Thực trạng quản lý Nhà nước về quan hệ lao động
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Về ban hành chính sách và pháp luật

Cho đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật nhằm điều chỉnh và quản lý các quan hệ xã hội trong lĩnh vực lao động. Trong đó, đáng chú ý là hệ thống pháp luật lao động ở nước ta đã có nhiều thay đổi và từng bước được hoàn thiện phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Cùng với Bộ luật Lao động, các văn bản hướng dẫn thi hành thường xuyên được xem xét, sửa đổi, bổ sung đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn đời sống, đặc biệt là những nội dung trực tiếp liên quan đến quan hệ lao động (QHLĐ).

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, trong bối cảnh các quan hệ lao động có sự thay đổi về chất, hệ thống pháp luật lao động không thể tránh khỏi những hạn chế cần khắc phục. Nhìn một cách tổng quát, về hình thức hệ thống pháp luật lao động tuy đã có những văn bản pháp luật có hiệu lực cao nhưng không đủ cụ thể, chi tiết để có thể áp dụng chúng một cách trực tiếp, độc lập. Hệ thống văn bản hướng dẫn Bộ luật Lao động còn khá cồng kềnh, do nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau ban hành nên không tránh khỏi sự mâu thuẫn, trùng chéo, làm giảm tính hiệu lực của các văn bản luật, dẫn đến hệ thống pháp luật này khó tra cứu và thực hiện một cách đồng bộ.

Hệ thống pháp luật lao động ở nước ta đã có nhiều thay đổi và từng bước được hoàn thiện

Về nội dung, hệ thống pháp luật lao động vẫn còn một số qui định chưa đủ khái quát, chưa đủ linh hoạt theo yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Trong khi nhiều nước phát triển điều chỉnh quan hệ lao động theo hướng tạo ra một thị trường lao động năng động, thông qua đó phân công lao động hợp lý hơn và sử dụng nguồn lực có hiệu quả thì pháp luật lao động Việt Nam vẫn có nhiều qui định để bảo hộ việc làm dài hạn cho người lao động. Đó là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến nhiều nhận định, đánh giá chi phí sa thải lao động ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất so với các nước trên thế giới. Điều đó có thể làm ngần ngại các nhà đầu tư trong và ngoài nước, làm chậm quá trình đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, phản tác dụng bảo vệ người lao động nên không đáp ứng được mong muốn của các nhà làm luật.

Trong quá trình thực thi còn khá nhiều qui định chưa rõ ràng, gây những tranh chấp không đáng có giữa các bên hoặc tạo ra sự không thống nhất trong quá trình điều chỉnh và thực hiện pháp luật. Hệ thống luật lao động còn thiếu một số nội dung cần thiết để điều chỉnh QHLĐ theo yêu cầu của nền kinh tế thị trường như qui định về hợp đồng lao động vô hiệu, chưa có qui định rõ về cơ chế ba bên, về TƯLĐTT ngành…

Về cơ quan quản lý Nhà nước

Trên thực tế, công tác quản lý Nhà nước về lao động không chỉ được thực hiện bởi các cơ quan quản lý chuyên môn thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội mà còn được thực hiện bởi các bộ, ban, ngành khác nhau như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính.

Theo qui định của pháp luật lao động, quản lý Nhà nước về lao động có thể khái quát thành 3 nội dung cơ bản sau:

 – Các hoạt động nghiên cứu, ban hành văn bản pháp luật, chính sách về lao động. Đây là hoạt động đóng vai trò quan trọng, có tính chất nền tảng thể hiện quyền lực Nhà nước về lao động, bởi chỉ khi ban hành được hệ thống các văn bản phù hợp và khả thi thì mới đảm bảo việc thực hiện tốt pháp luật lao động trong thực tế.

– Tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về lao động. Nội dung này bao gồm nhiều hoạt động, trong đó việc thông tin, tuyên truyền pháp luật lao động là quan trọng nhất. Ngoài ra, còn có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về lao động, thống kê thông tin lao động, thị trường lao động, mở rộng hợp tác quốc tế về lao động.

– Hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thi hành chính sách, pháp luật về lao động nhằm đảm bảo  quyền lực Nhà nước trong việc thực thi pháp luật lao động và tăng cường pháp chế. Thông qua đó sẽ phát hiện các sai phạm, kịp thời xử lý theo đúng pháp luật, hạn chế tranh chấp lao động phát sinh trong thực tiễn.

Trong thực tế, hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động còn khá nhiều vấn đề cần phải bàn đến, trong đó nổi bật lên ba vấn đề:

Thứ nhất, hiện nay vẫn chưa có văn bản chính thức nào qui định bộ, ngành nào đảm nhiệm chức năng quản lý Nhà nước về quan hệ lao động. Mặc dù, khi qui định về chức năng và nhiệm vụ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã qui định một số điểm song không cụ thể nên chức năng quản lý Nhà nước về QHLĐ hiện nay còn thiếu khá nhiều, nội dung quản lý thì khá tản mạn, không thành hệ thống, thậm chí bị nhầm lẫn giữa quản lý pháp luật về lao động và QHLĐ. Trong khi lại có những chức năng được giao không đúng với vai trò của Nhà nước trong quan hệ lao động của kinh tế thị trường, nhất là những vấn đề liên quan đến tiền lương.

Thứ hai, đã có qui định về các thiết chế và cơ chế cho một hệ thống QHLĐ nhưng vì nhiều nguyên nhân, bao gồm cả những nguyên nhân về năng lực và nhận thức, những thiết chế và cơ chế này vẫn chưa được thực hiện và thậm chí không hiệu quả trong thực tế. Ví dụ như: chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực lao động chưa đủ răn đe, chưa bao quát hết các hành vi vi phạm. Thiếu các thiết chế và dịch vụ hỗ trợ để thực hiện những chức năng cần thiết trong QHLĐ như thương lượng, trung gian, hòa giải.

Thứ ba, mặc dù mặc dù Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm chính về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực lao động và là một trong ba bên của QHLĐ nhưng trên thực tế mối quan hệ này lại được điều chỉnh bởi nhiều ngành luật như: Dân sự, Doanh nghiệp, Đầu tư, Hành chính… thuộc chức năng quản lý của nhiều bộ, ngành, cơ quan khác. Do đó, để thực hiện quản lý Nhà nước có hiệu quả, đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành, đồng bộ và thống nhất.

 Về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát

 Một trong những hoạt động thể hiện vai trò quản lý của Nhà nước trong QHLĐ là tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật lao động tại các doanh nghiệp. Đây là một hoạt động có tác dụng tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao nhận thức thi hành nghiêm túc các qui định của pháp luật lao động, kịp thời uốn nắn các lệch lạc, sai trái, giúp các doanh nghiệp phòng ngừa và hạn chế các vi phạm pháp luật lao động, tranh chấp lao động.

 Hoạt động thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua đã chỉ ra những sai sót, vi phạm của người sử dụng lao động, người lao động trong việc thực hiện những qui định của pháp luật lao động. Thông qua công tác thanh, kiểm tra, các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động còn phát hiện những vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật lao động, những vấn đề bất hợp lý, chồng chéo, mâu thuẫn trong những qui định của pháp luật để từ đó đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu thực tế của ở nước ta trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới (như vấn đề ghép sổ bảo hiểm xã hội và sổ lao động thành một loại sổ hoặc tiếp xúc với chất amiăng nguyên liệu để sản xuất tấm lợp cần được bổ sung trong danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…).

Tuy đã có nhiều cố gắng, song phải thừa nhận rằng công tác thanh tra, kiểm tra và kể cả giám sát thực hiện pháp luật lao động còn nhiều hạn chế và tồn tại, như:

– Năng lực của bộ máy thanh tra ngành chưa đủ mạnh khi phải đảm đương một lĩnh vực quá rộng.

 – Nhà nước và các cơ quan Nhà nước tuy đã quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát song đã bị chi phối nhiều vào việc giải quyết các sự vụ, không có cơ chế để giải quyết các vấn đề có hệ thống.

 – Các cơ quan dân cử chưa thực sự quan tâm sâu về vấn đề này, mặt khác do hạn chế về cán bộ chuyên môn nên việc giám sát mới chỉ dừng lại ở các vấn đề chung, không sâu và hiệu quả của giám sát chưa cao.

PGS. TS Lê Thị Hoài Thu  – Khoa Luật- ĐHQGHN
Nguồn: Website Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội