Tiếp tục không đồng tình giới hạn chi quảng cáo
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Khoản 9, Điều 2 rằng, “Không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế với phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 10% tổng số chi được trừ”.

Với những doanh nghiệp thành lập mới, phần chi được chấp nhận vượt quá 15% trong ba năm đầu.

Nguyên vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), ông Quách Đức Pháp, một trong những người có kinh nghiệm với luật này lý giải: “nếu [Nhà nước] không khống chế tỷ lệ chi cho quảng cáo sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”.

Ông Pháp cho biết, doanh nghiệp ngành xi măng, thép, dệt may chỉ chi không quá 3%, doanh nghiệp vận tải, viễn thông chi không quá 5%… “Có nghĩa là hầu hết các doanh nghiệp sản xuất trong nước chi các khoản này rất thấp”, ông Pháp nói tại hội thảo khoa học có chủ đề về vấn đề chi quảng cáo, tiếp thị khuyến mại khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp tại Hà Nội ngày 27-12.

Tuy nhiên, sự khống chế tỷ lệ như nói trên vấp phải phản ứng từ giới luật sư và doanh nghiệp trong nước.

Luật sư Trương Thanh Đức của Ngân hàng Hàng Hải nói mức khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mãi như hiện nay chỉ phù hợp với thời kinh tế bao cấp khi không cần quan tâm đến quảng cáo, tiếp thị.

Ông Đức cho rằng, để đối phó với hạn chế này từ phía nhà nước, các doanh nghiệp đang lách luật, chẳng hạn họ chi phí thực cho quảng cáo, song lại phải hạch toán chi phí này cho mục thuê tài sản.

Tại hội thảo, đại diện của Hiệp hội Dược cho rằng, hạn chế chi quảng cáo là cản trở doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, và không đưa được hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam và hàng hoá Việt Nam ra thị trường.

Vị đại diện này nói, khi các doanh nghiệp bị hạn chế chi phí quảng cáo, thì chính người tiêu dùng chịu tác động từ quảng cáo của các sản phẩm nước ngoài nhiều hơn. Đây là một trong những lý do người Việt Nam có tâm lý sùng đồ ngoại.

Hầu hết đại diện các doanh nghiệp tại hội thảo đề nghị Bộ Tài chính nên nâng  tỷ lệ này từ 10% lên 15% trong giai đoạn trước mắt. 

Về phần mình, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính Nguyễn Văn Phụng giải thích, hạn chế chi phí quảng cáo là nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước.

Ông Phụng cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài được hỗ trợ tài chính từ công ty mẹ nên sẵn sàng chi phí nhiều cho quảng cáo, dù doanh nghiệp đó bị lỗ nhiều năm.

Ông dẫn chứng thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan, và Công ty nước giải khát Chương Dương đều của Việt Nam vì chi phí quảng cáo, tiếp thị quá lớn gây thua lỗ nhiều năm đã buộc phải bán cho doanh nghiệp nước ngoài như là những bài học đau đớn.

Ông nói: “Khi các công cụ và biện pháp kiểm soát chưa hiệu quả thì Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp không thể đứng ngoài”.

Tuy nhiên, ông cũng nói rằng: “Chúng tôi xin các doanh nghiệp hãy hiến kế sửa như thế nào, kèm theo các điều kiện ra sao để có một chính sách thực sự minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, mà thua thiệt không rơi vào doanh nghiệp Việt Nam”.

Ông cho biết, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ và Quốc hội sửa luật này vào năm 2013.

Câu chuyện chi phí quảng cáo đã được các doanh nghiệp nước ngoài nêu ra trong suốt hơn 10 năm qua, đặc biệt là tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, một chương trình nghị sự trước Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ với Chính phủ hằng năm.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online