Tìm lối ra cho khiếu kiện về đất đai
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Như hầu hết các địa phương khác, KNTC của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai (sau đây gọi là KNTC về đất đai) ở Đồng Nai, Sóc Trăng, Tiền Giang ngày một phức tạp, gần như tăng dần qua từng năm và chủ yếu liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Một kịch bản muôn thuởã: bên cho rằng mình đã cố gắng đền bù thỏa đáng và đúng luật; bên kia nằng nặc đòi hỏi sự sòng phẳng, công bằng trong việc đền bù, mà họ cho là chưa có. Không tìm được tiếng nói chung trong quá trình trao đổi lợi ích thật ra cũng là điều bình thường trong đời sống dân sự. “Vấn đề nằm ở sự bất hợp lý trong chính sách về đất đai” – Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Tư nói.

Có rất nhiều ví dụ cho thấy, KNTC về đất đai nảy sinh ngay từ những quy tắc đẹp.

Nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân bị thu hồi đất, Luật Đất đai 2003 quy định phương pháp xác định giá đất để tính giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là theo giá do Nhà nước quy định, trên nguyên tắc phải phù hợp với giá đất trên thị trường. Giá đất trên thị trường là “giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường tại một thời điểm xác định…”. Thế nhưng, cả ba tỉnh Đồng Nai, Sóc Trăng và Tiền Giang đều than khó thực hiện quy định đẹp này. “Người dân đeo miết đòi phải tính giá bồi thường cho họ theo giá thị trường vì cho rằng mình bị áp giá thấp, trong khi cơ quan chuyên môn rất khó xác định giá thị trường vì không có hướng dẫn về phương pháp, quy trình xác định”, lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Tiền Giang cho biết.

Thực tế, cho đến nay, vẫn chưa có quy định của pháp luật về cơ chế bắt buộc sử dụng dịch vụ định giá đất để đề xuất giá đất hợp lý khi xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, mà áp dụng giá do tổ chức thực hiện bồi thường đề xuất. Việc thẩm định giá đất đã đề xuất cũng do cơ quan tài nguyên và môi trường phối hợp với các cơ quan khác của UBND thực hiện, chứ pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về việc phải thành lập hội đồng định giá độc lập. Mặc dù hàng năm, các địa phương đều ban hành các quy định mới về giá đất, giá đền bù thiệt hại về nhà cửa, kiến trúc, cây cối hoa màu, bố trí tái định cư cho phù hợp thực tế. Nhưng chính điều này lại làm cho người có đất thu hồi sau hưởng lợi nhiều hơn người có đất bị thu hồi trước đó; hoặc đẩy những dự án lớn- thường kéo dài qua nhiều năm – đứng trước nghịch cảnh: một dự án có vài ba giá đền bù, năm sau cao hơn năm trước, dẫn đến tâm lý so bì, gia tăng khiếu kiện.

Nghị định 69/2009/NĐ-CP khi ban hành được coi là một đột phá trong công tác quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường thông qua việc giải quyết hài hòa được cả 3 lợi ích của người dân, của Nhà nước và nhà đầu tư. Nhưng qua thực hiện, “tỉnh thấy nhiều cái khó”, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Tư chia sẻ. Nghị định 69 quy định tăng hỗ trợ người dân mất đất từ 1,5 – 5 lần, nhưng việc mỗi địa phương áp dụng mức khác nhau trong khung đó dẫn đến tâm lý so sánh trong người dân và có thể nảy sinh khiếu kiện.

Một quy định khác cũng nằm trong Luật Đất đai 2003: “khu tái định cư… phải có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.  Tuy nhiên, luật lại không xây dựng được những căn cứ khách quan để đánh giá chất lượng của các phương án tái định cư, trong mối quan hệ so sánh với các điều kiện ăn ở trước đây của người được đền bù. Điều này đưa người dân vào thế thiệt thòi.

Trong khung cảnh pháp lý như thế này, cứ tin rằng chính quyền hoàn toàn công tâm, thì chuyện hễ triển khai dự án là có khiếu kiện trở nên dễ hiểu.

Quan trọng không kém, với cơ chế giải quyết KNTC luẩn quẩn, bế tắc như hiện nay, không có gì bảo đảm rằng người dân sẽ không lặp lại việc khiếu kiện vượt cấp. Rõ nhất, theo Luật Đất đai 2003, các khiếu nại về quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai được giải quyết theo một cơ chế riêng, không theo trình tự được quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo. Người dân có thể nản lòng với những trình tự, thủ tục giải quyết vừa phức tạp vừa không cụ thể. Thế nhưng, những khó khăn đó mới chỉ là màn dạo đầu so với cả đoạn trường giải quyết vụ án mà người đi kiện luôn ở vị trí bất lợi trước một bị đơn là cơ quan nhà nước.

Nhưng lỗi không nằm cả ở chính sách!

Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2008 – 2011, trong số hàng trăm nghìn vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền và cơ quan này đã giải quyết, số vụ khiếu nại đúng chiếm 19,8%, có đúng có sai chiếm 28% và số khiếu nại sai chiếm 52,2%; số vụ tố cáo đúng chiếm 16,2%, có đúng có sai 29,6% và số đơn tố cáo sai chiếm 54,2%. Nếu cùng quan điểm như lãnh đạo tỉnh Đồng Nai “KNTC có đúng là được rồi”, thì tỷ lệ KNTC đúng chiếm đến gần một nửa! Một xác suất quá ấn tượng, và có lẽ không cần đến lời bình luận nào! 

Trong báo cáo với Đoàn giám sát, các địa phương đều phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới KNTC về đất đai và những nguyên nhân về mặt chính sách, pháp luật được cho là khách quan. Có thể đó là nguyên nhân khách quan đối với địa phương, nhưng sẽ là nguyên nhân chủ quan của trung ương! 

Có lẽ nhiều thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao cách giải quyết KNTC về đất đai của huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng. “Làm tốt, đúng quy trình và công khai thì không có khiếu kiện”, Phó chủ tịch huyện Mỹ Tú nói. “Vừa qua, cả hai công trình giao thông trên địa bàn huyện đều mời dân lên làm rõ trách nhiệm, quyền lợi của người dân và nhà nước nên không gặp cản trở gì khi thi công”. Đối với những KNTC liên quan đến tranh chấp đất đai, Mỹ Tú chọn cách phối hợp nhiều nguồn dữ liệu: dựa trên hồ sơ, bản đồ địa chính, hỏi người dân sống lâu năm rồi cùng nhau thương lượng để đưa ra hướng giải quyết tốt nhất. Những cách làm hay đó đều đòi hỏi cái tâm của lãnh đạo địa phương.

Tất nhiên, không thể chỉ trông vào sự công tâm của những người thực thi chính sách, pháp luật về giải quyết KNTC liên quan đến đất đai, mà cần phải nhìn thẳng vào mối quan hệ về giá trị đất đai giữa người bị thu hồi đất, người được giao đất và Nhà nước trên cơ sở xác định đúng giá trị đất đai phù hợp với quy luật của thị trường. Tất cả mọi cơ chế bồi thường bằng tiền, bằng đất hay các hình thức khác chỉ có thể được giải quyết thỏa đáng khi giá đất được xác định cụ thể với phần giá trị tăng thêm do phần đầu tư của chủ sử dụng đất mang lại và phần đầu tư của người khác (Nhà nước, cộng đồng hoặc nhà đầu tư khác) mang lại. Đó chính là điều kiện để giải quyết hợp lý bài toán phân chia lợi ích giữa người bị thu hồi đất, nhà đầu tư và Nhà nước trong quá trình chuyển dịch đất đai để đầu tư phát triển. Khi lợi ích được phân chia hợp lý, KNTC chắc chắn sẽ giảm bớt.

 Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới cho thấy, sự tham gia của dịch vụ định giá đất vào quá trình tính toán giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư làm tăng tính khách quan trong xác định giá đất. Vì vậy, tiếng nói cuối cùng về định giá đất cần giao cho một tổ chức không thuộc bộ máy hành chính. Như ở Đài Loan hay Thái Lan, hiệp hội định giá có vai trò rất quan trọng trong việc trợ giúp các cơ quan có thẩm quyền quyết định giá đất và giải quyết tranh chấp về giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đồng thời hiệp hội cũng đóng vai trò chủ yếu trong phát triển hạ tầng thông tin phục vụ định giá, đào tạo nâng cao trình độ những người làm nghiệp vụ định giá, hướng dẫn áp dụng thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật định giá quốc tế.

Hồng Loan
Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân