Tiếp tục gỡ vướng chính sách thuế – hải quan
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dù ngành thuế đã triển khai thí điểm kê khai thuế và nộp thuế điện tử, nhưng việc liên thông hệ thống chưa đồng nhất, dẫn đến hiểu lầm trong khai báo thuế và hải quan, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, áp dụng tờ khai điện tử và chữ ký số, nhưng công đoạn xác nhận, đóng dấu tờ khai giấy khi thông quan hàng hóa vẫn chưa loại bỏ, nên doanh nghiệp vẫn cần xuất trình nhiều chứng từ cho cơ quan hải quan ký xác nhận. Hay như, chỉ cần trả phí là có thể xem báo cáo tài chính của các doanh nghiệp cổ phần, song báo cáo quyết toán thuế lại đòi hỏi doanh nghiệp phải sử dụng chữ ký số. Trong khi đó, doanh nghiệp muốn nhận được chữ ký số thì phải thực hiện nhiều thủ tục, liên hệ với nhiều cơ quan, chứ không chỉ cơ quan thuế. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, ngành thuế tạo điều kiện khâu tiếp nhận, giải quyết hồ sơ nộp và hoàn thuế, đẩy mạnh áp dụng hình thức khai, nộp qua mạng, sử dụng dịch vụ tư vấn thuế.

Một số chuyên gia cho rằng, việc cắt giảm các dòng thuế cho từng ngành hàng khi đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do đang đặt ra yêu cầu phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Trước mắt, cần tăng cường tham vấn, lấy ý kiến của doanh nghiệp để nắm rõ thực trạng và yêu cầu của từng ngành, từ đó đưa ra lộ trình phù hợp với khả năng đáp ứng, giúp mỗi đơn vị có thể đón cơ hội từ cắt giảm thuế quan.

Có thể thấy, với việc giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết, thì khoảng cách giữa hàng nhập khẩu và hàng trong nước sản xuất sẽ ngày càng được thu hẹp. Nhà nước không thể hỗ trợ hàng hóa sản xuất trong nước bằng thuế nhập khẩu, nên doanh nghiệp phải nỗ lực giảm chi phí, tự vượt lên chính mình để có thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu, cũng như phát triển quy mô sản xuất, kinh doanh. Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng, chính sách thuế cần có một số thay đổi phù hợp với điều kiện hiện nay như: đưa ra mức thuế suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhỏ; giảm tần suất khai thuế đối với những đơn vị có doanh thu dưới 50 tỷ đồng…

Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm hội nhập nền kinh tế thế giới hiệu quả, trong đó tập trung thực hiện 3 đột phá. Cụ thể là, cải thiện môi trường kinh doanh, trọng tâm là nâng cao chất lượng thể chế và cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các ngành kinh tế; phát triển cơ sở hạ tầng cả phần mềm và phần cứng cho các địa phương, cơ quan chức năng. Nhưng, nước ta đang hội nhập sâu kinh tế thế giới, đặc biệt sẽ tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN từ cuối năm 2015, nên đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc cải thiện môi trường kinh doanh cũng phải theo thông lệ quốc tế, không thể chỉ thực hiện theo truyền thống. Vì vậy, Bộ Tài chính cần tích cực tham vấn doanh nghiệp nhằm đưa ra chính sách thuế, hải quan đáp ứng đúng đòi hỏi thực tế, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế thế giới hiệu quả. Các ý kiến của doanh nghiệp cũng sẽ giúp Chính phủ nâng cao chất lượng hành chính công, hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.

Để tiếp tục gỡ vướng về chính sách thuế cho doanh nghiệp, cùng với Thông tư 119, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 151 (sẽ có hiệu lực từ ngày 15.11). Phạm vi điều chỉnh của Thông tư 151 liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế – tức là các thủ tục  hành chính về thuế. Triển khai thực hiện Thông tư 151 không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian khai và nộp thuế mà còn giúp giảm đáng kể chi phí hoạt động. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, thực hiện Thông tư này sẽ giúp cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế.

Phạm Hạnh
Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân