Tiền Giang – điểm sáng về giải ngân vốn đầu tư công
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong bối cảnh khó khăn chung do Covid-19, tỉnh Tiền Giang đã chủ động đề ra các giải pháp để vượt qua thách thức, đưa kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển ổn định.

Nhờ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nên nhiều công trình hạ tầng sớm hoàn thành, tạo tiền đề thu hút đầu tư vào tỉnh. Trong ảnh: Khu công nghiệp Tân Hương, một địa chỉ đỏ về thu hút đầu tư của Tiền Giang.
Nhờ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nên nhiều công trình hạ tầng sớm hoàn thành, tạo tiền đề thu hút đầu tư vào tỉnh. Trong ảnh: Khu công nghiệp Tân Hương, một địa chỉ đỏ về thu hút đầu tư của Tiền Giang.

Giải ngân nhanh vốn đầu tư công năm 2020

Để ứng phó với tình hình hiện nay, Tiền Giang đã và đang thực hiện tốt Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với Covid-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ; Kết luận số 77-KL/TW ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về các chính sách, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu tác động của Covid-19, nhanh chóng triển khai thực hiện Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 16/6/2020 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Đồng thời tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc công nghiệp và điều chỉnh quy hoạch phát triển thương mại, kết nối cung – cầu tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng nội địa và du lịch, nhất là tập trung đôn đốc, hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thành dự án, sớm đưa các dự án đi vào hoạt động trong những tháng cuối năm nay. Trong đó, dự kiến có 9 dự án phát triển thương mại – dịch vụ với tổng vốn đầu tư 1.708 tỷ đồng, 5 nhà máy sản xuất công nghiệp với tổng vốn đầu tư 1.522 tỷ đồng hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động, bổ sung đáng kể năng lực cho phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, thương mại, dịch vụ và công nghiệp của tỉnh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tiền Giang, tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công đạt cao, giải ngân vốn đầu tư công đến nay đạt trên 75% kế hoạch trên tổng số vốn được huy động cho năm 2020 là 4.505,1 tỷ đồng. Dự kiến cuối tháng 11 này sẽ giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương bố trí cho kế hoạch đầu tư công của cả năm 2020, về đích trước 1 tháng. Đây thật sự là tin vui và là điểm sáng trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế.

Các lĩnh vực thu hút đầu tư, thành lập mới doanh nghiệp, tăng trưởng tín dụng… đều có kết quả tích cực. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 2,5 tỷ USD, thu ngân sách đạt khá, tính đến ngày 30/10, thu nội địa đạt 80,1% dự toán năm. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, an ninh – quốc phòng được đảm bảo.

Về xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh Tiền Giang có thêm 16 xã được công nhận nông thôn mới, nâng con số toàn tỉnh lên 107/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 3/4 tổng số xã. Bên cạnh đó, 2 huyện Gò Công Đông và Chợ Gạo đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 3 đơn vị là TP. Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Một dự án trọng điểm là xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, diện tích 10 ha, quy mô 1.000 giường, cao 10 tầng, tổng kinh phí xây dựng 2.350 tỷ đồng, đang gấp rút về đích. Đơn vị thi công cam kết thực hiện đúng tiến độ được giao, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 9/2021, rút ngắn 2 tháng so với hợp đồng thi công. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết tình trạng quá tải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và hạn chế tình trạng bệnh nặng chuyển viện lên tuyến trên.

Hiện 12 sở trực thuộc tỉnh đã di dời về làm việc tại trụ sở mới. Dự kiến trong thời gian tới, diện tích đất còn lại sẽ tiếp tục xây dựng và đưa vào hoạt động 3 trụ sở, gồm: Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các KCN tỉnh Tiền Giang. Đồng thời sẽ tiếp tục xây dựng thêm các trụ sở các cơ quan hành chính của tỉnh và các đơn vị sự nghiệp vào năm 2021.

Việc đầu tư trụ sở làm việc của 12 sở, ngành gắn với Trung tâm Phục vụ hành chính công là một dấu ấn trong cải cách hành chính của tỉnh, nhằm phục vụ người dân tốt hơn… Đồng thời thực hiện phương châm kiện toàn kết cấu hạ tầng giao thông đi trước một bước, nhằm mục tiêu tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Trong năm 2020, tỉnh huy động trên 2.073 tỷ đồng triển khai thi công 373 công trình giao thông trên địa bàn, trong đó có 465 tỷ đồng đầu tư 354 công trình giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nhờ tập trung thực hiện nhiều giải pháp trong kế hoạch đầu tư công năm 2020 như công tác chuẩn bị thực hiện đầu tư sớm hoàn tất, tiến độ được rút ngắn so cùng kỳ, kiểm soát chặt chẽ, rút ngắn thời gian thực hiện các gói thầu, tập trung cao và chủ động nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn năm 2020 giữa các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh và nội bộ chủ đầu tư đối với kế hoạch đầu tư công năm 2020. Tiền Giang cũng đã thành lập 4 tổ kiểm tra việc thực hiện công tác đầu tư công trên địa bàn tỉnh do Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng đoàn, qua đó đã giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đồng thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các công trình để khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông và ứng phó biến đổi khí hậu, nên kế hoạch đầu tư công của tỉnh đã có chuyển biến tích cực và được đánh giá là điểm sáng về giải ngân đầu tư công của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ động triển khai sớm kế hoạch năm 2021

Tiền Giang dự kiến phân bổ vốn đầu tư công năm 2021 là 3.703,080 tỷ đồng. Để thực hiện tốt kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương phải nâng cao trách nhiệm trong phân cấp, quản lý đầu tư xây dựng công trình và đẩy mạnh huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển, cụ thể:

Một là, thực hiện Chỉ thị 31/CT-TTg ngày 29/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 5/8/2020 của UBND tỉnh về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, khẩn trương hoàn tất hồ sơ thủ tục đầu tư, thiết kế dự toán, để triển khai thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu ngay từ đầu năm; chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và giải quyết dứt điểm công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình và giải ngân tốt nguồn vốn được giao trong kế hoạch đầu tư công năm 2021.

Hai là, tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương trong xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2021 và trong việc triển khai thực hiện, chú trọng công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện dự án cụ thể.

Theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án. Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công, thực hiện dự án. Chủ động điều chỉnh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021 để thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan. 

Trong tháng 10/2020 vừa qua, Tiền Giang đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025), tạo khí thế mới trong toàn Đảng, toàn dân thực hiện nhiệm vụ còn lại của năm 2020, chuẩn bị cho năm đầu của nhiệm kỳ mới.

Ba là, chú trọng công tác đấu thầu và thực hiện dự án. Tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện đấu thầu theo đúng quy định, đảm bảo lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả. Kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm hợp đồng đã ký kết, không có năng lực thực hiện dự án. Xử lý các hành vi tiêu cực như thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp, hoặc rút vốn, điều chuyển vốn cho dự án, công trình dự án khác.

Bốn là, tăng cường huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ bằng các hình thức phù hợp, đặc biệt là hình thức hợp tác công – tư (PPP), xã hội hóa… Ưu tiên mời gọi đầu tư các dự án quan trọng có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và liên kết, phát triển vùng.

Năm là, đẩy mạnh thực hiện công tác nghiệm thu, thanh toán vốn với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm. Đối với các công trình đã tạm ứng vốn, khi được bố trí vốn phải hoàn ứng lại cho ngân sách nhà nước theo quy định. Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, khẩn trương hoàn tất hồ sơ trình phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo đúng thời gian quy định để giải ngân hết số vốn được duyệt.

Sáu là, công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra trong quá trình đầu tư công; chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Trong đó, đặc biệt đề cao vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư trong vùng ảnh hưởng của dự án, nâng cao trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư và các bên liên quan đến dự án. Xác định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với hiệu quả kinh tế – xã hội của các dự án đầu tư, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.