Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam tháng 01 năm 2012
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
  1. Đánh giá chung

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, số ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 kéo dài đã tác động mạnh đến mọi hoạt động của nền kinh tế nước ta nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng trong tháng 1/2012. Số liệu cụ thể cho thấy tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu cả nước trong tháng chỉ đạt 14,02 tỷ USD, giảm 24% so với kết quả thực hiện của tháng 12/2011 và giảm 9,2% so với kết quả thực hiện của tháng 1/2011. Trong đó, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt gần 7,1 tỷ USD, với tốc độ giảm lần lượt là 21,9% và 3%; tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là 6,92 tỷ USD, giảm 26% và giảm 14,7%.

Tuy nhiên, nếu so với tháng Tết Nguyên đán của năm 2011 (tháng 2/2011) thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 1/2012 vẫn tăng mạnh (26,9%), trong đó xuất khẩu tăng 43,9% và nhập khẩu tăng 13,3%.

Trong tháng đầu tiên của năm 2012, trong khi khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu 188 triệu USD, thì khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại xuất siêu tới 360 triệu USD. Do đó, về tổng thể thì cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 1/2012 của nước ta có mức thặng dư 172 triệu USD. Một kết quả ít thấy trong những năm gần đây.

Biểu đồ 1: Diễn biến tình hình xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại hàng hóa theo tháng năm 2011 và tháng 1/2012  

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực FDI trong tháng 1/2012 đạt 7,61 tỷ USD, tăng 11,8% so với tháng 1/2011. Trong đó, xuất khẩu đạt 3,99 tỷ USD, tăng 14,4%; nhập khẩu là 3,63 tỷ USD, tăng 9%.

 Khối các doanh nghiệp trong nước có kim ngạch xuất nhập khẩu là 6,41 tỷ USD, giảm 25,7% so với tháng 1/2011. Trong đó, xuất khẩu đạt 3,11 tỷ USD, giảm 18,7%; nhập khẩu gần 3,3 tỷ USD, giảm 31,2%.

  1. Một số mặt hàng xuất khẩu chính

Dầu thô: lượng dầu thô xuất khẩu đạt 579 nghìn tấn, tăng 3,3% so với tháng 12/2011 và giảm 6,4% so với tháng 1/2011.Trị giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 526 triệu USD, tăng 8,5% so với tháng 12/2011 và tăng 13,5% so với tháng 1/2011.

Lượng dầu thô trong tháng qua chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản: 195 nghìn tấn, tăng gấp hơn 3 lần; sang Ôxtrâylia: 137 nghìn tấn, giảm 16,6%; sang Trung Quốc: 99 nghìn tấn, giảm 11,2%; sang Malaixia: 59 nghìn tấn, giảm 37,4%; …so với tháng 1/2011.

– Hàng dệt may: kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong tháng đầu tiên của năm 2012  đạt 1,08 tỷ USD, giảm 17,1% so với tháng trước và giảm 12,2% so với tháng 1/2011. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 656 triệu USD, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.

Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản tiếp tục là 3 đối tác lớn nhất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam với kim ngạch và có tốc độ giảm so với cùng kỳ năm 2011 lần lượt là 559 triệu USD và 12,3%; 186 triệu USD và 21,2%; 124 triệu USD và 7,7%. 

Mặc dù  hàng dệt may xuất khẩu giảm ở hầu hết các thị trường chính nhưng ở 2 thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc đạt mức tăng trưởng ấn tượng (Hàn Quốc: đạt 77,5 triệu USD, tăng 18,2%; Trung Quốc: 14,3 triệu USD, tăng 71,7%).

– Hàng giày dép: kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này trong tháng đạt 544 triệu USD, giảm 24,6% so với tháng 12/2011 và giảm 1,4% so với tháng 1/2011. Trị giá xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 405 triệu USD, chiếm 74,4% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước.

Các đối tác thương mại chính nhập khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam là: EU với 215 triệu USD, giảm 12,6%; Hoa Kỳ: 145 triệu USD, tăng 4,2%; Nhật Bản: 32 triệu USD, tăng 2,8%; Trung Quốc: 28 triệu USD, tăng 72%; Braxin: 26 triệu USD, tăng 105 % so với tháng 1/2011.

Gỗ và sản phẩm gỗ: kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong tháng là 289 triệu USD, giảm 30,3% so với tháng 12/2011 và giảm 16% so với tháng 1 năm 2011.

Trong tháng đầu tiên của năm 2012, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu nhóm hàng này nhiều nhất của Việt Nam với 102 triệu USD, giảm 13,2% so với tháng 1/2011. Thị trường EU nhập khẩu 61,4 triệu USD, giảm 32,2%; Nhật Bản: 43,5 triệu USD, giảm 10,2%; Trung Quốc: 29,4 triệu USD, giảm 20,2%; Hàn Quốc: 20,5 triệu USD, tăng 49,2%;…so với cùng kỳ năm 2011.

– Thuỷ sản: xuất khẩu mặt hàng này trong tháng đạt 363 triệu USD, giảm 37,5% so với tháng 12/2011 và giảm 14,9% so với tháng 01/2011.

Xuất khẩu thuỷ sản của nước ta trong tháng đầu của năm 2012 sang thị trường EU đạt 70,8 triệu USD, giảm 35,1%; sang Hoa Kỳ đạt 68,1 triệu USD, giảm 10,4%; sang Nhật Bản đạt 64 triệu USD, giảm 5,8%; sang Hàn Quốc đạt 33 triệu USD, giảm 4,9%  so với tháng 01/2011. Tổng giá trị thuỷ sản xuất khẩu sang 4 thị trường này chiếm 64,9% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước.

– Gạo: xuất khẩu gạo trong tháng đạt 256 nghìn tấn với trị giá là 147 triệu USD, giảm 21,2% về lượng và giảm 24,1% về trị giá so với tháng 12/2011. So với tháng 01/2011, xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 52,2% về lượng và giảm 47,5% về trị giá.

Trong tháng 1/2012, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang: Inđônêxia đạt 135 nghìn tấn, Malaixia đạt 42,8 nghìn tấn, Singapore đạt 14,8 nghìn tấn, Đài Loan: 14,4 nghìn tấn,…

– Cao su: lượng xuất khẩu cao su trong tháng đạt 69,8 nghìn tấn với trị giá 192 triệu USD, giảm 37,2% về lượng và giảm 42,7% về trị giá so với tháng 12/2011; so với tháng 01/2011, xuất khẩu cao su giảm 6,1% về lượng và 41,2% về trị giá.

Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu và tiêu thụ cao su của Việt Nam trong tháng 01/2012 với 43,4 nghìn tấn, chiếm 62,2% tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Tiếp theo là Malaixia: gần 7 nghìn tấn, Ấn Độ: 3,4 nghìn tấn, Đài Loan: gần 3 nghìn tấn, Hàn Quốc: 2,3 nghìn tấn,…

Điện thoại các loại & linh kiện: xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại & linh kiện trong tháng 1/2012 đạt 850 triệu USD, tăng 0,8% so với tháng 12/2011 và tăng 113,9% so với tháng 1/2011.

Biểu đồ 2: Diễn biến xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện theo tháng năm 2010 – 2011 và tháng 1/2012

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Những đối tác chính nhập khẩu điện thoại các loại & linh kiện xuất xứ của Việt Nam trong tháng là EU với 333 triệu USD, tăng 133%; chiếm 39,2% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là Hồng Kông: 149 triệu USD, tăng 193%; Nga: 57,5 triệu USD, tăng 17,6%; Ấn Độ: 33,1 triệu USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2011.

– Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện: kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng trong tháng 1/2012 đạt 406 triệu USD, giảm 23,9% so với tháng trước nhưng tăng tới 32,4% so với tháng 1/2011.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện của Việt Nam chủ yếu xuất sang các thị trường sau: Trung Quốc: 70,9 triệu USD, tăng 19,5%; Hoa Kỳ: 54,8 triệu USD, tăng 33,6%; Nhật Bản: 26,9 triệu USD, giảm 25,9%; Hà Lan: 22,7 triệu USD, giảm 25,3%;…so với tháng 1/2011.

Phương tiện vận tải & phụ tùng: trị giá xuất khẩu nhóm hàng này tháng 1/2012 đạt gần 293 triệu USD, tăng 65% so với tháng 12/2011 và tăng tới 97,2% so với tháng 1/2011.

