Tái cấu trúc hệ thống tài chính: An toàn cho lĩnh vực ngân hàng là ưu tiên trước mắt
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tăng lực cho ngân hàng


Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng nhanh về lượng tiền cho vay trong nhiều năm của Việt Nam, tiếp theo là việc thắt chặt tín dụng trong năm 2011 và sự suy thoái của các thị trường bất động sản và chứng khoán đã làm tăng thêm áp lực đối với các ngân hàng. Tỷ lệ nợ không hiệu quả trên tổng số nợ đã tăng lên mức ước tính 3,4%, mặc dù theo tiêu chuẩn kế toán quốc tế tỷ lệ này còn cao hơn nhiều. Tỷ lệ ngày càng tăng này, cùng với danh mục rủi ro trong sôrổ sách kế toán của một số ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có quan hệ cho vay với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không có hiệu quả và dàn trải, làm tăng những nghi vấn về khả năng an toàn vốn, đặc biệt là đối với các ngân hàng nhỏ. Những nguy cơ này càng nghiêm trọng hơn do những thiếu sót trong quản lý rủi ro tại các ngân hàng và những yếu kém trong hệ thống quản lý và giám sát.

Đánh giá về “sức khoẻ” tài chính của các ngân hàng, ADB cho rằng, tính bất ổn của hệ thống này đã gây bất an cho các nhà đầu tư và cản trở hoạt động của thị trường liên ngân hàng. Vì vậy, trong tháng 3-2012, Chính phủ đã phác thảo một kế hoạch bao gồm việc bơm vốn cho các ngân hàng và khuyến khích các ngân hàng mạnh mua lại các ngân hàng yếu hơn. Việc cổ phần hoá một phần các ngân hàng thương mại của nhà nước sẽ được đẩy nhanh và yêu cầu về vốn đối với các ngân hàng sẽ được nâng lên. Việc hỗ trợ vốn và thời điểm tái cấp vốn cho các ngân hàng vẫn chưa được tiết lộ chi tiết. Chính phủ kỳ vọng, trong giai đoạn vài năm tiếp theo, một hoặc hai ngân hàng thương mại của nhà nước có được vị thế đủ mạnh để cạnh tranh với các ngân hàng khác ở Đông Nam Á.


Thắt chặt tín dụng


Việc thắt chặt chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là sự kết hợp giữa việc hạn chế tín dụng và nguồn cung tiền, nâng cao yêu cầu dự trữ đối với các ngân hàng và tăng lãi suất và các hoạt động của thị trường mở. Lãi suất thị trường mở – chi phí các ngân hàng thương mại phải trả để vay NHNN trong các hoạt động giao dịch thị trường mở ngắn hạn – được tăng mạnh từ 10% lên 14% trong năm 2011, và lãi suất tái cấp vốn từ 9% lên 15%. Tỷ lệ dự trữ đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của các ngân hàng được tăng gấp đôi lên mức 8,0% đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng và gấp ba lên 6,0% đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.


Khi lạm phát có xu hướng đi xuống, lãi suất thực đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam được nâng lên, song vẫn ở mức âm. Thiếu hụt thanh khoản tại một số ngân hàng buộc các ngân hàng này đưa ra các mức lãi suất tiền gửi lên trên 20%, cao hơn mức trần 14% do NHNN quy định. Lãi suất trung bình đối với các khoản vay bằng tiền đồng Việt Nam tăng lên 22% vào tháng 7-2011, trước khi hạ xuống 19% trong tháng 3-2012.


Chi phí đi vay cao, cộng với kiểm soát hành chính của ngân hàng trung ương, và tâm lý kinh doanh yếu đã kéo tăng trưởng tín dụng cuối năm 2011 lùi xuống mức 14,3% so sánh theo năm, so với mức tăng trưởng nhanh là 32,4% trong năm 2010. Thanh khoản thắt chặt đã kìm hãm tăng trưởng đối với nguồn cung tiền xuống 12,1% trong năm 2011, giảm mạnh so với mức 33,3% trong năm trước đó.


Phần lớn các ngân hàng thương mại đều đáp ứng được hạn chót là cuối năm đối với việc hạn chế các khoản vay tín dụng cho các hoạt động “không được khuyến khích”, bao gồm cả bất động sản, thị trường chứng khoán, và tín dụng tiêu dùng xuống mức 16% trong tổng số các khoản vay. Tỷ lệ trung bình của các khoản tín dụng cho các hoạt động không được khuyến khích được ước tính ở mức 11,3% vào cuối năm 2011.


Chính phủ đã ổn định tỷ giá tiền đồng thông qua việc thắt chặt tiền tệ, đi kèm với một đợt phá giá biên độ lớn vào tháng 2-2011 và các biện pháp quản lý hành chính như quy định trần đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ và hạn chế sử dụng vàng và ngoại tệ. Tuy vậy, trong cả năm, tiền đồng Việt Nam vẫn bị mất giá 10% so với đô la Mỹ.


Xây dựng hệ thống tài chính đa dạng, hiệu quả


Việc thắt chặt tài chính bao gồm cắt giảm chi tiêu, chủ yếu là các công trình vốn lớn, và tăng nguồn thu. Chính phủ nâng mức chi tiêu thường xuyên cho giáo dục, y tế và an sinh xã hội, nhưng tổng chi tiêu thực tế, cả trong ngân sách và ngoài ngân sách, năm ngoái được ước tính đã giảm. Giá dầu cao cũng góp phần làm tăng nguồn thu nhờ lượng xăng dầu được sản xuất trong nước. Ngoài ra cũng có tác động của của những biến động về lạm phát và tỷ giá hối đoái. Kết quả là thâm hụt ngân sách đã thu hẹp xuống 4,4% GDP, từ mức 5,6% trong năm 2010. Nếu áp dụng theo định nghĩa tài chính quốc tế, mức thâm hụt được ước tính còn 4,0% GDP.


Theo phân tích của ADB, việc đảm bảo an toàn cho lĩnh vực ngân hàng cần phải là ưu tiên trước mắt. Yêu cầu dài hạn hơn là xây dựng một hệ thống tài chính đa dạng và hiệu quả, có thể huy động được nguồn vốn đáp ứng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7-8%. Trong năm nay Chính phủ đã thông qua một kế hoạch nhằm hồi phục thị trường chứng khoán. Kế hoạch này bao gồm việc xây dựng các thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, tái cơ cấu hai sàn giao dịch chứng khoán cũng như các công ty chứng khoán và cải thiện hệ thống thanh toán và thoả thuận mua bán chứng khoán. Cũng theo kế hoạch này, các chính sách sẽ được xây dựng nhằm khuyến khích nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào chứng khoán hơn. Những cải cách trên đây đòi hỏi phải mất nhiều năm mới hoàn thành nhưng sẽ mang lại hiệu quả cao nếu phối hợp với việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước.


Lê Nguyễn Diệu Anh
Nguồn: Báo điện tử Công lý