Tái cấu trúc các Hiệp hội
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tuy nhiên, không có thống kê để biết quý hiệp hội nào hữu danh vô thực, hữu sinh vô dưỡng! Biết bao nhiêu vụ việc xảy ra trong 5 năm “vật vã ra biển lớn” khi nước ta trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới nhưng nào thấy các hiệp hội giúp đỡ hỗ trợ DN ngành hàng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này?

Được biết ở nước ngoài, các hiệp hội của người ta có tiếng nói rất quan trọng trong hoạt động kinh tế, bảo vệ quyền lợi ngành nghề bản địa một cách ghê gớm, quyết liệt. Đến bây giờ, các DN sản xuất và chế biến cá da trơn xuất khẩu của ta vẫn chưa hết rùng mình vì kiện cáo của Hiệp hội cá da trơn Mỹ. Để bảo vệ quyền lợi các thành viên, hiệp hội này đã kiện lên Quốc hội, Chính phủ và Bộ Thương mại nước này đòi áp thuế chống bán phá giá với cá ba sa, cá tra Việt Nam. Khốn nỗi, đói nghèo như ta ăn gì mà dám bán phá giá. Chẳng qua là nhờ chi phí thấp, nhân công rẻ nên giá hạ hơn. Hiệp hội cá da trơn Mỹ khiến cho các DN Việt Nam cũng như nhiều DN tại các quốc gia khác chịu nhiều thiệt hại tại thị trường Hoa Kỳ.


Hội nhập kinh tế quốc tế, các quy định lập hội thoáng hơn và không ít quan chức khi “hạ cánh” muốn có ghế “ảo” nên các hiệp hội ra đời rầm rộ. Công bằng mà nói, các hiệp hội cũng muốn học hỏi, đóng góp cho sự phát triển ngành nghề của mình nhưng lực bất tòng tâm. Có câu “Chuông khánh còn chẳng ăn ai/Huống chi mảnh chĩnh vất ngoài bờ ao” chắc là “vận” đúng với nhiều hiệp hội.


Sau 5 năm hội nhập với thế giới, trái ngược với các hoạt động hình thức rầm rộ khi ra đời, quá nhiều hiệp hội, hội đã rơi vào quên lãng, chìm nghỉm không sủi tăm. Có hội nằm im đến nỗi bị bỏ quên không ai biết đến để mời họp. Thay vì hợp tác làm ăn, nhờ hội bảo vệ lợi ích chung, lại có hội viên phá giá, xấu chơi, tranh giành bạn hàng gây rối thị trường. Tình trạng “bằng mặt không bằng lòng” khá phổ biến trong nhiều hiệp hội.


Họ giả đò đồng thuận nhưng không đồng lòng trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, bỏ ngoài tai quy chế điều lệ hội, sẵn sàng gây bất lợi cho hiệp hội và hội viên. Tiếng nói của hiệp hội trở nên “không trọng lượng”.


Hội nhập kinh tế với nhiều rào cản thương mại, cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi các hiệp hội phải “tái cấu trúc” để tồn tại và phát triển trong đoàn kết tương trợ và hữu ái nghề nghiệp.

Nguồn: Báo điện tử Công lý