Tiêu thụ hàng Việt: Nhìn từ góc độ doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Từ khi có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các mặt hàng dệt may trong nước ngày càng được đẩy mạnh sức tiêu thụ và mở rộng thị trường. Ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: Ngày càng có nhiều người Việt tìm đến với hàng may mặc sản xuất trong nước, điều này đã khẳng định vị thế của hàng Việt đã và đang tìm được chỗ đứng trên thị trường nội địa. Ngành dệt may cũng đang tiến sâu hơn vào thị trường nông thôn, một phân khúc thị trường bấy lâu còn bỏ ngỏ và hiện đã chiếm khoảng 70% thị trường.

Đặc biệt, một số nhà sản xuất lớn như Việt Tiến, May 10 đã quan tâm và xây dựng thương hiệu riêng đối với sản phẩm có mức giá hợp lý dành cho thị trường nông thôn để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt. Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng của các DN, ông Ân cũng nhìn nhận: Lợi thế của các DN trong nước là hiểu được tập quán, thói quen tiêu dùng của người Việt Nam nhưng nếu không ngừng cải tiến mẫu mã, chất lượng và mở rộng kênh phân phối thì việc đẩy tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng sẽ không dễ dàng gì.

Trong lĩnh vực da giày, ngành sản xuất này đang đặt mục tiêu thoát khoải cảnh làm thuê gia công để xuất khẩu bằng việc chiếm tới 80% thị trường tiêu thụ nội địa vào năm 2015. Mặc dù là một trong những quốc gia đứng đầu về XK da giày nhưng thực tế có rất ít thương hiệu giày trong nước được thế giới biết đến. Ngay như tại Công ty cổ phần đầu tư và sản xuất giày Thái Bình (TBS), chuyên sản xuất những mặt hàng chất lượng quốc tế nhưng phải gắn mác ngoại và khi quay trở lại thị trường nội địa, giá những sản phẩm này đã bị “đội” lên gấp nhiều lần.

Lãnh đạo DN này chia sẻ: “Để tiêu thụ được hàng của chính DN sản xuất ngay tại thị trường Việt Nam, chúng tôi buộc phải nhập lại các sản phẩm đã được dán nhãn và đóng mác ngoại, điều này khiến cho giá thành sản phẩm bị nâng cao và giày dép Việt Nam cũng mất luôn thương hiệu.

Ông Nguyễn Đức Thuấn- Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam- bày tỏ: Thị trường trong nước vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được tập trung khai thác vì khâu nghiên cứu thị trường, thiết kế mẫu mã và nhất là đảm bảo nguyên phụ liệu để sản xuất vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ. Thực tế, các nhà máy thuộc da của Việt Nam và DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam mới chỉ sản xuất đáp ứng được 20% nhu cầu, 80% còn lại vẫn phải nhập khẩu.

Đồng quan điểm này, ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bitas) cho hay: muốn đứng vững trên thị trường nội thì yếu tố sống còn của các DN da giày chính là nguyên phụ liệu. Ông Long cho biết, để có được 70% nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam thì DN phải mất gần nửa năm đi tìm kiếm, thu gom nhưng nếu nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc thì hầu như chẳng mất tí công sức nào!

Ở một góc độ khác, nhiều DN chia sẻ, nếu chỉ làm ra được sản phẩm tốt, giá thành hợp lý thì hàng Việt vẫn chưa thể có chỗ đứng ngay trên sân nhà bởi còn chịu nhiều tác động khác như cạnh tranh của hàng ngoại nhập lậu. Tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng không thể bỏ ngay một sớm một chiều, nếu bị hàng ngoại nhập lậu cạnh tranh thì nhiều mặt hàng như giày dép, đồ gia dụng cũng sẽ khó tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Giám đốc Công ty da giày Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Lâm nhận xét: Cạnh tranh với hàng nhập lậu đang là rào cản khá lớn với các DN da giày. Không thể hô hào người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt nếu họ thấy hàng ngoại giá rẻ hơn (vì không phải chịu thuế nhập khẩu), có chất lượng tương đương hàng nội thì họ sẽ không ngại nhần chọn hàng ngoại. Vì thế, đảm bảo cạnh tranh công bằng trên thị trường cũng là một yếu tố cần quan tâm trong quá trình thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt tại thị trường nội địa.

Thùy Linh
Nguồn: Báo điện tử Công thương