Tìm nguyên nhân bất ổn kinh tế vĩ mô
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bối rối điều hành tiền tệ

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành từ Đại học Quốc gia Hà nội nhận xét, những sai lầm trong điều hành chính sách tiền tệ ở năm 2007, đưa tiền ra nhiều làm lạm phát bùng lên 2008.

“Điều nguy hiểm là sai lầm kéo dài. Người điều hành chính sách đã tỏ ra bối rối và nền kinh tế phải hứng chịu”, ông Thành nhận xét.

Theo ông Thành, bất ổn trong hệ thống ngân hàng tăng mạnh với các biểu hiện nợ xấu tăng cao, giá trị tài sản thấp, thanh khoản vẫn là vấn đề nhức nhối, lãi suất cho vay cao, lãi suất huy động giảm… Những điều này cho thấy sự thất bại của vai trò trung gian tài chính của hệ thống ngân hàng.

Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang ở hoàn cảnh khó khăn khi phải theo đuổi nhiều mục đích.

Bà nói: “Điều hành chính sách tiền tệ đang rất khó khăn, vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, rồi tăng trưởng”.

Theo bà Thanh, trong trung hạn khi thị trường tài chính và thị trường trái phiếu phát triển sẽ giảm áp lực cho chính sách tiền tệ. Tuy nhiên từ nay đến năm 2015, áp lực lo vốn cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng vẫn lớn, như vậy vẫn phải cần mở rộng tín dụng.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, cần xem xét thành lập ngân hàng trung ương độc lập. Thiếu mô hình này, chính sách tiền tệ luôn đối mặt với cái gọi là tam pháp bất khả thi, có nghĩa là một quốc gia không thể đồng thời cùng một lúc đạt được ba mục tiêu ổn định tỷ giá, dòng vốn di chuyển tự do và độc lập tiền tệ.

Ông Tuyển cho rằng, hiện tại lý luận để thả nổi tỷ giá vẫn chưa thuyết phục vì Việt Nam vẫn nhập siêu cao. Ông nhận xét thêm, cải cách ngân hàng là quan trọng trong chương trình tái cơ cấu kinh tế hiện nay.

Đầu tư tràn lan

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên mở rộng đầu tư song chất lượng đầu tư ngày càng giảm. Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đầu tư tràn lan và phân tán tới mức quán quân thế giới trong khi chiếm nguồn lực lớn. Tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam đóng góp tới 37%/GDP – cao chỉ sau Hàn Quốc.

Ông Thành giải thích, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng đòi hỏi đầu tư tăng cao và mở rộng đầu tư nên kéo dài khoảng cách đầu tư – tiết kiệm. Thường khoảng cách này được bù đắp bằng nguồn vốn nước ngoài. Nhưng nguồn vốn nước ngoài giảm sút, khiến phải bù đắp bằng nguồn vốn trong nước nên gây ra lạm phát, gây bất ổn vĩ mô.

Ông nói: “Những chính sách chống lạm phát kém hiệu quả, nên phải buộc dùng biện pháp hành chính gây méo mó nền kinh tế. 5 năm qua, vòng tròn này lại lặp lại”. Ông Thành đặt câu hỏi: “Vậy bất ổn vĩ mô có phải là tất yếu hay không?”

Ông Tuyển đồng ý nhận định này. Ông cho rằng, nguyên nhân bất ổn vĩ mô là chênh lệch tiết kiệm và đầu tư, vốn được bù đắp bằng vốn tín dụng và bội chi ngân sách. Hơn nữa, vốn đầu tư lại tập trung vào DNNN hoạt động kém hiệu quả nên tạo ra vòng xoáy lạm phát.

Ông Tuyển nói: “Mô hình tăng trưởng làm vơi cạn tiềm năng khiến tăng nhập khẩu, gây áp lực lên tỷ giá”.

Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới Deepak Mishra cho rằng, mức độ thu thuế vào ngân sách nhà nước lớn. Tuy nhiên, trong những năm tới, Việt nam phải trả cho những khoản nợ vay trước sẽ dễ khiến thâm hụt ngân sách cao.

Ông cảnh báo: “Nếu cứ thâm hụt ngân sách cao sẽ khó mà ổn định được vĩ mô”.

Trong khi đó, Viện phó Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang tồn tại 4 đặc trưng yếu kém tiêu biểu.

Thứ nhất là có rất nhiều mất cân đối vĩ mô, rủi ro lạm phát và rủi ro tài chính rất cao. Thứ hai, thị trường nhân tố sản xuất của Việt Nam hết sức méo mó, nhất là thị trường lao động và thị trường vốn. Thứ ba, chi phí giao dịch và kinh doanh ở Việt Nam rất cao do tắc nghẽn kết cấu hạ tầng, do quan liêu, tham nhũng. Và cuối cùng, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế chuyển đổi, tư duy vẫn còn giằng xé giữa cái cũ và cái mới.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online