Tổ chức, hoạt động của Hội bảo vệ người tiêu dùng: Vừa yếu, vừa thiếu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hiệu quả nhưng chưa đầy đủ
 
Cả nước hiện có 44 Hội bảo vệ NTD. Đây được coi là tổ chức xã hội chính tham gia bảo vệ quyền lợi của NTD cả nước. Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương Nguyễn Phương Nam cho biết, trong năm 2011, các Hội bảo vệ quyền lợi NTD trong cả nước đã giải quyết được gần 2.000 vụ khiếu nại với tỷ lệ thành công là 70- 80%; đặc biệt một số hội bảo vệ NTD như Hải Phòng, Hà Tĩnh, Kiên Giang đã giải quyết thành công đến 90% các vụ khiếu nại.
 
Tuy nhiên, hầu hết các Hội bảo vệ NTD cũng như các tổ chức xã hội tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD chưa thực sự chủ động trong hoạt động của mình, chủ yếu vẫn chờ sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước. Từ thực tế hoạt động của hội bảo vệ NTD địa phương, Phó giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn Bùi Gia Tuấn cho rằng, hoạt động của Hội bảo vệ NTD còn mờ nhạt, chưa xứng với tầm chức năng của tổ chức này. Nhân sự các Hội phần lớn đều hoạt động kiêm nghiệm, thiếu kinh nghiệm; cơ chế hoạt động của các Hội còn đang hình thành, chưa rõ nét; phần lớn các Hội địa phương chưa thành lập được các chi Hội, các tổ chức trực thuộc. Ngoài ra, vấn đề tài chính và trụ sở của các hội bảo vệ NTD cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đa số các hội đang đóng nhờ tại các cơ quan khác của Sở Công thương chứ chưa có văn phòng đón tiếp người tiêu dùng riêng. 

Bên cạnh đó, việc phối hợp hoạt động giữa các hội bảo vệ NTD và các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa hiệu quả, mặc dù một trong những định hướng của việc xây dựng luật bảo vệ quyền lợi NTD là “xã hội hóa công tác bảo vệ quyền lợi NTD trong đó Nhà nước đóng vai trò trung tâm”. Phó cục trưởng Nguyễn Phương Nam nhận định, đến nay chỉ có một số địa phương có sự phối hợp có hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước và Hội bảo vệ NTD như Kiên Giang, Hà Tĩnh, Thái Bình, Lạng Sơn, Bình Dương… Đa số các địa phương còn lại, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội lỏng lẻo nên kết quả hoạt động rất khiêm tốn.
 
Mặt khác, do vấn đề nhân sự, tài chính và tổ chức chưa hoàn thiện nên nhiều hoạt động của các Hội bảo vệ NTD vẫn chưa thực hiện được. Đơn cử như Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam (Vinastas) dù đã có nhiều hoạt động tích cực thì vấn đề đại diện cho NTD khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng cũng chưa thực hiện được. Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đây là một trong những lĩnh vực mới, chưa có tiền lệ và chưa có hướng dẫn thực hiện, thêm vào đó, nguồn tài chính để thực hiện công việc này Hội cũng không biết xoay sở thế nào.
 
Có nên quy định Hội bảo vệ NTD là tổ chức xã hội đặc thù?
 
Trong tổng số 44 Hội bảo vệ NTD của cả nước, hiện có 7 hội đã được UBND các tỉnh công nhận là hội đặc thù gồm Bình Dương, Tiền Giang, Đồng Tháp, Khánh Hoà, Đăk Lăk, Cà Mau, Bến Tre. Được công nhận là hội đặc thù, các hội này được giao biên chế, hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động nên việc triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD theo quy định cũng như công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc bảo vệ quyền lợi NTD đã có những hiệu quả nhất định.
 
Thực tế, Hội bảo vệ NTD là một tổ chức Hội mà đối tượng bảo vệ là tất cả NTD cả nước chứ không chỉ là hội viên như các hội khác. Mặc dù đối tượng phải bảo vệ là toàn bộ người tiêu dùng nhưng hiện vẫn chưa có cơ chế cụ thể về tổ chức và kinh phí hoạt động của các Hội này, mỗi địa phương áp dụng một khác, chính sách cho bộ máy của Hội cũng không thống nhất. Từ tồn tại này, Phó giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn Bùi Gia Tuấn đề xuất, Chính phủ cần xem xét công nhận Hội bảo vệ NTD là tổ chức xã hội đặc thù để tạo sự thống nhất trong tổ chức, quản lý cũng như tạo điều kiện để các hội này có thể thực hiện được vai trò đã được quy định; thay vì để tình trạng như hiện nay, các Hội bảo vệ NTD tự xin lãnh đạo địa phương công nhận là tổ chức hội đặc thù, dẫn tới sự khó khăn và không đồng bộ, mỗi nơi một kiểu.
 
Ngoài ra, để các Hội bảo vệ NTD thực hiện đầy đủ vai trò của mình trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ người tiêu dùng trước các hành động xâm hại lợi ích từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, theo Phó cục trưởng Nguyễn Phương Nam, việc cần phải làm trong thời gian tới là nâng cao năng lực cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD; từng bước hình thành và hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD từ Trung ương đến địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho NTD, cộng đồng doanh nghiệp và tiếp tục hoàn thiện các công cụ hỗ trợ NTD như sử dụng Hệ thống tiếp nhận phản ánh của NTD qua điện thoại và đưa trang thông tin điện tử về bảo vệ quyền lợi NTD đi vào hoạt động. Làm được những việc này, cũng đồng thời sẽ tăng cường khả năng thực thi của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong đời sống.

Tự Cường
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân