Thuế thu nhập cá nhân: “Thả” mức giảm trừ gia cảnh theo lạm phát
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo dự thảo được Bộ Tài chính soạn thảo, mức khởi điểm chịu thuế được nâng từ 4 triệu đồng hiện tại lên 9 triệu đồng, mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng hiện tại lên 3,6 triệu đồng. Trước đó, theo phương án sửa đổi công bố hồi tháng 3, cơ quan soạn thảo dự kiến nâng các mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ cho người phụ thuộc hiện từ mức đang áp dụng là 4 triệu và 1,6 triệu hiện tại lên 6 triệu và 2,4 triệu đồng.

Quyết định điều chỉnh này được đưa ra sau khi cơ quan soạn thảo cân nhắc nhiều yếu tố như tốc độ tăng GDP (dự kiến 6,5-7% trong giai đoạn 2011-2015), GDP bình quân đầu người (ước tính khoảng 44 triệu đồng vào năm 2014), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thời gian qua cũng như giai đoạn tới, đề án cải cách tiền lương (dự kiến tăng lên 1,8 triệu đồng vào năm 2015) cũng như thống kê mức sống, thu nhập dân cư. Ngoài ra, việc điều chỉnh cũng dựa trên việc tiếp thu ý kiến của dư luận, khi cho rằng mức giảm trừ 6 triệu và 2,4 triệu đồng trước đó là chưa phù hợp.

Với mức giảm trừ nêu trên, người độc thân có thu nhập 9 triệu đồng một tháng sẽ chưa phải nộp thuế. Tương ứng đối với trường hợp có 2 người phụ thuộc là 16,2 triệu đồng. Đối với những người có thu nhập 20 triệu đồng một tháng, có một hoặc 2 người phụ thuộc, thì thuế phải nộp lần lượt là 490.000 đồng và 190.000 đồng, bằng 2,45% và 0,95% thu nhập chịu thuế.

Cùng với việc sửa đổi mức giảm trừ, dự thảo luật cũng bổ sung quy định “mở” để khi giá cả thị trường biến động trên 20%, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ nêu trên cho phù hợp với sự biến động của giá cả. Theo nguồn tin từ Bộ Tài chính, mức 20% nêu trên được tính cộng dồn từ thời điểm luật có hiệu lực, chứ không tính theo năm để đảm bảo quyền lợi cho người dân và phản ánh đúng diễn biến lạm phát.

Việc bổ sung quy định “mở” như vậy, cũng theo cơ quan soạn thảo, có ưu điểm là phù hợp với biến động về chỉ số giá (CPI) và tốc độ tặng GDP đến năm 2014 và những năm tiếp theo. Mức giảm trừ này cũng tương đương 2,5 lần GDP bình quân đầu người năm 2014, bảo đảm tỉ lệ tương quan như khi luật có hiệu lực năm 2009. Mức này cũng đảm bảo cao hơn thu nhập bình quân đầu người vào thời điểm năm 2014 và các năm sau, đạt mục tiêu động viên các đối tượng khó khăn trong điều kiện vật giá tăng cao.

Khác với dự thảo được công bố hồi tháng 3, cơ quan soạn thảo quyết định giữ nguyên biểu thuế 7 bậc như đang áp dụng hiện hành. Theo đó, thuế suất thấp nhất (với người có thu nhập chịu thuế dưới 5 triệu đồng) là 5% và cao nhất (thu nhập trên 80 triệu) là 35%. Trong khi đó, theo phương án trước đây, biểu thuế được rút xuống còn 6 bậc, trong đó bỏ bậc thuế cao nhất (trên 80 triệu). Người có thu nhập trên 52 triệu đồng một tháng sẽ cùng chịu thuế suất 30%. Việc bỏ đi bậc thuế 35% tại thời điểm đó được lý giải là để động viên, thu hút nguồn lao động chất lượng cao.

Tuy không sửa đổi biểu thuế nêu trên, nhưng dự thảo luật này lại quy định khá cụ thể về việc tính thuế đối với các nguồn thu từ chứng khoán và bất động sản (BĐS). Cụ thể, để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc lựa chọn phương pháp tính thuế, dự thảo luật có quy định kỳ tính thuế theo từng lần chuyển nhượng hoặc theo năm đối với chứng khoán. Điều này giúp khắc phục tình trạng nhà đầu tư thua lỗ nhưng vẫn phải đóng thuế do đã đăng ký hình thức nộp từ đầu năm.

Riêng với BĐS, để bao quát tất cả các nguồn thu nhập, dự thảo luật quy định “sẽ thu thuế đối với các khoản thu nhập từ chuyển nhượng BĐS với mọi hình thức” thay vì liệt kê như hiện nay nhằm tránh để lọt các khoản thu nhập, khi người có BĐS tiến hành ủy quyền, rồi chuyển nhượng BĐS.   

Miễn thuế bậc 1 trong 6 tháng cuối năm 2012

Theo Bộ Tài chính, nếu áp dụng mức giảm trừ nêu trên thì kể từ tháng 7.2013, toàn bộ những người đang nộp thuế ở bậc 1 hiện nay sẽ chuyển sang diện không phải nộp thuế, 72% số người nộp thuế bậc 2 sẽ được chuyển sang nộp thuế bậc 1, tương tự mức điều tiết ở các bậc còn lại. Cũng do việc áp dụng mức giảm trừ này, nguồn thu ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân năm 2013 dự kiến giảm khoảng 5.200 tỉ đồng, năm 2014 là 13.350 tỉ đồng.

Việc miễn thuế TNCN cho các cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 (có thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng – chiếm khoảng 73% số người đang nộp thuế hiện nay) sẽ được áp dụng ngày từ 1.7.2012 đến hết ngày 31.12.2012.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, khác với lần miễn thuế năm 2009, năm nay, thu nhập của 6 tháng tính thuế (đầu năm) và 6 tháng miễn thuế (cuối năm) sẽ được tách riêng khi quyết toán thuế cuối năm. Do đó, người nộp thuế sẽ không bị thiệt thòi do chênh lệch thu nhập giữa 2 khoảng thời gian nêu trên (do thu nhập tính thuế cuối năm được tính trên cơ sở trung bình 12 tháng). 

Người độc thân có thu nhập 9 triệu đồng một tháng sẽ chưa phải nộp thuế. Đối với những người có thu nhập 20 triệu đồng một tháng, có một hoặc 2 người phụ thuộc, thì thuế phải nộp lần lượt là 490.000 đồng và 190.000 đồng, bằng 2,45% và 0,95% thu nhập chịu thuế. 

Minh Anh
Nguồn: Báo điện tử Lao động