Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, trong năm 2011 Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp, lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý… góp phần tích cực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20% áp dụng chung cho tất cả các TCTD trong năm 2011 chưa phù hợp với các TCTD hoạt động lành mạnh có thể tăng trưởng cao hơn cũng như việc cần hạn chế tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD hoạt động yếu kém. Tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất quy định chung cho tất cả các loại hình TCTD cũng chưa phù hợp với một số trường hợp có hoạt động kinh doanh đặc thù; dư nợ cho vay phi sản xuất bao gồm cả các nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân (mua nhà để ở, xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, cho công nhân lao động thuê, nhà ở tái định cư…) nên việc qui định chung như vậy khiến TCTD không thể cho vay đối với các nhu cầu vốn này khi tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất đã sát hoặc vượt mức quy định.
Những tháng đầu năm 2011 hoạt động thanh tra, giám sát chưa quyết liệt, chế tài xử lý các vi phạm chưa nghiêm đã dẫn tới hiện tượng các TCTD sử dụng các biện pháp kỹ thuật để “lách” luật tạo ra sự méo mó trong số liệu về huy động vốn, tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toángây khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ.
Thanh khoản của toàn hệ thống các TCTD được đảm bảo, tuy nhiên, một số ngân hàng thương mại cổ phần gặp khó khăn tạm thời đã ảnh hưởng tới hoạt động của các TCTD khác, gây biến động trên thị trường liên ngân hàng, tạo ra dư luận không tốt đối với hoạt động kinh doanh của hệ thống TCTD.
Trên thị trường ngoại hối, mặc dù niềm tin vào VND được củng cố nhưng tình trạng đôla hóa vẫn chưa được giải quyết triệt để; tín dụng ngoại tệ tăng cao, một số TCTD có hệ số sử dụng vốn vượt 100%, một số TCTD huy động vốn nước ngoài để tăng trưởng tín dụng cao tiềm ẩn rủi ro khi các nguồn vốn nước ngoài bị rút đột ngột. Trên thị trường vẫn còn tình trạng các TCTD “lách” các quy định về tỷ giá làm tăng bất ổn trên thị trường ngoại hối. Một số hạn chế của hệ thống ngân hàng về thanh khoản, nợ xấu đang ngày càng bộc lộ rõ khi Ngân hàng Nhà nước triển khai các biện pháp lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực ngân hàng.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu Quốc hội đề ra trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ đảm bảo kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với mục tiêu kiểm soát tổng phương tiện thanh toán từ 14-16%, tín dụng tăng trưởng từ 15-17%; điều hành lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô cũng như diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo kiểm soát tăng trưởng tín dụng và dư nợ mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành lần đầu trong suốt cả năm 2012 tối đa là 15-17%;giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các nhóm TCTD trên cơ sở xếp loại TCTD của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và theo nguyên tắc TCTD hoạt động tốt thì mức tăng trưởng tín dụng cao hơn TCTD hoạt động chất lượng thấp;yêu cầu các TCTD xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm và từng quý phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa mà Ngân hàng Nhà nước phân bổ; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn phục vụ lĩnh vực sản xuất và các dự án, phương án có hiệu quả, kiểm soát dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích ở mức hợp lý;thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệđể đảm bảo tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ phù hợp khả năng huy động vốn và chủ trương hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.
Điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với quan hệ cung – cầu ngoại tệ trên thị trường và diễn biến cán cân thanh toán quốc tế cũng như các cân đối vĩ mô; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, thu hút các nguồn tiền đầu tư, kiều hối,… từ nước ngoài về nước, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các TCTD đảm bảo an toàn hệ thống tránh rủi ro và giảm nợ xấu, ổn định và lành mạnh hóa thị trường tiền tệ, thị trường vàng; triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hoạt động ngân hàng với nguyên tắc không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát, từng bước nâng cao tính an toàn, lành mạnh và hiệu quả của hệ thống ngân hàng; kiên quyết xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả phát triển; nâng cao chất lượng thống kê, dự báo phục vụ cho hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ; làm tốt công tác thông tin truyền thông, đưa thông tin đầy đủ, kịp thời về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng./.
Lan Ngọc
Nguồn: Báo điện tử Báo Đối ngoại Vietnam – Economic News