Thương hiệu da giày Việt, “xây“ chưa “chỉnh“, thiếu hiệu quả
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giày Việt Nam ở đâu?

Một khảo sát mới đây của Hiệp hội da giầy Việt Nam cho thấy, trong khi các thương hiệu nổi tiếng thế giới tràn ngập thị trường và được người tiêu dùng biết đến như Converse, Ed Hardy, Kappa, Levis, Puma, Reebok, Adda, Bata, Macspencer, Adidas, Nike, Prada, Gucci, Clark, Bonia, Nine West, Kangnai…, thì chỉ một vài thương hiệu trong nước được nhắc tới với thái độ rất dè dặt như Thượng Đình, Thụy Khuê, Harco, An Lạc, Asia, Biti’s, chủ yếu tập trung ở dòng sản phẩm trung và thấp cấp, cũng lọt thỏm bên cạnh hàng loạt các thương hiệu giầy có tiếng trên thế giới và sự tấn công ồ ạt của hàng giầy dép Trung quốc.

Điều này xuất phát từ thực tế phương thức sản xuất giầy dép của các DN Việt Nam chủ yếu là gia công, sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đa số là dưới thương hiệu của các hãng quốc tế, phần giá trị gia tăng trong nước chỉ chiếm khoảng 15 – 20% giá thành sản phẩm.

Xây dựng thương hiệu: Cần lộ trình chuyên nghiệp

Năm 2010, thị trường nội địa tiêu thụ 140 triệu đôi giày dép. Cả nước có khoảng 30 DN sản xuất giầy cung ứng thị trường nội địa và khoảng hơn 1000 cơ sở sản xuất giầy dép, sản phẩm ở mức trung bình và thấp, nhưng cũng vẫn đang vật vã cạnh tranh với hàng Trung Quốc vốn có lợi thế nguồn nguyên liệu, phụ liệu, đa dạng về chủng loại, mẫu mã và giá cả.

Việc bám sát nhu cầu thị trường để cung ứng sản phẩm là tiêu chí hàng đầu của các DN làm hàng nội địa, nhưng được thực hiện mang tính thủ công, chưa xây dựng thành một kế hoạch mang tính chuyên nghiệp. Các DN và cơ sở sản xuất hàng nội địa đã có xây dựng thương hiệu sản phẩm, xong chưa bài bản do chưa có kiến thức cơ bản cũng như chuyên sâu về việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Trong số các công ty khảo sát, chỉ có công ty Biti’s đạt được khả năng xây dựng thương hiệu tương đối hoàn chỉnh.

Một số chủng loại sản phẩm đã có thương hiệu: giầy vải Thượng đình, Thuỵ khuê, An lạc, Harco, dép Biti’s, Vina Giầy…, nhưng biện pháp duy trì thương hiệu chiếm lĩnh thị trường vẫn chưa được xây dựng rõ ràng.

Theo bà Nguyễn Thị Tòng – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội da giày Việt Nam, trong lộ trình xây dựng, quảng bá thương hiệu, ngành da giầy Việt Nam phải từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, tăng tỷ trọng sản phẩm có thương hiệu so với các sản phẩm gia công, đồng thời giữ vững thị trường nội địa với các sản phẩm bình dân nhưng có yêu cầu chất lượng cao. Chính vì thế, cùng sự hỗ trợ của Dự án Mutrap III, Hiệp hội đang lên kế hoạch cùng các DN, cơ sở sản xuất, làng nghề vạch hướng xây dựng thương hiệu, cũng là từng bước khẳng định vị thế độc lập của ngành.

Có một điều mà chúng tôi cảm nhận thấy khi tới làng nghề da giầy Phú Yên là, người thợ giầy ở đây có lòng với nghề và tin tưởng rằng, sản phẩm làng nghề sẽ được người tiêu dùng lựa chọn vì nhiều ưu điểm nổi bật so với hàng Trung Quốc, nhưng sản phẩm của làng nghề lại mang thương hiệu nổi tiếng, trong khi một hai sản phẩm có “tên riêng” lại rất khiêm tốn, ít ỏi, mang tính thăm dò. Một điều nữa khiến những người yêu hàng Việt không khỏi chạnh lòng, là giữa làng nghề da giầy đặc trưng nhất Việt Nam, trong một số cửa hàng giới thiệu sản phẩm của các cơ sở sản xuất, chúng tôi vẫn có thể xỏ chân thử những chiếc giày Trung Quốc…

Bách Nguyễn
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam