doanh nghiệp… thì chính các cơ quan chủ trì thẩm tra phải dứt khoát kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trả lại, không trình Quốc hội xem xét. Làm như vậy vừa đỡ mất thời gian của Quốc hội vừa buộc các cơ quan soạn thảo phải chuẩn bị các dự luật kỹ lưỡng hơn, chất lượng hơn.

Xin cảm ơn ông!