Tính cho tương lai… 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Phát biểu tại phiên thảo luận ở Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, một đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi: Pin điện mặt trời hết hạn sử dụng thì để làm gì? Được xử lý thế nào? Đây là câu hỏi cần có câu trả lời thỏa đáng vì với tốc độ phát triển như hiện nay, không để “nước đến chân mới nhảy”.

Thực tế những năm qua, đầu tư điện mặt trời đã phát triển khá mạnh và đã từng có thời điểm, tại một số địa phương không thể giải tỏa hết công suất. Cụ thể, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh năm 2016, năm 2020, mục tiêu điện mặt trời đạt 850MW, tăng lên 4.000MW vào năm 2025 và lên tới 12.000MW năm 2030. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết, đã đưa vào vận hành hơn 100 dự án trang trại điện mặt trời với tổng công suất 6.314MWp, trong đó chỉ riêng trong quý II.2019 đã có gần 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 4.000MWp được đưa vào vận hành.

Còn theo số liệu của Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, đến ngày 1.11.2020, trên địa bàn thành phố đã có gần 11.281 công trình điện mặt trời mái nhà có nối lưới với tổng công suất trên 192 MWp; hơn 70 công trình điện mặt trời mái nhà độc lập với tổng công suất điện phát lên lưới trong 10 tháng năm 2020 đạt gần 52 triệu kWh.

Hiện năng lượng mặt trời được coi là “sạch” và ở góc độ nào đó, điện mặt trời đã tạo nên sự đa dạng về nguồn cung ứng trong hệ thống điện quốc gia, góp phần giảm thiểu nguy cơ thiếu điện. Quan trọng hơn, dạng năng lượng này nhận được sự ủng hộ của không ít người dân, nhà đầu tư và chính quyền các địa phương. Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là sau khi hết “vòng đời”các tấm thu năng lượng sẽ được xử lý như thế nào?

Về lý thuyết, hầu hết các thành phần tạo nên tấm thu năng lượng mặt trời có thể tái chế được. Và rằng mối lo về việc xử lý các tấm thu năng lượng mặt trời không đến mức báo động nếu có đủ quy định ràng buộc và công nghệ tốt. Như trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương là trong phiên họp đầu năm nay, Thủ tướng đã quyết định giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về tấm pin quang điện cũng như phương án xử lý các tấm pin sau khi dự án hết thời hạn.

Bên cạnh đó, vẫn còn 9 quy tắc của luật định về vấn đề trên. Cụ thể hiện nay tất cả các chủ đầu tư đều phải chịu trách nhiệm về xử lý các tấm pin quang điện; chỉ có 3% số khoáng chất có thể liên quan đến môi trường nhưng các nhà cung cấp các tấm pin quang điện đều có hợp đồng với chủ đầu tư các dự án pin mặt trời, các dự án điện mặt trời để chịu trách nhiệm thu hồi và xử lý các vi mạch điện. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là cơ sở nào để nhà cung cấp sẽ thực hiện cam kết này?

Bởi vậy, có ý kiến cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cần có chính sách bắt buộc xử lý tái chế tấm quang điện mặt trời. Bộ Tài nguyên và Môi trường nên sớm có quy định nhà sản xuất, nhà phân phối có trách nhiệm thu hồi hoặc thuê đơn vị xử lý các tấm quang điện hết hạn. Bởi cho dù phải tới 20 năm nữa các tấm quang điện này mới hết vòng đời, nhưng ngay từ bây giờ cùng với việc khuyến khích phát triển cần thiết phải tính cho tương lai. Đó là cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà cung ứng, không thể bỏ trống câu hỏi ai chịu sẽ chịu trách nhiệm xử lý.