Tín hiệu xuất khẩu mới sang thị trường Trung Quốc
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mặc dù gần đây, một số sản phẩm của Việt Nam (cao su, hải sản, hoa quả…) xuất sang thị trường Trung Quốc (TQ) gặp nhiều khó khăn bởi suy thoái kinh tế, kiểm dịch, o ép giá…, nhưng qua những con số thống kê, cho thấy cửa ngõ này có nhiều hy vọng.

Trong năm tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu sang thị trường TQ ước chỉ đạt 1,6 tỉ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2008 nhưng cũng vẫn chiếm 13,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong đó, sản lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng có xu hướng tăng nhanh trong tháng 5 và hai tuần đầu tháng 6.

Điển hình, cao su xuất khẩu sang TQ nửa cuối tháng 5 và tuần đầu tháng 6 là 20 tấn, trị giá 24,2 triệu USD tăng 170% về sản lượng và 119% về kim ngạch so với nửa đầu tháng 5/2009 do nhu cầu về mặt hàng này đang tăng nhanh ở TQ bởi các đối thủ cạnh tranh với Việt Nam là Thái Lan và Indonesia ngưng trệ khai thác mủ cao su do lũ lụt.

Hạt điều xuất sang TQ trong năm tháng đầu năm đạt trên 13 ngàn tấn, tăng 21% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang TQ, theo bộ Công thương, đã tăng trở lại từ giữa tháng 5 đến nay và có khả năng duy trì đến giữa tháng 7.2009.

Trong tuần đầu của tháng 6.2009, đã có hàng chục doanh nghiệp, thương nhân TQ sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội nhập khẩu các hàng hoá thứ phẩm như mai mực, hạt lép của lạc, đỗ, ngô, thóc, vỏ tôm ghẹ, trai biển, phế liệu (sắt thép, nhôm, đồng vụn, cao su vụn…) qua cửa khẩu Móng Cái.

Một số chuyên gia thương mại khuyến cáo, do nhu cầu nhập các mặt hàng này của TQ là lớn nên các doanh nghiệp Việt Nam nên tổ chức thu gom, tạo nguồn hàng đủ lớn sẽ có hiệu quả.

Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hoá qua TQ cũng đang đối diện với những khó khăn mới. Đáng chú ý nhất là từ 1.6.2009, luật An toàn thực phẩm của TQ đã có hiệu lực và trên thực tế, các cơ quan hữu quan TQ đang quyết liệt kiểm tra chất lượng, độ an toàn về vệ sinh thực phẩm, hàng hoá nhập khẩu nên khá nhiều lô hàng như thuỷ hải sản, hoa quả… của Việt Nam đã có hiện tượng bị ách tắc tại cửa khẩu Đông Hưng và Móng Cái (Quảng Ninh).

Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng hàng, tự kiểm tra, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của TQ nếu không muốn hàng hoá bị trả về hoặc bị tiêu huỷ.

Một khó khăn khác là sự gia tăng cạnh tranh từ các nước cùng xuất khẩu sang TQ nhất là các nước trong khu vực ASEAN. Ví dụ như cao su, TQ vẫn đánh giá Thái Lan là nguồn nhập quan trọng do mủ cao su của Thái Lan có chất lượng tốt và doanh nghiệp Thái giao hàng rất nhanh. TQ và Thái Lan đang chuẩn bị cho dự án liên doanh trồng và chế biến cao su tại đông và đông bắc Thái Lan.

Cho dù còn nhiều khó khăn nhưng TQ là một thị trường không thể bỏ qua với các doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ vì quy mô của thị trường, sự gần gũi về địa lý mà nhu cầu của thị trường này là khá lớn với nhiều sản phẩm của Việt Nam do nước này khan hiếm: hải sản, cao su, hoa quả nhiệt đới…

Cái yếu của doanh nghiệp Việt Nam theo một số chuyên gia, là sự thiếu nhạy bén trong việc nắm bắt thông tin, chính sách của TQ, thiếu quan tâm đến xây dựng thương hiệu… Trong khi đó, Nhà nước lại chưa hỗ trợ tốt cho hoạt động xuất khẩu.

Theo Mạnh Quân
Nguồn: Báo điện tử Sài Gòn tiếp thị