Thuốc cảm “biến” thành thuốc gây nghiện: Cục – vụ “đá” nhau
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vụ việc bắt đầu từ cuối tháng 12-2011 khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm và ma túy (C47) thuộc Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện xảy ra tại Công ty cổ phần dược phẩm Imexpharm và Công ty TNHH liên doanh Stada VN. Đầu năm nay, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ đề nghị Bộ Công an xem xét, xử lý một số công ty, trong đó có hai công ty trên, vì có các vi phạm liên quan đến các quy định của pháp luật về phòng chống ma túy.

Cục phán là thuốc gây nghiện

Theo tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ, trước khi khởi tố vụ án đối với hai doanh nghiệp Imexpharm và Stada VN, C47 nhận được văn bản của Cục Quản lý dược (ký ngày 8-12-2011) khẳng định 10 loại thuốc cảm của hai doanh nghiệp này đều có vấn đề. Theo đó, sáu loại là thuốc “gây nghiện ở dạng phối hợp” và bốn loại là thuốc “hướng tâm thần, tiền chất ở dạng phối hợp”. Văn bản này làm cơ sở cho cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự liên quan đến Imexpharm và Stada VN.

Trong văn bản này, Cục Quản lý dược dẫn ra hai thông tư của Bộ Y tế để lý giải rằng thuốc gây nghiện ở dạng phối hợp là các thuốc gồm nhiều hoạt chất mà trong công thức có chứa một hoạt chất gây nghiện có hàm lượng bằng hoặc nhỏ hơn hàm lượng quy định theo thông tư 10/BYT. Còn thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc ở dạng phối hợp là các thuốc gồm nhiều hoạt chất mà trong công thức có chứa một hoạt chất hướng tâm thần hoặc tiền chất có hàm lượng bằng hoặc nhỏ hơn hàm lượng quy định tại danh mục thuốc hướng tâm thần ở dạng phối hợp và danh mục tiền chất dùng làm thuốc ở dạng phối hợp theo thông tư 11/BYT.

Thế nhưng theo ghi nhận của chúng tôi tại nhiều hiệu thuốc ở TP.HCM, các dược sĩ đều khẳng định 10 loại thuốc này là các thuốc trị bệnh cảm cúm, cảm ho, sổ mũi và hen suyễn được bán tự do, không cần toa bác sĩ (trừ thuốc Nucofed) và cũng không bị quản lý nghiêm ngặt, ghi chép sổ sách theo dõi về quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần. Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, PGS.TS Phạm Đình Luyến – trưởng bộ môn quản lý dược, khoa dược Đại học Y dược TP.HCM – cho biết: “Theo các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Y tế ban hành thì 10 loại thuốc thành phẩm nói trên không phải là thuốc gây nghiện ở dạng phối hợp hoặc thuốc hướng tâm thần dạng phối hợp do hàm lượng, nồng độ hoạt chất gây nghiện, hoạt chất hướng tâm thần, tiền chất thấp hơn nhiều so với mức cho phép của Bộ Y tế”.

Và nếu coi các thuốc trên là thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần thì rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, buôn bán, xuất nhập khẩu thuốc, cơ sở y tế, nhà thuốc, đại lý, kể cả bác sĩ kê đơn đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì đều vi phạm pháp luật?

Vụ nói là không

Ba tháng qua các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế phải tổ chức liên tục nhiều cuộc họp, trao đổi qua lại bằng văn bản giữa các vụ, cục và Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược VN để xem xét, đánh giá 10 loại thuốc này có phải là thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần hay không. Trong một văn bản gửi Thanh tra Bộ Y tế, ông Trần Đức Long – vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế – khẳng định các thuốc trên không phải là thuốc gây nghiện, không phải thuốc hướng tâm thần và đều là thuốc không kê đơn (trừ thuốc Nucofed).

Theo giải thích của Vụ Pháp chế, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần hiện nay được điều chỉnh theo quy định của Luật phòng chống ma túy, Luật dược và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ban hành danh mục thuốc gây nghiện, danh mục thuốc hướng tâm thần, danh mục tiền chất đi kèm theo hai thông tư 10 và 11. Ngoài ra theo thông tư 08, bất kỳ thuốc nào có chứa các hoạt chất gây nghiện hay tiền chất như codein, PSE HCL… với hàm lượng thấp hơn hàm lượng quy định của thông tư 10 và thông tư 11 thì đều là thuốc không kê đơn, được bán tự do và không gọi là thuốc gây nghiện hay thuốc hướng tâm thần.

Không chỉ Vụ Pháp chế mà Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược VN khi được Bộ Y tế hỏi ý kiến cũng có văn bản (ngày 23-2) trả lời rằng nếu coi các thuốc trên là thuốc gây nghiện thì trái điểm 12 điều 2 Luật dược vì 10 thuốc này khi sử dụng ở liều điều trị đều không dẫn tới nghiện và không nằm trong danh mục thuốc gây nghiện do Bộ Y tế ban hành; trái điểm 2 điều 26 Luật dược: cơ sở bán lẻ thuốc không được bán thuốc gây nghiện, vì 10 thuốc này đều được bán ở các cơ sở bán lẻ thuốc; trái điểm 2 điều 63 Luật dược, điểm 5 điều 2 và điểm 1 điều 40 của Luật phòng chống ma túy vì 10 thuốc này có hàm lượng như vậy không nằm trong danh mục thuốc gây nghiện do Bộ Y tế ban hành; trái điều 14 của thông tư 10 vì 9/10 thuốc được bán tự do, cả 10 thuốc khi mua bán không cần hồ sơ sổ sách theo mẫu quy định về thuốc gây nghiện của Bộ Y tế…

Một thành viên của hội đồng tư vấn Bộ Y tế (đề nghị không nêu tên) cho biết ngày 2-3-2012, hội đồng tư vấn (do Bộ Y tế thành lập gồm 27 thành viên do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến làm chủ tịch hội đồng) đã họp về vụ việc gây tranh cãi này. Đa số thành viên của hội đồng cho rằng các loại thuốc trên không phải là thuốc gây nghiện hay thuốc hướng gây nghiện dạng phối hợp và cũng không phải là thuốc hướng tâm thần hay thuốc hướng tâm thần dạng phối hợp vì hàm lượng, nồng độ của hoạt chất gây nghiện, tiền chất có trong các thuốc thành phẩm này thấp hơn mức quy định rất nhiều, không thể gây nghiện hay gây độc.

Như vậy, vấn đề cần phải làm rõ là vì sao Cục Quản lý dược lại khẳng định 10 loại thuốc trên là thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng tâm thần? Trách nhiệm của cục này và của Bộ Y tế tới đâu trong vụ án hình sự vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện liên quan đến các doanh nghiệp dược? Câu hỏi này đang chờ lãnh đạo Bộ Y tế.

LÊ THANH HÀ

9/10 loại thuốc gây tranh cãi đều là thuốc thông thường

Số thuốc liên quan trong vụ án của Imexpharm gồm sáu loại: Cedipect và pms-Cedipect (có chứa hoạt chất gây nghiện codein phosphat 10mg), Nymxin và pms-Nymxin (có codein base 10mg), Andol Fort (có tiền chất pseudoephedrin 30mg, viết tắt PSE), Nucofed cap (codein base 10mg, PSE HCL 30mg).

Số dược phẩm liên quan trong vụ án của Stada  VN có ba loại: Partamol xirô (có PSE 30mg), Partamol codein (codein phosphat 30mg), Partamol F (có PSE 30mg). Ngoài ra, còn có thuốc Admincort (có hoạt chất hướng thần phenobarbital 8mg và tiền chất ephedrin HCL 25mg) của Công ty CP dược Minh Hải.

Theo thông tư 08 ngày 1-7-2009 về danh mục thuốc không kê đơn, thông tư 10 ngày 29-4-2010 về quản lý thuốc gây nghiện và thông tư 11 ngày 29-4-2010 về quản lý thuốc hướng tâm thần, tiền chất của Bộ Y tế thì 9/10 thuốc kể trên (trừ Nucofed) là các thuốc thành phẩm có chứa hoạt chất gây nghiện, tiền chất hoặc hướng tâm thần nhưng là thuốc thông thường, được bán không cần đơn do chất hướng tâm thần, tiền chất, chất gây nghiện ở hàm lượng nhỏ (10-30mg). Cũng theo ba thông tư này, thành phẩm thuốc dạng chia liều có chứa codein hàm lượng dưới 30mg/đơn vị, PSE dưới 120 mg/đơn vị được bán không cần đơn với số lượng tối đa 10-15 ngày sử dụng.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, có hiện tượng lạm dụng PSE sản xuất ma túy tổng hợp. Tính đến ngày 13-7-2011, cục đã phát hiện bắt giữ 13 vụ lạm dụng PSE sản xuất ma túy tổng hợp. Đặc biệt tại Thanh Hóa, công an đã bắt giữ ba gói ma túy tổng hợp dạng đã tinh chế, 380g ma túy tổng hợp dạng thô, 58.500 viên và 94kg thuốc Tiffy Fu loại đã bóc khỏi vỉ (chứa tiền chất pseudoephedrin, thuốc được sản xuất tại một công ty ở Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).

L.TH.H. – L.ANH

Nguồn: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/484645/Cuc—vu-%E2%80%9Cda%E2%80%9D-nhau.html