Tiêu chuẩn quốc gia: Cửa ải doanh nghiệp khó vượt qua
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trước thời điểm triển khai đội mũ bảo hiểm (MBH) trên tất cả các tuyến đường, các phóng viên tập trung đưa các thông tin chỉ dẫn để người dân mua được mũ đảm bảo chất lượng. Những thông tin đó tập trung ở hai bộ TCVN là TCVN 5657:2001 (Tiêu chuẩn mũ bảo vệ cho người đi môtô và xe máy) và TCVN 6979:2001 (Tiêu chuẩn MBH dành cho trẻ em). Như mọi lần, phóng viên lên mạng Internet để tìm nhưng không có kết quả.

TS Luật sư Trần Công Trục đoàn luật sư thành phố Hà Nội: Hiện nay, các văn bản pháp luật hầu hết đều được chuyển lên mạng Internet và nhiều kênh khác để người dân tham khảo. Thậm chí các văn bản phức tạp phải được tuyên truyền tập huấn cho dân. TCVN là văn bản có tác động kinh tế- xã hội lớn, cũng cần được công khai, rộng rãi như các văn bản khác.

Kiểu gì cũng mất tiền

Chúng tôi tìm sang trụ sở Tổng cục TCĐLCL (80 Hoàng Quốc Việt – Hà Nội). Sau khi qua văn phòng Tổng cục và một số phòng ban khác, chúng tôi được giới thiệu xuống Trung tâm Tiêu chuẩn, nơi trực tiếp thực hiện việc xây dựng những bộ tiêu chuẩn này. Sau khi bị từ chối cung cấp kinh nghiệm để mua MBH, chúng tôi được một nhân viên của trung tâm “khuyên” mua bộ tiêu chuẩn. Cực chẳng đã, chúng tôi sang phòng phát hành tiêu chuẩn. Sang đến nơi, bản in hai bộ tiêu chuẩn đã hết. Nhân viên ở đây nói có thể mua bản in từ máy tính. Hi vọng bớt được tiền và đỡ lãng phí giấy, chúng tôi đề nghị được mua bằng cách cóp vào USB. Tuy nhiên, nhân viên phòng phát hành này cho biết “cóp” về cũng mất bằng tiền giấy in. Vì thế, chúng tôi phải mua một bản giấy in đen trắng chỉ có 43 trang hết 50.000 đồng.

Bán đúng hay sai?

Có thể nói ngay là theo các quy định pháp luật hiện hành, việc bán bộ tiêu chuẩn quốc gia như vậy là không sai. Trong Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn được quốc hội khoá XI thông qua năm 2006 ghi rõ, Bộ KHCN giữ quyền xuất bản và phát hành tiêu chuẩn Quốc gia. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao khi một sản phẩm đã được “bao cấp” gần như từ đầu đến cuối, cần thiết cho DN và người dân như vậy lại không công khai rộng rãi?

Theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, ngân sách nhà nước là nguồn kinh phí cơ bản (bên cạnh có các nguồn vốn do các tổ chức tự nguyện đóng góp và các nguồn thu hợp pháp khác) để việc xây dựng TCVN từ khâu xây dựng kế hoạch đến lúc hoàn thiện. Cũng xin nói rằng, bên cạnh bộ TCVN, hiện các bộ, ngành, địa phương được phép xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; theo luật họ được giữ bản quyền nhưng vẫn công khai trên mạng Internet.

Cũng liên quan đến vấn đề tiêu chuẩn quốc gia, năm 2006, Thủ tướng đã ký Quyết định 50/2006/QĐ –TTg ban hành danh mục sản phẩm, hàng hoá phải kiểm tra về chất lượng. Theo đó, các sản phẩm được nêu trong danh mục, chủ yếu là các sản phẩm liên quan mật thiết đến đời sống dân sinh phải sản xuất theo đúng một tiêu chuẩn nào đó. Trong danh mục đó có đến gần 150 bộ TCVN được viện dẫn. Trong trường hợp này, TCVN có thể coi như một văn bản pháp quy bắt buộc áp dụng. Tuy nhiên, kể cả gần 150 bộ TCVN, không một bộ TCVN nào được công khai, phổ biến rộng rãi.

GS Hoàng Đình Hoà – Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết: Việc in và bán cũng là một kênh nhưng không phải là duy nhất mà phải mở ra nhiều kênh khác nữa để bộ TCVN được công khai rộng rãi, phát huy được tác dụng xã hội to lớn của nó. Ở nhiều nước trên thế giới; tiêu chuẩn quốc gia cũng được công khai. Nếu bán như hiện nay, SV rất khó khăn trong việc tiếp cận TCVN. Thậm chí, nhiều SV đã phải dùng các bộ tiêu chuẩn của nước ngoài đã ban hành hàng chục năm trước có trong thư viện. Thành ra, dù có các sản phẩm SV làm ra cũng không phù hợp với thị trường Việt Nam

“Ăn một bát cháo…”

Theo cơ cấu tổ chức của Tổng cục TCĐLCL, hiện nay thì số điểm bán bộ TCVN rất hạn chế. Việc in và phát hành do Trung tâm Tiêu chuẩn có một trụ sở duy nhất ở 80 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) đảm nhiệm. TCVN sau đó được phân phối đến các Trung tâm thông tin thuộc Tổng cục.

Tuy nhiên, hiện nay, cả nước chỉ 1 trụ sở ở 80 Hoàng Quốc Việt và 1 chi nhánh ở TP HCM. Chính việc kênh phát hành hạn hẹp như vậy nên đã gây không ít khó khăn cho DN. Ông Nguyễn Văn Quân – GĐ Cty TNHH Quý Thịnh (xã Thịnh Long – Hải Hậu – Nam Định) chuyên sản xuất nước mắm kể lại: Nước mắm là sản phẩm dân dã, người dân đã dùng hàng nghìn năm nay nhưng để có quy trình sản xuất chuyện nghiệp, Cty đã phấn đấu để đạt được tiêu chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, khi đến Chi cục Đo lường Chất lượng tỉnh lại không có bộ tiêu chuẩn dành cho sản phẩm nước mắm. Vì thế, Cty anh phải lặn lội lên tận Hà Nội để mua. “Tiền mua bộ tiêu chuẩn có mấy chục nghìn nhưng công sức, thời gian và tiền bạc để anh em đi lại thì tốn hơn chục lần” – anh Quân nói. Tại Trung tâm thông tin của Tổng cục này, chúng tôi cũng gặp không ít người bức xúc trước chuyện phải cất công mua bộ TCVN này. Anh Vũ Văn Sử – nhân viên Cty TNHH Ba An (Hà Nội) nhiều lần đến mua TCVN tại đây nói: “Tôi biết bộ TCVN này được xây dựng bằng tiền thuế của dân; rất cần cho dân nên phải công khai cho dân biết. Nhưng e rằng đấy là lý thuyết; còn họ quy định như thế nào mình phải theo thôi”.

Bức xúc nhất có lễ là các DN sản xuất các sản phẩm bị kiểm tra chất lượng theo bộ TCVN (quy định trong Quyết định 50/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Một lãnh đạo của Cty Điện máy H ở Hà Nội, chuyên sản xuất MBH và nồi cơm điện (cả hai sản phẩm đều thuộc danh mục quy định trong quyết định nêu trên của Chính phủ) bức xúc: “Đã là văn bản pháp luật bắt chúng tôi tuân theo thì phải cho chúng tôi biết rồi mới thực hiện được chứ. Trong khi đó, hầu như bất cứ quy định nào khác của nhà nước chúng tôi đều có thể tìm và lấy trên mạng, vừa đỡ tốn công vừa không mất tiền”.

Nên công khai trên mạng

Đó là ý kiến của ông Đỗ Gia Phan – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi phỏng vấn ông Phan về vấn đề này.

– Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tác dụng của bộ TCVN với người tiêu dùng?

TCVN rất cần thiết đối với người dân. Qua bộ tiêu chuẩn, họ có thể mua được sản phẩm tốt, đạt đúng tiêu chuẩn. Còn đối với DN, dù không bắt buộc như quy chuẩn kỹ thuật, nhưng bộ TCVN cũng như kim chỉ nam để họ sản xuất ra các sản phẩm tốt để kinh doanh, phục vụ người tiêu dùng, phục vụ xã hội.

– TCVN hiện nay chỉ có bán chứ không phát không, không được công khai trên mạng. Ông nghĩ thế nào?

Tôi rất đồng tình với việc nên đưa thắc mắc này ra. Bản thân tôi rất mong TCVN được công khai lên mạng Internet; ai có nhu cầu có thể lấy về dùng. Hiện tại, nếu cần TCVN để tham khảo, tôi cũng phải đi mua, vừa tốn tiền, vừa tốn công sức. Tôi cũng đã nghe một số người than phiền về việc lấy tài liệu này phải mất tiền chứ không đơn giản. Tổng cục TCĐLCL là cơ quan thuộc Bộ KHCN, đơn vị tiên phong về áp dụng công nghệ hiện đại nhưng đã 10 năm khi Internet vào Việt Nam vẫn chưa áp dụng, đấy cũng là một vấn đề đáng phải nêu ra.

– Trong Quyết định 50/2006 của Thủ tướng Chính phủ; nhiều bộ TCVN được áp dụng tương đương với văn bản pháp quy khác. Lúc này trách nhiệm của Tổng cục TCĐLCL là phải tuyên truyền, công khai văn bản đó. Nhưng vẫn không thấy thực hiện…?

Đúng là như vậy. Ở trường hợp này; không những phải công bố rộng rãi mà thậm chí phải hướng dẫn. Bộ tiêu chuẩn nào có quá nhiều số liệu, công thức phức tạp thì phải tóm lược, giải thích để nhân dân và DN hiểu. Tuy nhiên, đẩy lên mạng là mong muốn của chúng ta chứ không phải là mong muốn của họ. Bao giờ cũng phải giải quyết đảm bảo quyền lợi của cả hai bên; nếu công khai e rằng ảnh hưởng quyền lợi nào đó…

– Xin cảm ơn ông!

Nguồn:  Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp