Thực thi quyền SHTT theo TPP: Áp lực lên doanh nghiệp và người tiêu dùng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Để tương thích với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam cần sửa đổi cũng như bổ sung một số điều liên quan đến Luật SHTT hiện hành, cũng như phê chuẩn các điều ước quốc tế liên quan đến quyền SHTT. Vấn đề quan ngại là gánh nặng chi phí kinh doanh sẽ tăng khi doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam phải tuân thủ, thực thi quyền SHTT theo chuẩn TPP.

Quyền tác giả, quyền liên quan

Luật SHTT (2005) tuy có quy định tổ chức, cá nhân khi sử dụng bản ghi âm để kinh doanh thương mại phải có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả, nhà sản xuất bản ghi, người biểu diễn nhưng trên thực tế, do Việt Nam chưa có mô hình hiệp hội bảo vệ người biểu diễn, nên chủ thể được bảo hộ quyền này hiện vẫn bị thiệt thòi.

Do đó để đảm bảo sự công bằng giữa tác giả, nhà sản xuất bản ghi và người biểu diễn (NBD), Luật SHTT Việt Nam cần sửa đổi theo hướng “không thứ bậc” (3) như quy định của TPP. Theo đó, ngoài sự cho phép từ phía tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, còn cần có sự cho phép của NBD hoặc nhà sản xuất và ngược lại trong trường hợp cần thiết phải có chấp thuận của các bên này.

Quy định về thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan cũng cần thay đổi từ quy định hiện nay là suốt cuộc đời tác giả cộng thêm 50 năm tiếp theo kể từ khi tác giả chết lên thành 70 năm.

Sáng chế

Là thành viên của TPP, Việt Nam phải chấp nhận điều khoản cho phép điều chỉnh thời hạn của sáng chế. Theo đó, mọi trì hoãn bất hợp lý trong việc cấp bằng sáng chế do kéo dài thời hạn luật định hơn năm năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký tại Việt Nam, hoặc ba năm sau ngày có yêu cầu thẩm định đơn, sẽ bị áp dụng điều chỉnh thời hạn sáng chế để bồi hoàn cho thiệt hại của chủ đơn do chậm trễ. Đồng thời, Việt Nam cũng cam kết sẽ tạo ra cơ chế để các chủ sở hữu sáng chế có thể thực hiện được yêu cầu này.

Cách tiếp cận mới đối với các đối tượng có thể đăng ký sáng chế

Việt Nam đồng ý rằng bằng sáng chế được cấp cho (i) các sáng chế có yêu cầu bảo hộ (ii) hoặc cho một công dụng mới của một sản phẩm đã biết, (iii) hoặc phương thức mới của cách thức sử dụng một sản phẩm đã biết, (iv) hoặc quy trình mới để sử dụng một sản phẩm đã biết. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng quy định mới này có thể dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian bảo hộ một sáng chế, kéo dài tình trạng độc quyền đối với bằng sáng chế, và dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng, đặc biệt, là sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm.

Đến nay, hệ thống pháp Luật SHTT của Việt Nam mới chỉ chấp nhận các giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình là đối tượng có thể đăng ký sáng chế, còn công dụng mới của một sản phẩm đã biết, phương thức mới của cách thức sử dụng một sản phẩm đã biết đều là những đối tượng mới mà luật SHTT Việt Nam chưa công nhận.

Tuy nhiên, Hiệp định TPP cũng cho phép quốc gia thành viên được quyền lựa chọn một trong ba cách tiếp cận nêu trên cho các đối tượng có thể đăng ký sáng chế. Nhiều khả năng Việt Nam sẽ duy trì áp dụng đối tượng đăng ký dạng quy trình, vốn đã được ghi nhận trong quy định pháp luật về SHTT hiện nay.

Vấn đề quan ngại là gánh nặng chi phí kinh doanh sẽ tăng khi doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam phải tuân thủ, thực thi quyền SHTT theo chuẩn TPP.

Nhãn Hiệu

Điều 72 của Luật SHTT loại trừ âm thanh và mùi hương là đối tượng có thể đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, TPP ràng buộc nghĩa vụ của quốc gia thành viên, theo đó, quốc gia thành viên không được từ chối đăng ký nhãn hiệu dựa trên cơ sở dấu hiệu được đăng ký là âm thanh. Ngoài ra, mỗi bên phải tạo điều kiện tối đa để tiếp nhận đăng ký mùi hương làm nhãn hiệu (4).

Việt Nam sẽ phải thực hiện việc sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng cho phép việc đăng ký nhãn hiệu cho các dấu hiệu này.

Ở khía cạnh kỹ thuật, Việt Nam cũng cần làm rõ để được công nhận là một nhãn hiệu, liệu một mùi hương có cần phải gắn liền với một sản phẩm, dịch vụ cụ thể mà mùi hương đó sử dụng để tạo ra sự khác biệt hay không.

Đối với việc bảo hộ âm thanh, pháp luật cần làm rõ liệu có thể từ chối việc đăng ký trong trường hợp dấu hiệu âm thanh đơn thuần xuất phát từ chức năng hoặc chỉ có tính chất mô tả, hoặc thậm chí là mô tả sai lệch hay không. Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho việc thực hiện đăng ký và thẩm định đăng ký trên thực tế, chúng ta cũng cần đưa ra các hướng dẫn chi tiết để đánh giá khi nào thì một dấu hiệu âm thanh sẽ bị coi là dấu hiệu âm thanh đơn thuần xuất phát từ chức năng hoặc chỉ có tính chất mô tả, hoặc thậm chí là mô tả sai lệch một cách giả tạo.

Sinh phẩm y tế, dược phẩm

Độc quyền về dữ liệu

Theo cơ chế bảo vệ kết quả thử nghiệm bảo mật, và những dữ liệu khác trong Hiệp định TPP, Cục Quản lý dược Việt Nam không thể chỉ dựa trên dữ liệu của nhà sản xuất biệt dược để cấp phép cho đơn đăng ký của các nhà sản xuất thuốc thứ cấp, mà còn phải được sự cho phép của nhà sản xuất biệt dược (nhà sản xuất đầu tiên). Thời hạn quy định theo TPP là tám năm, tính từ ngày cấp phép lưu hành biệt dược (5), trong khi chúng ta hiện chỉ áp dụng năm năm trong khuôn khổ Thỏa ước TRIPS.

Theo báo cáo 2016 của Eurocham Việt Nam, đến nay trên thực tế điều này ít được thực hiện. Hiện chưa có thành viên nào của Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm (Pharma Group) được chấp thuận để bảo vệ dữ liệu này.

Việc sửa đổi luật liên quan đến thời hạn trên cũng được dự đoán có thể làm trì hoãn việc đưa lưu hành các dòng thuốc generic (thuốc phiên bản, phân biệt với thuốc phát minh) tại Việt Nam.

Liên kết sáng chế áp dụng đối với dược phẩm

Đối với dược phẩm, Việt Nam cũng đồng ý thêm rằng bất kỳ trì hoãn nào trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm sẽ tạo cho chủ sở hữu sáng chế liên quan quyền được gia hạn thời hạn sáng chế. Hiện nay, ngoại trừ các quy định tại Chương 18 của TPP, không có quy định liên quan nào tại Luật SHTT hay các quy định trong Luật Dược (2005) cho phép cơ chế bảo đảm thời hạn bảo hộ cho chủ sở hữu sáng chế. Như vậy hồ sơ đăng ký thuốc có thể bị trì hoãn việc xem xét và xử lý trên thực tế.

Do sự tác động của các yêu cầu về bảo hộ sáng chế đối với dược phẩm tại TPP, hạn chế quyền nhập khẩu song song, nhiều loại dược phẩm sẽ tăng giá hoặc duy trì ở mức giá cao do việc hạn chế các nhà sản xuất cạnh tranh, tiếp cận đến dữ liệu sáng chế trong thời hạn dài hơn theo TPP.

Cải thiện thực thi quyền SHTT tại Việt Nam

Việc thực thi quyền SHTT ghi nhận tại Hiệp định TPP bao gồm các chế tài dân sự, hành chính, biện pháp khẩn cấp tạm thời, kiểm soát hải quan và chế tài hình sự. Nhìn chung, các cơ chế thực thi này đều tương đồng với quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, vốn đã được sửa đổi đồng bộ sau khi Việt Nam gia nhập WTO/WIPO/TRIPS. Tuy nhiên, thực tiễn thực thi pháp luật mới là mối lo ngại lớn hơn đối với các chủ thể được bảo hộ quyền SHTT.

Theo báo cáo của Cục SHTT Việt Nam, năm 2014 có 1.106 trường hợp vi phạm được xử lý theo cơ chế hành chính. Phổ biến nhất là các trường hợp xâm phạm về nhãn hiệu, chiếm 97% các vụ vi phạm. Tiền phạt vi phạm hành chính hiện chiếm đến 98% tổng tiền phạt hành chính của tất cả các vụ vi phạm.

Bộ luật Hình sự mới 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) cũng đã nâng mức hình phạt tiền và hình phạt tù cho các tội phạm liên quan đến SHTT như “tội xâm phạm quyền tác giả , quyền liên quan”; “tội xâm phạm, quyền sở hữu công nghiệp”. Ngoài ra, chế tài hình sự còn quy trách nhiệm hình sự cho các pháp nhân thương mại khi có hành vi xâm phạm quyền SHTT. Theo đó, sẽ bị phạt tiền nặng hơn, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc cấm kinh doanh trong một số lĩnh vực nhất định, đặc biệt là cấm huy động vốn từ một đến ba năm.

Hiện nay, cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến bảo hộ quyền SHTT của nhà đầu tư nước ngoài thường được thực hiện thông qua các tòa án hành chính, dân sự của Việt Nam. Hiện, TPP cho phép các nhà đầu tư sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bảo hộ đầu tư (ICSID), để khởi kiện chính phủ của một quốc gia nước thành viên khác. Dự báo, một khi quyền SHTT của chủ đầu tư không được bảo hộ thích đáng, nguy cơ các vụ kiện ở tầm quốc gia theo cơ chế ICSID sẽ thường xuyên hơn.

Nhìn chung, có thể nhận thấy rằng các hình phạt hành chính, cơ chế bồi thường dân sự, và các chế tài hình sự đối với xâm phạm về quyền SHTT quy định tại TPP là nghiêm khắc hơn. Theo đó, buộc chính phủ các nước thành viên, các doanh nghiệp phải tuân thủ, thực thi chặt chẽ pháp luật về SHTT.

Trong một sân chơi chung với quy mô rộng lớn như khuôn khổ hiệp định TPP, yêu cầu tuân thủ thực thi quyền SHTT, thay đổi bổ sung, làm tương thích luật của quốc gia với các quy định tại Hiệp định TPP là việc không tránh khỏi. Vấn đề là với một nước có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nơi mà con số “nhập siêu” hàng hóa, sản phẩm SHTT luôn lớn hơn “xuất siêu”, thì Chính phủ cần quy hoạch được một lộ trình thực thi bảo hộ quyền SHTT hợp lý. Một mặt các quy định về pháp luật SHTT cần tương thích với TPP, nhưng mặt khác, việc thực thi cần phù hợp thực lực kinh tế-xã hội, năng lực của cơ quan quản lý liên quan. Cần tránh việc thực thi bảo hộ quyền SHTT theo chuẩn TPP gây ra cú “sốc” cho xã hội, bởi một khi chi phí sản xuất, kinh doanh tăng cao thì doanh nghiệp cũng sẽ đẩy gánh nặng này lên vai người tiêu dùng.

LS. Châu Huy Quang (1) – LS. Lê Quang Vy (2)
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online 

_______________

(1) Luật sư điều hành – hãng luật RajahTann LCT Lawyers – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài.
(2) Luật sư điều hành Công ty VLT Lawyers – Trọng tài viên PIAC.
(3) Điều 18.61 Hiệp định TPP.
(4) Điều 18.18 Hiệp định TPP.

(5) Điều 18.51 Hiệp định TPP.