Thực thi luật Sở Hữu Trí Tuệ: Đừng quên doanh nghiệp vừa và nhỏ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 Đó là trao đổi với bà Jennie Ness – Tùy viên phụ trách về SHTT của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á về Luật SHTT và thực thi Luật SHTT là vấn đề các doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm mỗi khi có ý định đầu tư vào VN.

PV: Nếu so sánh với các nước trong khu vực hay các nước có cùng trình độ, bà có nhận thấy Việt Nam có những điểm khác biệt hay khó khăn gì hơn?

Bà Jennie Ness: Rất khó để có thể nhận biết là họ đang ở trình độ phát triển nào bởi vì nó có nhiều yếu tố liên quan. Có thể chúng ta nhận thấy VN chưa có bề dầy trong việc phát triển luật trong vấn đề này. Nhưng phải công nhận rằng VN đang quan tâm đến vấn đề phát triển công nghệ và vận dụng khá tốt vào thực tế.

PV: Theo bà Luật SHTT của VN còn cần bổ sung những gì để phù hợp với quá trình hội nhập hiện nay?

Bà Jennie Ness: Vấn đề là phải tìm ra một cách thức nào đó có thể kiểm soát được tình hình xấu đang diễn ra như hàng giả, hàng nhái,… Tôi phải thú nhận là tôi rất thích đến Hà Nội vì ở đây chúng tôi có thể mua sắm được rất nhiều với những bộ quần áo, túi xách và giầy rất đẹp. Nếu Luật SHTT không được thực thi một cách nghiêm túc thì các nhà thiết kế nhỏ này sẽ không thể đưa ra được những nhãn hiệu của mình trên quốc tế vì sản phẩm của họ đã bị copy. Như vậy, vấn đề đặt ra không chỉ là những điều khoản được nêu trong luật, mặc dù còn có rất nhiều vấn đề liên quan còn đặt ra. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là phải làm sao có thể thực thi luật đó một cách hiệu quả.

PV: Thưa bà, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp VN muốn tham gia thị trường Mỹ, vậy theo bà đâu là những trở ngại lớn mà các doanh nghiệp VN gặp phải về lĩnh vực SBHTT?

Bà Jennie Ness: Vấn đề này các công ty Mỹ và công ty VN rất giống nhau, chúng tôi nhận thấy 85% các công ty Mỹ không nhận thấy tầm quan trọng của SHTT trong xuất khẩu. Như vậy, vấn đề đầu tiên mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ của VN và Mỹ gặp phải khi xuất khẩu hàng hoá là họ phải xác định xem họ muốn bảo vệ quyền SHTT của họ ở những nơi nào, và họ có thể đầu tư được bao nhiêu tiền trước khi họ thực sự xuất khẩu hàng hoá đến địa điểm ấy. Chúng tôi đã làm việc với một số công ty mà ý định của họ chưa muốn xuất khẩu sang các nước châu á, vì vậy họ chưa chú ý đến việc đăng ký nhãn hiệu ở các nước này. Nên khi hàng hoá của họ xuất khẩu thành công ở một số nước khác thì họ mới nhìn sang châu á, họ đến khi đó thì họ đã mất quyền hay nói đúng hơn là những nhãn mác của họ đã bị người khác đăng ký mất.

PV: Theo bà thì các cơ quan quản lý nhà nước VN sẽ hỗ trợ như thế nào để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia tích cực hơn về SHTT?

Bà Jennie Ness: Chúng tôi nhận thấy các DN vừa và nhỏ VN không biết nhiều về lĩnh vực SHTT. Vì vậy, vấn đề cần làm trước hết là nâng cao sự hiểu biết của công chúng về SHTT. Còn về cơ bản, chúng ta có thể điều chỉnh những nội dung chính của SHTT vào từng trường hợp cụ thể. Việc thoả thuận quyền SHTT trong khuôn khổ WTO có sự linh hoạt cho các nước trong việc áp dụng cho môi trường của nước mình. Chúng ta phải nhìn nhận lại trên mọi lĩnh vực, nếu như không bảo vệ được SHTT thì sẽ gây ra những hậu quả như thế nào? Và ngược lại sẽ mang lại tương lai tươi sáng cho doanh nghiệp VN. Tôi mong rằng Chính phủ VN hãy làm cách nào để phát triển lĩnh vực này và làm việc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ VN để giúp họ phát triển.

PV: Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử