Tiếp sức cho "3 tại chỗ" 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
“3 tại chỗ” (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) đã chứng minh được tính hiệu quả khi được triển khai tại Bắc Ninh, Bắc Giang và hiện đang được áp dụng tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam khi dịch bùng phát mạnh. Song, trên thực tế, giải pháp này không dễ thực hiện, nhiều địa phương làm rất tốt nhưng cũng nơi lại bị động, lúng túng. Thực tế đó cho thấy, cùng với việc tìm giải pháp hiệu quả để giữ vững “trận địa”, rất cần những chính sách kịp thời để tiếp sức cho “3 tại chỗ”.

Triển khai hàng loạt biện pháp chưa có tiền lệ, Bắc Ninh là địa phương đầu tiên áp dụng “3 tại chỗ” trong nhà máy để duy trì sản xuất. Các nhà máy được yêu cầu giảm mật độ công nhân làm việc tối thiểu 50%, bố trí chỗ ăn, ở cho công nhân ngay trong nhà máy. Hoặc doanh nghiệp có thể thuê địa điểm là ký túc xá, nhà nghỉ, khách sạn bên ngoài nhưng bảo đảm “biệt lập”, có xe đưa đón hàng ngày tới nhà máy và ngược lại; công nhân sẽ được yêu cầu xét nghiệm trước khi trở lại làm việc, sau đó 3 ngày và 7 ngày xét nghiệm lại để tầm soát nguy cơ. 

Thời gian gần đây, để thực hiện hiệu quả “3 tại chỗ”, doanh nghiệp phía Nam đã chủ động giải pháp ứng phó, xây dựng phương án phù hợp với tình hình thực tế. Điển hình như Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam, Bình Dương luôn xác định nguyên tắc hàng đầu trong hoạt động sản xuất là phải bảo đảm “đầu vào âm tính với Covid-19”; công nhân phải được test sàng lọc trước khi tham gia sản xuất tập trung; các vật dụng cá nhân đều do doanh nghiệp cấp phát; tất cả việc kiểm tra, ký nhận chứng từ chuyển qua hình thức Zalo, camera giám sát. Hay để bảo đảm “3 tại chỗ”, Công ty Đông Phương tại Long An còn chuyển đổi công năng các phòng họp, văn phòng, kho hàng sản xuất… làm chỗ nghỉ cho người lao động với yêu cầu phải bảo đảm giãn cách; chấp nhận tăng chi phí để giữ vững “trận địa”…

Mặc dù vậy, mới đây, khi Bộ Công thương tổ chức buổi trao đổi trực tuyến với các hiệp hội và doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo; nhiều doanh nghiệp bày tỏ khó khăn khi triển khai “3 tại chỗ”, đó là cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp không đủ điều kiện đáp ứng công tác phòng, chống dịch; chi phí đồng loạt tăng khi thay đổi công năng nhà máy, xí nghiệp và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ ăn, ở cho cả nghìn người; phải trả lương rất cao để động viên công nhân ở lại làm việc; tiền điện, nước và sinh hoạt phí cũng nhiều hơn trước. Thách thức lớn nhất là làm sao giữ an toàn giữa lúc dịch bệnh bủa vây. 

Song, có thể khẳng định, “3 tại chỗ” vẫn phương án tốt nhất hiện nay, vừa giúp các doanh nghiệp sản xuất ở mức tối thiểu, vừa tạo công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời, duy trì được chuỗi cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa và giữ nhịp xuất khẩu. Do đó, không thể thấy khó là dừng! 

Điều cần thiết nhất lúc này, cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. Thực tế, ngoài các giải pháp hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp trên cả nước, Chính phủ, các cấp, các ngành đã liên tục có các giải pháp hiệu quả như quản lý hoạt động vận tải, hàng hóa bảo đảm thông suốt và an toàn phòng, chống dịch Covid-19; thay đổi đối tượng ưu tiên tiêm vaccine cho phù hợp… Đặc biệt, mới đây nhất, khi Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) có văn bản kiến nghị “Chính phủ đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hoặc hỗ trợ doanh nghiệp mua vaccine khẩn trương và hợp pháp để tiêm miễn phí cho người lao động của các ngành hàng xuất khẩu”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức ngay việc đàm phán với đối tác để mua và cấp phép, bảo quản, tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19.

Cùng với sự chủ động của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ kịp thời từ phía Chính phủ, rất cần quy trình phối hợp công – tư chặt chẽ, bảo đảm giám sát nghiêm ngặt để phát hiện và ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh. Theo đó, các địa phương yêu cầu doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” cần xây dựng, công bố công khai các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0 tại nhà máy; có tham khảo trước với doanh nghiệp để phối hợp mọi nguồn lực ứng phó. Ðiều này sẽ giúp địa phương tính toán được nhu cầu y tế và các điều kiện cần thiết duy trì cho chống dịch; đồng thời, giúp doanh nghiệp có thể yên tâm vận hành và không bị rơi vào tình cảnh trở thành “ổ dịch”.