Tín hiệu lạc quan từ siết quản lý kinh doanh vàng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giá vàng dần ổn định

Theo các chuyên gia, việc siết chặt hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng là điều cần thiết. Bởi thời gian qua do điều kiện kinh doanh vàng là khá dễ dàng, lỏng lẻo nên đã không phân định được rõ chức năng của các cơ quan. Chính điều này khiến thị trường vàng phát triển “xô bồ”, tình trạng đầu cơ, kìm giá diễn ra khá phổ biến gây nhiều hệ lụy cho kinh tế xã hội.

Chưa hết, do các cửa hàng vàng đều kiêm thêm kinh doanh ngoại tệ nên đã hình thành hẳn một thị trường ngoại tệ tự do và giới kinh doanh vàng cũng lấy USD căn cứ cho các giao dịch vàng. Và mỗi khi giá vàng tăng, các đầu nậu lại gom USD nhập lậu vàng về “giải khát” cho giới đầu cơ, làm bất ổn tỷ giá.

Diễn biến trên thị trường đến ngày 23/4 cho thấy dù giá vàng trong nước cao hơn cuối tuần trước 110.000 đồng/lượng, nhưng vẫn ở mức 42,25 – 42,77 triệu đồng/lượng, thấp nhất từ đầu năm đến nay. Trong hai ngày 24 và 25/4, giá vàng có dấu hiệu nhích lên, nhưng thị trường nhìn chung vẫn ổn định, không có đột biến.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sacombank (SBJ), giao dịch vàng trong 2 tuần qua rất chậm. Thị trường không có nhiều “sóng” như trước. Hiện tượng đầu cơ giá lên, giá xuống cũng không còn.

Không chỉ có các cửa hàng “phi SJC” mà ngay cả các chi nhánh của Công ty SJC cũng rất ế ẩm. Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh vàng miếng của Công ty SJC, cả lực mua vào và bán ra cũng đều rất thấp.

Theo các chuyên gia, đây mới chỉ là dấu hiệu ban đầu khi nghị định được ban hành, còn hiệu quả đạt được đến đâu thì phải còn phải chờ một thời gian nữa mới có thể thể biết chính xác.

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, với việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất, giá vàng trong nước sẽ được quy về một mối. Quan trọng hơn, mục tiêu mà Chính phủ nhắm đến là đưa giá vàng trong nước ngang bằng với giá vàng thế giới quy đổi, minh bạch hóa và ổn định thị trường vàng, qua đó ổn định kinh tế vĩ mô.

Doanh nghiệp kinh doanh vàng: Phân tầng rõ rệt

Thế nhưng, bên cạnh tình hình ổn định của thị trường vàng, vẫn còn những băn khoăn của giới kinh doanh mặt hàng đặc biệt này khi những quy định của Nghị định 24 chính thức có hiệu lực.

Một số doanh nghiệp kinh doanh vàng đang phải loay hoay để tìm hướng kinh doanh khác vì không đáp ứng đủ điều kiện như có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên, có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng, có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Theo một chuyên gia của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, với quy định này, có thể hiểu là phần lớn các ngân hàng thương mại có đủ điều kiện hoạt động kinh doanh vàng miếng. Điều này giúp cho Ngân hàng Nhà nước dễ dàng hơn trong việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, với ngân hàng thương mại chưa tham gia vào thị trường vàng chưa chắc đã “mặn mà” với loại hình kinh doanh này bởi hoạt động kinh doanh vàng cần có chuyên môn, hệ thống riêng và đặc biệt phải có nghiệp vụ để quản lý rủi ro.

Thương hiệu Rồng vàng Thăng Long của Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu trước nay vẫn được coi là thương hiệu uy tín và cũng được nhiều người tiêu dùng miền Bắc lựa chọn nhưng hiện tại, chiểu theo những quy định của Nghị định 24, Công ty lại không đáp ứng đủ điều kiện.

“Nếu chiểu theo tiêu chí trên sẽ chỉ có một, hai doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Bản thân Bảo Tín Minh Châu cũng không đáp ứng được hết các tiêu chuẩn theo nghị định,” ông Vũ Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty buồn bã nói.

Ông Châu cho rằng, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phải bỏ hoạt động kinh doanh vàng miếng và chuyển hướng sang kinh doanh vàng trang sức.

Bên cạnh đó, cũng sẽ có nhiều có nhiều tiệm vàng không đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng vì không có đủ vốn điều lệ 100 tỷ đồng, có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất…

Theo thống kê, cả nước có khoảng 12.000 hộ kinh doanh vàng nhỏ lẻ. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh có thị trường vàng miếng lớn nhất và sôi động nhất, chiếm gần 74,4% thị phần cả nước với hơn 7.000 đơn vị hoạt động cũng sẽ không có nhiều đơn vị được tiếp tục kinh doanh vì trung bình những tiệm vàng này vốn chỉ khoảng 20 tỷ đồng.

Thực tế trên cho thấy, đa phần các tiệm vàng hiện nay sẽ không còn được kinh doanh vàng miếng nữa mà phải chuyển sang kinh doanh vàng nữ trang nếu không muốn “đóng cửa”.. Tuy nhiên, theo giới kinh doanh vàng, 95% lợi nhuận hiện nay của các tiệm vàng là từ kinh doanh vàng miếng. Còn mặt hàng nữ trang chỉ là thứ yếu, do làm nữ trang chi phí nhân công cao, chi phí đầu tư máy móc thiết bị lại lớn, trong khi nhu cầu mua không nhiều như vàng miếng.

Nhiều chuyên gia cũng băn khoăn, Nghị định 24 chỉ quy định: Vàng trang sức mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 cara (tương đương 33,33%) trở lên đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật. Theo đó, các tiệm vàng có thể nhập lậu vàng nấu đổ thành vàng thỏi, vàng lá, vàng nhẫn bán ra thị trường.

Bởi vậy, theo các chuyên gia, cần có một cơ chế quản lý, cơ chế xử phạt đủ sức răn đe cho những người bán vàng miếng biến tướng sau khi các quy định về buôn bán vàng miếng đi vào thực tiễn.

Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối-ông Nguyễn Quang Huy, cho biết hiện Ngân hàng Nhà nước đang xin ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 24 để thị trường vàng hoạt động một cách lành mạnh, hiệu quả./.

Nghị định 24 quy định rõ: Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng phải có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế) và có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng phải có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên; có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng và có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

(Vietnam+)