Trong tháng 1/2012, Hàn Quốc là đối tác lớn nhất nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam với kim ngạch đạt 103 triệu USD (tháng 1/2011 trị giá là 4,1 triệu USD). Tiếp theo là Hoa Kỳ đạt 25,8 triệu USD, tăng 55,6%; Hà Lan đạt 8,1 triệu USD, giảm 21,9%; …

3. Một số mặt hàng nhập khẩu chính

Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng: kim ngạch nhập khẩu ngành hàng này trong tháng là 956 triệu USD, giảm 420 triệu USD so với tháng 12/2011 và giảm 324 triệu USD so với tháng 01/2011.

Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này chủ yếu từ các thị trường: Trung Quốc: 308 triệu USD, giảm 38,2%; Nhật Bản: 169 triệu USD, giảm 9,5%; Hàn Quốc: 92 triệu USD, giảm 16,4%; Đức: 76,7 triệu USD, giảm 0,6%; …so với tháng 01/2011.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện: kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này trong tháng đạt 793 triệu USD, tăng 259 triệu USD về số tuyệt đối và tăng 48,5% về số tương đối so với tháng 01/2011. Trong đó, nhập khẩu của khu vực FDI là 702 triệu USD, tăng 62,8% và nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước là 91 triệu USD, giảm 23,3% so với tháng 01/2011.

 Hàn Quốc đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường cung cấp lớn nhất nhóm hàng này cho Việt Nam với kim ngạch đạt 197 triệu USD, tăng 13,1%; Trung Quốc: 188 triệu USD, tăng 17,8%. Tiếp theo là các thị trường: Nhật Bản: 114 triệu USD, tăng 51,3%; Hoa Kỳ: 86 triệu USD, tăng hơn 4 lần; …

Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày: kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 660 triệu USD, giảm 29,7% so với tháng 12/2011 và giảm 25,1% so với cùng kỳ năm 2011 với kim ngạch giảm lần lượt là 279 triệu USD và 221 triệu USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu vải trong tháng là 382 triệu USD, nguyên phụ liệu: 167 triệu USD, sơ, xợi: 90 triệu USD, bông: 46,5 triệu USD.

Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này chủ yếu từ các thị trường sau đây: Trung Quốc: 232 triệu USD, giảm 19,1%; Hàn Quốc: 120 triệu USD, giảm 17%; Đài Loan: 107 triệu USD, giảm 25,7%; …

– Xăng dầu các loại: lượng nhập khẩu xăng dầu trong tháng 1/2012 là  572 nghìn tấn và trị giá 552 triệu USD, giảm 15,8% về lượng và giảm 13,2% về trị giá so với tháng trước.

Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong  tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ: Singapore với 273 nghìn tấn, Hàn Quốc: 130 nghìn tấn, Trung Quốc: 76 nghìn tấn, Thái Lan: 58 nghìn tấn, Đài Loan: 32 nghìn tấn,…

Sắt thép các loại: lượng nhập khẩu sắt thép trong tháng là 510 nghìn tấn với trị giá 420 triệu USD, giảm nhẹ 3,9% về lượng nhưng tăng nhẹ 1,6% về trị giá so với tháng 1/2011.Trong đó, lượng phôi thép nhập khẩu trong tháng là 105 nghìn tấn và trị giá là 61,2 triệu USD.

Các đối tác chính cung cấp mặt hàng sắt thép cho Việt Nam trong tháng 1 năm 2012 như  Hàn Quốc: 140 nghìn tấn, giảm 17,8%; Trung Quốc: 129 nghìn tấn, tăng 114%; Nhật Bản: 96 nghìn tấn, giảm 41,6%; Đài Loan: 54 nghìn tấn, tăng 16,7%… so với cùng kỳ năm 2011.

Khí đốt hoá lỏng (LPG): lượng nhập khẩu mặt hàng này trong tháng đạt 72,4 nghìn tấn, cao gấp hơn 2 lần so với tháng 12/2011 và đơn giá nhập khẩu bình quân là 921 USD/tấn, tăng 14,9% (tương đương tăng 119USD/tấn) so với giá bình quân nhập khẩu trong tháng trước nên kim ngạch đạt 66,7 triệu USD, tăng 140,3% so với cùng thời gian.

So với tháng 1/2011, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng tăng 14,9 triệu USD, chủ yếu là do lượng nhập khẩu tăng cao (tăng 17,4 triệu USD), trong khi đó yếu tố giá giảm làm kim ngạch giảm 2,5 triệu USD.

Biểu đồ 3: Diễn biến lượng và đơn giá bình quân khí đốt hoá lỏng nhập khẩu theo tháng năm 2011 và tháng 1/2012

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Ảrập Xê-út và Trung Quốc là hai đối tác chính cung cấp khí đốt hoá lỏng cho các doanh nghiệp Việt Nam, với lượng nhập khẩu lần lượt là 44,6 nghìn tấn và 27 nghìn tấn. Tính chung, lượng nhập khẩu LPG từ hai thị trường này chiếm tới 98,9 % tổng lượng nhập khẩu LPG của cả nước.

Chất dẻo nguyên liệu: trong tháng nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu đạt 162 nghìn tấn với trị giá là 280 triệu USD, giảm 16,7% về lượng và giảm 18,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2011.

Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng chất dẻo nguyên liệu trong tháng 1/2012 có xuất xứ chủ yếu từ thị trường Singapore: 7,8 nghìn tấn, Ấn Độ: 7,2 nghìn tấn, Trung Quốc: 6,7 nghìn tấn, Hoa Kỳ: 5,9 nghìn tấn,…

– Thức ăn gia súc và nguyên liệu: nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 159 triệu USD, giảm 45,7% so với tháng 12/2011 và giảm 36,1% so với cùng kỳ năm 2011.

Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu chủ yếu có xuất xứ từ: Ấn Độ: 80 triệu USD, giảm 16,3%; Hoa Kỳ: 23,3 triệu USD, tăng 32,3%; Achentina: 9,6 triệu USD, giảm 78,6%; Trung Quốc: 9,1 triệu USD, giảm 2,6%;…so với cùng kỳ năm 2011.

– Ôtô nguyên chiếc: trong tháng này, Việt Nam nhập khẩu gần 2,8 nghìn chiếc ô tô nguyên chiếc các loại. Trong đó lượng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống là gần 2 nghìn chiếc, chiếm 70,7% tổng lượng ôtô nhập khẩu vào Việt Nam.

Việt Nam vẫn nhập khẩu ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống vẫn chủ yếu từ các thị trường truyền thống như Hàn Quốc với 1,4 nghìn chiếc, Ấn Độ: 301 chiếc, Đức: 95 chiếc, Nhật Bản: 48 chiếc,…

BẢNG 1: TỔNG QUAN SỐ LIỆU THỐNG KÊ HẢI QUAN

VỀ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ THÁNG 1 NĂM 2012

Stt

Chỉ tiêu

(A)

(B)

(C)

I

Xuất khẩu hàng hoá (XK)

1

I.1

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 1/2012 (Tỷ USD)

7,09

2

I.2

Tăng/giảm kim ngạch xuất khẩu của tháng 1/2012 so với tháng 12/2011 (%)

-21,9

5

I.3

Tăng/giảm kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2012 so với cùng kỳ năm 2011 (%)

-3,0

II

Nhập khẩu hàng hoá (NK)

6

II.1

Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 1/2012 (Tỷ USD)

6,92

7

II.2

Tăng/giảm kim ngạch nhập khẩu của tháng 1/2012 so với tháng 12/2011 (%)

-26,0

10

II.3

Tăng/giảm kim ngạch nhập khẩu tháng 1/2012 so với cùng kỳ năm 2011 (%)

-14,7

III

Tổng kim ngạch XNK hàng hoá (XK+NK)

11

III.1

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 1/2012 (Tỷ USD)

14,02

12

III.2

Tăng/giảm kim ngạch xuất nhập khẩu của tháng 1/2012 so với tháng 12/2011 (%)

-24,0

15

III.3

Tăng/giảm kim ngạch xuất nhập khẩu tháng1/2012 so với cùng kỳ năm 2011 (%)

-9,2

IV

Cán cân Thương mại hàng hoá (XK-NK)

16

IV.1

Cán cân thương mại tháng 1/2012 (Tỷ USD)

0,17

Nguồn: Tổng cục Hải quan