Thương mại biên giới: Đòn bẩy cạnh tranh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tham dự Hội nghị có đại diện của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) – nhà tài trợ Dự án RETA 7380 nhằm thúc đẩy cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, các bộ, ngành, một số tỉnh biên giới phía Bắc và doanh nghiệp tham gia TMBG.

YẾU VỀ HẠ TẦNG VÀ DỊCH VỤ

Vai trò của TMBG là rất lớn, nhưng hiệu quả hiện chưa được như mong muốn, bởi hai điểm yếu là cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ TMBG. Cơ sở hạ tầng cho TMBG bao gồm cửa khẩu, đường nối với cửa khẩu, kho bãi, trung tâm thương mại, chợ biên giới…

Mặc dù được Nhà nước và các địa phương chú trọng, nhưng cơ sở hạ tầng cho TMBG vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Điểm yếu này làm giảm hiệu quả của TMBG, tăng chi phí giao dịch, giảm chất lượng hàng hóa do thời gian giao dịch kéo dài.

Giải quyết nhu cầu vốn lớn cho đầu tư cơ sở hạ tầng TMBG trong bối cảnh cắt giảm đầu tư công hiện nay từ nguồn ngân sách Nhà nước là rất khó. Theo GS.TS Võ Đại Lược, không nên trông chờ nguồn vốn Nhà nước, nếu có chính sách tốt, khu vực tư nhân sẽ giữ vai trò chính trong đầu tư cơ sở hạ tầng TMBG và một giải pháp là đổi đất lấy hạ tầng.

Hạ tầng kém dẫn đến chất lượng yếu của các loại hình dịch vụ hỗ trợ TMBG, như bốc dỡ hàng hóa, thông quan, vận tải, kho vận, chưa nói các dịch vụ gia tăng như đóng gói, chế biến… làm chi phí tăng cao, giảm tính cạnh tranh, chất lượng của nông sản, thực phẩm giảm chất lượng.

Các dịch vụ như thông tin, tư vấn kinh doanh, nghiên cứu thị trường có vai trò rất quan trọng, nhưng gần như chưa hình thành ở khu vực biên giới nên không giúp định hướng, điều tiết hoạt động TMBG và không ít thời điểm đã “lao đao” trước biến động thị trường.

Theo chuyên gia kinh tế Hoàng Thọ Xuân, thiếu các dịch vụ này và cùng với hạ tầng kém, nên doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên bị đối tác nước ngoài ép giá.

Nổi cộm nhất đối với doanh nghiệp làm TMBG là dịch vụ thanh toán. Do tính chất đặc thù, tỷ lệ giao dịch TMBG thanh toán qua ngân hàng rất thấp. Thực tế, hầu hết giao dịch bằng tín chấp, có nhiều rủi ro, nhưng hiện tại doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận, vì nhiều mặt hàng xuất khẩu qua hình thức tiểu ngạch. Hiện tại, các ngân hàng Việt Nam mạnh ai nấy làm dịch vụ thanh toán biên mậu, không liên kết, làm hạn chế kênh thanh toán.

Thứ trưởng Bộ Công Thương

Nguyễn Cẩm Tú

Trong tương lai không xa, khi ASEAN trở thành Cộng đồng Kinh tế vào năm 2015 và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc được thực thi đầy đủ, với lợi thế trung chuyển giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó các khu vực biên giới đóng vai trò quan trọng, Việt Nam sẽ không chỉ tham gia vào dòng lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ mà còn phát hiện ra những nhu cầu mới của hai thị trường.

Các khu vực biên giới có triển vọng rất lớn trở thành những trung tâm trung chuyển hàng hóa với giá trị gia tăng mạnh mẽ về dịch vụ hỗ trợ tại các cửa khẩu.

NÂNG SỨC CẠNH TRANH

TMBG là cơ chế đặc biệt không bị ràng buộc, bởi quy định của WTO. Do vậy, Việt Nam có thể chủ động về chính sách ưu đãi đặc thù để khuyến khích thương nhân phát triển thị trường lân cận. Nếu sử dụng hiệu quả, TMBG sẽ là đòn bẩy năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường khu vực.

Thương mại quốc tế đòi hỏi nhiều thủ tục về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, kiểm dịch, hải quan và chứng từ vận chuyển, giao nhận, thanh toán… do đó làm tăng thời gian và chi phí giao dịch. Trong khi, TMBG ít thủ tục hơn và thời gian giao dịch nhanh chóng.

Ông Paul Davis thuộc Công ty Pragma (Mỹ) – đơn vị tư vấn Dự án RETA 7380 – cho rằng: “Việt Nam là quốc gia có tỷ trọng xuất nhập khẩu trong GDP lên tới 160% nên thương mại có vai trò lớn và TMBG là cấu thành quan trọng”.

Việt Nam tham gia nhiều thỏa thuận thương mại khu vực với vai trò cầu nối, đặc biệt trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Trung Quốc (ACTFTA)… do đó, TMBG không chỉ giới hạn trong chiến lược các địa phương biên giới.

Ông Florian Alburo – Tư vấn trưởng Dự án RETA 7380 nói: “Ở các nước phát triển cao về thương mại, TMBG vẫn chiếm tỷ trọng không nhỏ”. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, TMBG là hình thức tốt để thu lợi ích từ tự do hóa thương mại quốc tế.

Thời gian tới, thương mại giữa Việt Nam với Lào, Campuchia và Trung Quốc dự báo tăng mạnh. Vào năm 2015, thương mại Việt Nam – Lào đạt 2 tỷ USD, với Campuchia đạt 6,5 tỷ USD và với Trung Quốc trên 30 tỷ USD. Đó là không gian rộng lớn cho TMBG.

MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG

Việt Nam có 25 tỉnh biên giới với trên 5.000 km đường biên, trên đó có 23 cửa khẩu quốc tế, 24 cửa khẩu chính, 42 cửa khẩu phụ, trên 160 đường mòn, lối mở qua biên giới và 24 khu kinh tế cửa khẩu. TMBG là kênh thông thương chính giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch thương mại năm 2010, gần 30 tỷ USD giữa Việt Nam với 3 nước này.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt TMBG để thâm nhập thành công thị trường lân cận. Ông Nguyễn Xuân Quỳnh – Giám đốc Công ty TNHH Quỳnh Anh (Lào Cai) – cho biết: TMBG thực sự hiệu quả để nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Công ty TNHH Quỳnh Anh đại diện cho Vinamit, Trung Nguyên, Kinh Đô tại thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu hơn 3 triệu USD/năm.

Một số doanh nghiệp Việt Nam vốn mạnh tay xây dựng hệ thống phân phối, nhưng vẫn lựa chọn TMBG làm kênh tiếp cận thị trường Trung Quốc trong giai đoạn đầu, qua thương nhân Trung Quốc để thâm nhập sâu và khi đã có thị trường, mới bắt tay xây dựng kênh riêng. Cách làm này được xem là giúp giảm chi phí và rủi ro, phát triển thị trường.

Theo ông Trần Bảo Giám – Vụ trưởng Vụ Thị trường miền núi và Thương mại biên giới (Bộ Công Thương), để hỗ trợ mở thị trường cho hàng Việt ở khu vực biên giới và sang nước lân cận, cần hình thành các đầu mối phát hàng dọc biên giới, đặt tại chợ biên giới, khu kinh tế cửa khẩu.

Không chỉ xuất khẩu, các điểm phát hàng còn có tác dụng mở thị trường nội địa, cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho người dân vùng biên, góp phần hạn chế nhập khẩu dưới hình thức mua bán cư dân biên giới.

Hiện tại, Bộ Công Thương đang tiến hành quy hoạch xây dựng hệ thống chợ dọc biên giới Việt Nam với Lào và Campuchia, khi hoàn thành sẽ tạo ra những cơ sở thuận lợi cho TMBG, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Doanh Chính
Nguồn: Báo điện tử Công thương