Tiếp tục đổi mới vì sự phát triển bền vững 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Hôm qua, 31.3, Quốc hội đã bầu Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia và xem xét các nhân sự được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu để bầu kế nhiệm 3 Phó Chủ tịch Quốc hội. Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân, các đại biểu Quốc hội tin tưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ cùng với các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thực hiện hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là mục tiêu phát triển hài hòa, bền vững, bao trùm, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi: Tiếp tục sự nghiệp đổi mới của Quốc hội

Khi đồng chí Vương Đình Huệ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu để bầu đảm nhận chức danh Chủ tịch Quốc hội thay Chủ tịch Quốc hội tiền nhiệm Nguyễn Thị Kim Ngân, cá nhân tôi rất vui và thấy đây là sự đề cử rất chính xác.

<img alt="Ảnh: N. Bình" src="” width=”850px” />
Ảnh: N. Bình

Có thể nói rằng, đồng chí Vương Đình Huệ là người hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực kinh tế, tài chính; đồng thời cũng rất am tường các lĩnh vực xã hội, bởi trong thời gian làm Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Vương Đình Huệ đã trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo của rất nhiều đề án về chính sách xã hội như: Chủ trì xây dựng, chuẩn bị để trình Trung ương các Đề án cải cách chính sách tiền lương, Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội… Nghị quyết số 27 NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Nghị quyết số 28 – NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được Ban Chấp hành Trung ương thông qua năm 2018 có dấu ấn, sự đóng góp rất lớn của đồng chí Vương Đình Huệ.

Với vai trò là Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng các đề án về cải cách chính sách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, đồng chí Vương Đình Huệ đã luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của các bên liên quan, đặc biệt là giới chuyên gia, cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện nội dung và cá nhân đồng chí cũng có những ý tưởng đổi mới mạnh mẽ. Với vai trò là Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Vương Đình Huệ cũng là nhà lãnh đạo rất sâu sát với lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính sự từng trải từ cơ sở và am hiểu cả lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội như vậy nên tôi rất kỳ vọng vào vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tin tưởng rằng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tiếp tục sự nghiệp đổi mới, sáng tạo và hành động vì lợi ích của nhân dân, thực hiện hiệu quả hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, giai đoạn mà chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với một mục tiêu rất quan trọng đã được Đảng ta xác định là phát triển hài hòa, bền vững, bao trùm và mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

Ngay trong lễ tuyên thệ nhậm chức và phát biểu đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cam kết với Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước sẽ đem hết sức mình “vì mục tiêu tối thượng phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân”. Tôi tin rằng, với quyết tâm chính trị rất cao như vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát huy tối đa năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn và bản lĩnh để lãnh đạo Quốc hội phấn đấu thực hiện hiệu quả các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, nhất là việc xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện thể chế để thúc đẩy sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực.

Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng: “Giữ lửa” hoạt động của Quốc hội

Ảnh: T.Chi
Ảnh: T.Chi

Quốc hội Khóa XIV và các nhà lãnh đạo Quốc hội Khóa XIV đã tiếp tục tạo dựng một nền tảng rất vững chắc cho Quốc hội. Đây là điểm rất thuận lợi đối với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội khóa mới.

Kết quả công tác của các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã thể hiện sự thống nhất về quan điểm, chủ trương, hành động và đạt được những thành tựu chung. Cả hai báo cáo công tác do Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội trình bày đều khẳng định mối quan hệ chặt chẽ, sự tương tác giữa hoạt động của Quốc hội và hoạt động của các cơ quan hành pháp. Vì vậy, trong thành công của Quốc hội có thành công của Chính phủ và trong thành công của Chính phủ có thành công của Quốc hội. Chúng ta đã thực hiện đúng nguyên tắc “quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát”.

Quốc hội Khóa XIV đã thực hiện tốt cả ba chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội cũng thông qua các đạo luật trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội. Các nghị quyết của Quốc hội đều đặt ra các yêu cầu, chỉ tiêu để Chính phủ và các cơ quan hành pháp thực hiện chức năng điều hành, quản lý. Trong hoạt động giám sát, Quốc hội theo dõi, đôn đốc, giám sát và đồng hành với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ trong thực thi các nhiệm vụ; triển khai, thi hành các chính sách, pháp luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thực hiện vai trò, chức năng kiểm soát quyền lực đối với Chính phủ và các cơ quan hành pháp.

Quốc hội đã đồng hành nhưng không xuôi chiều, không xuê xoa mà luôn thể hiện rất rõ tính dân chủ. Tất cả những vấn đề Quốc hội đặt ra với Chính phủ và các cơ quan hành pháp cũng đã được Chính phủ tiếp thu đầy đủ, thực hiện và có báo cáo lại kết quả. Có thể nói, mối tương tác giữa Quốc hội và Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ trong nhiệm kỳ này rất chặt chẽ, nhịp nhàng, ăn khớp và hiệu quả.

Trong thành công của Quốc hội có vai trò của tập thể Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội. Trong những khóa Quốc hội gần đây, đặc biệt là Quốc hội Khóa XIV, chúng ta đã chứng kiến bước tiến dài về dân chủ của Quốc hội, thể hiện rõ nhất qua các phiên thảo luận kinh tế – xã hội và các phiên chất vấn của Quốc hội. Trong điều hành các phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội Khóa XIV cũng thể hiện rõ bản lĩnh, sự am hiểu toàn diện các lĩnh vực, rất sâu sát, giữ đúng nguyên tắc nhưng cũng rất mềm dẻo, linh hoạt trong điều hành. Chính cách điều hành này đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng như Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; đồng thời, tạo hứng khởi và sinh khí trong hoạt động của Quốc hội.

Tôi tin rằng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục “giữ lửa” hoạt động của Quốc hội và thổi luồng sinh khí mới vào hoạt động của Quốc hội ngày càng đổi mới, trí tuệ và phát huy dân chủ.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Tống Thanh Bình: Ưu tiên hoàn thiện chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số

T.Thành
T.Thành

Nhìn vào tỷ lệ 100% đại biểu Quốc hội tham gia bỏ phiếu tán thành bầu đồng chí Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội, có thể thấy Quốc hội đánh giá rất cao năng lực, phẩm chất của đồng chí. Cá nhân tôi hoàn toàn tin tưởng vào đồng chí Vương Đình Huệ. Với những kinh nghiệm thực tiễn và sự kế thừa bài học kinh nghiệm của các khóa Quốc hội trước, bằng sự sắc sảo, trí tuệ và quyết đoán, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ hoàn thành xuất sắc vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan lập pháp, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân cả nước.

Tôi tin tưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ cùng với lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội sáng suốt trong thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đề ra chủ trương, chính sách đem lại cuộc sống ngày càng tốt hơn cho cử tri và nhân dân; đặc biệt là làm tốt vai trò giám sát tối cao của Quốc hội nhằm bảo đảm cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.

Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ quan tâm, điều phối được, hỗ trợ tối đa cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình hoạt động để họ hoàn thành tốt nhất trách nhiệm của người đại biểu dân cử; thông qua các đại biểu Quốc hội để nắm bắt và phản ánh đúng nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước. Đồng thời, kỳ vọng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tiếp tục ưu tiên quan tâm đến xây dựng và hoàn thiện các chính sách dành cho cử tri, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển bền vững.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội): Tăng cường giám sát lĩnh vực tư pháp

Tôi tin tưởng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa mới sẽ kế thừa, phát huy các thành tựu đã đạt được trong các nhiệm kỳ trước, đặc biệt là thành tựu của Quốc hội Khóa XIV, khắc phục một số hạn chế, tồn tại đã được các đại biểu Quốc hội chỉ ra vừa qua để Quốc hội hoàn thành xuất sắc hơn nữa nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho.

Là người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, tôi đánh giá rất cao việc trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội, Ủy ban Tư pháp, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện rất rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp. Thể hiện trên các phương diện như: thẩm tra, đánh giá báo cáo công tác hàng năm của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Báo cáo của Chính phủ về công tác điều tra, thi hành án…; tổ chức các đoàn giám sát hoạt động tư pháp của các cơ quan ở trung ương và địa phương; giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; giám sát một số vụ án cụ thể; đánh giá việc chấp hành pháp luật, trách nhiệm và hiệu lực, hiệu quả hoạt động các cơ quan tư pháp…

Tuy nhiên, về phương diện lý luận, tôi cho rằng, đây cũng là vấn đề cần được làm rõ để thống nhất về nhận thức trong việc áp dụng các quy định của Hiến pháp và pháp luật về giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, đặc biệt là Tòa án Nhân dân Tối cao. Đồng thời, cần tiếp tục cải cách thủ tục tố tụng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với luật sư, tòa án và các thiết chế khác để tìm kiếm công lý. Hoàn thiện cơ chế bảo vệ các quyền con người trong tố tụng, đặc biệt là quyền bào chữa, quyền khiếu nại, tố cáo, kháng cáo và các quyền khác cho phép bị can, bị cáo được bảo đảm việc xét xử công bằng.

Đây là những vấn đề mà tôi rất mong Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thời gian tới cần quan tâm chỉ đạo để thực hiện hiệu quả hơn nữa, tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội trong hoạt động tư pháp với những đặc thù của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.