Tìm giải pháp thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại Hội nghị Thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) diễn ra hôm nay 12/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng, hiện nay xu hướng ĐTRNN của các doanh nghiệp trong nước là tất yếu. Việc ĐTRNN sẽ giúp Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế quốc tế, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tự hoàn thiện, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Các dự án ĐTRNN của các doanh nghiệp Việt Nam tập trung phần lớn trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (136 dự án có vốn đăng ký 1,75 tỷ USD) chiếm 42,9% về số dự án và 69,4% tổng vốn đầu tư. Đặc biệt, đầu tư vào Lào có số dự án và tổng vốn cam kết lớn nhất (hơn 1,28 tỷ USD với 123 dự án). Đáng chú ý nhất là các dự án đầu tư về thăm dò khai thác, năng lượng mỏ, chế biến và dịch vụ dầu khí của Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam (PV). Hiện nay, PV có 20 dự án với tổng mức đầu tư là 220 triệu USD, ngoài ra PV còn tham gia liên doanh góp vốn đầu tư các dự án lớn về thăm dò khai thác dầu khí và thủy điện tại Lào, Venezuela, Algeria, Iran…. Tổng Công ty Hóa Chất Việt Nam cũng đang có dự án khai thác muối mỏ tại Khăm Muộn (Lào) với tổng mức đầu tư từ 300-500 triệu USD. Tổng Công ty Viễn thông quân đội (Viettel) hiện đang đầu tư tại Lào, Campuchia và đang hướng tới tìm kiếm cơ hội đầu tư mạng viễn thông tại Myanmar. Viettel dự kiến sẽ mở rộng dự án di động tại Campuchia từ 27,7 triệu USD lên 70 triệu USD trong năm 2008. Cần hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động ĐTRNN Tuy nhiên theo Thứ trưởng Cao Viết Sinh, quy mô của dự án cũng như nguồn vốn còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng của doanh nghiệp trong nước cũng như các mối quan hệ song phương của Việt Nam với các quốc gia khác. Hiện nay, việc ĐTRNN của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Theo ông Bùi Quốc Trung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, một trong những nguyên nhân chủ quan là khung pháp lý mà cụ thể là Nghị định 78/2006/NĐ-CP chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập, khó khăn cho doanh nghiệp. Để nhận được giấy phép ĐTRNN, doanh nghiệp phải thông qua 11 đầu mối trong khoảng thời gian từ 5-7 tháng. Trong khi đó giá nguyên liệu, vật tư tăng lên khiến cho tốc độ trượt giá của các chi phí cũng như tổng mức đầu tư các dự án ngày càng lớn. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam Đỗ Văn Hậu cho rằng “Khung pháp lý về ĐTRNN của Việt Nam còn bất cập và chưa bắt kịp thực tế. Hiện nay, các doanh nghiệp ĐTRNN phải có giấy chứng nhận đầu tư mới được chuyển tiền ra nước ngoài thực hiện dự án, (phải mất từ 5-7 tháng mới có giấy chứng nhận ĐTRNN kể từ ngày đăng ký). Việc thay đổi hạn mức đầu tư cũng mất thời gian dài trong khi đó đặc thù của ngành dầu khí là liên tục thay đổi hạn mức đầu tư, đặc biệt những dự án lớn cần quyết định nhanh do có nhiều đối thủ cạnh tranh quyết liệt”. Còn theo đại diện của Viettel, bên cạnh vấn đề thủ tục, việc thiếu thông tin về môi trường đầu tư, tình hình phát triển kinh tế, chính sách pháp luật nước bạn cũng là hạn chế không nhỏ đến phát triển ĐTRNN của các doanh nghiệp trong nước. Để tháo gỡ khó khăn này, Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho rằng trước hết Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu cải cách hành chính, hoàn thiện Nghị định 78 theo hướng thông thoáng hơn; đồng thời đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước phát triển ĐTRNN một cách hiệu quả. Ông Sinh cho biết thêm, sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành sửa Nghị định 15 về đầu tư tín dụng cho doanh nghiệp ĐTRNN để hỗ trợ khả năng thanh khoản, luân chuyển vốn. Tuy nhiên ông Sinh cũng khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam nên thực hiện nghiêm túc các quy định trong Nghị định 78, nên thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để tìm hiểu thông tin thị trường, tránh chồng chéo dự án đầu tư và có thể nhận được sự bảo vệ khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam nên tuân thủ nghiêm chỉnh những điều khoản ký kết trong hợp đồng, những quy định trong luật pháp nước bạn, triển khai dự án đúng tiến độ để giữ niềm tin cũng như củng cố mối quan hệ song phương giữa 2 quốc gia.

Một số dư án đầu tư lớn của Việt Nam ở nước ngoài: 1. Dự án Thủy điện Xekaman 1 tại Lào của Công ty cổ phần điện Việt – Lào, tổng vốn đầu tư 441,6 triệu USD.
2. Dự án Thủy điện Xekaman 3 tại Lào của Công ty cổ phần điện Việt – Lào, tổng vốn đầu tư 273 triệu USD.
3. Hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí tại Algeria của Tập đoàn Dầu khí VN, tổng vốn đầu tư 243 triệu USD.
4. Dự án xây dựng nhà máy thủy điện Nậm Mô của Tổng Công ty hợp tác kinh tế Việt – Lào, tổng vốn đầu tư 142 triệu USD.
5. Dự án Trung tâm thương mại Hà Nội – Matxcơva của Công ty cổ phần TTTM Hà Nội – Matxcơva, tổng vốn đầu tư 120 triệu USD.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