Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật Tiếp cận thông tin
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngay sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý báo cáo một số vấn đề lớn của Dự án Luật Tiếp cận thông tin, Chủ tich Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đi thẳng vào vấn đề. Ông nói: “Luật này phải làm rõ, thông tin nào công dân được tiếp cận, thông tin nào không được tiếp cận. Phải giải quyết được mục tiêu này, nếu không Luật này không có giá trị”.

Chủ tịch cặn kẽ: “Giống như Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã làm được, đó là quy định người dân được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm, nghĩa là cấm gì thì đưa vào luật. Khi đó, các đồng chí làm 3 tháng là xong, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt để đưa ra được những ngành nghề cấm và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện”.

Chủ tịch nhấn mạnh: “Từ nay đến tháng 3 (kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIII-PV) phải sắp xếp lại để đưa vào đây. Làm như hiện nay là không minh bạch. Nếu làm không kịp thì kỳ họp 11 này chưa trình để Thường vụ thảo luận tiếp”.

Thảo luận về Dự thảo Luật với tinh thần mà Chủ tịch Quốc hội nêu ra, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, quy định về những thông tin phải được công khai cần bổ sung thêm công dân có quyền được tiếp cận thông tin về những vấn đề rộng hơn như liên quan đến trường học, cơ sở y tế…

Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cũng thẳng thắn, phải rà soát lại quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp đảm bảo quy định đầy đủ quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chia sẻ: Ở tất cả quốc gia, đã là tài liệu mật thì phải có quy trình giải mật. Luật này là dành cho công dân “thường” còn công dân đảm nhiệm chức vụ thì được quy định trong Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước mà Chính phủ đang soạn thảo.

Chủ tịch Quốc hội tiếp tục thảo luận: “Vậy Luật này phải nói rõ thông tin nào mật, thông tin nào tự do thì không ai được đóng dấu mật nữa, còn nếu anh để cửa cho ai đó đóng dấu mật thì Luật này không còn ý nghĩa gì nữa”.

Chủ nhiệm Phan Trung Lý chia sẻ thêm thông tin, trong quá trình công tác nước ngoài để tham khảo kinh nghiệm xây dựng luật, tại Pháp không có luật về tiếp cận thông tin vì rất khó cho cơ quan Nhà nước mà là luật về tiếp cận văn bản hành chính. Người dân yêu cầu văn bản nào thì cung cấp văn bản đó. Nếu người dân có nhu cầu cung cấp thông tin về giá đất hay các loại giá cả thì Nhà nước có một ủy ban để chuyển thông tin đó thành văn bản để người dân tiếp cận.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Dự thảo Luật cần làm rõ loại thông tin nào công dân được quyền tiếp cận, thông tin của cơ quan nào, thông tin nào bị cấm cũng phải ghi vào trên tinh thần minh bạch, rõ ràng.

Về vấn đề loại thông tin cung cấp cho người dân nên là loại thông tin do cơ quan đó làm ra hay thông tin nhận được, ông Lưu cho rằng, dự thảo quy định là thông tin do cơ quan đó làm ra nhưng quy định như vậy thuận lợi cho cơ quan Nhà nước nhưng không tiện cho dân. Ông Lưu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát lại cả hai phương án và lưu ý không “rơi” vào vùng những thông tin cấm.

Cuối cùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, đây là dự án Luật khó, phức tạp và nhạy cảm, có thể xảy ra tình huống lợi dụng những quy định trong Luật để gây cản trở cho hoạt động của các cơ quan, thậm chí là lợi ích của Nhà nước, nên phải tính đến những vấn đề phát sinh, bảo đảm tính khả thi của Luật.

Theo Báo Điện tử Hải quan