Tổng quan kinh tế 9 tháng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đặc biệt, tăng trưởng GDP có xu hướng cao lên qua từng quý (quý 1 tăng 7,7%, quý 2 tăng 8%, quý 3 tăng 8,9%). Đây là tín hiệu khả quan để cả năm có thể đạt mức cao của mục tiêu tăng trưởng kinh tế (8,2- 8,5%) do Quốc hội đề ra.

Nổi bật nhất vẫn là tăng trưởng công nghiệp đang trên đà cao lên qua các tháng, các quý. Đó cũng là xu hướng chung của các khu vực, các địa bàn, các ngành và các sản phẩm chủ yếu.

Tính chung 9 tháng, công nghiệp tiếp tục đạt tốc độ khá cao. Khu vực ngoài nhà nước tăng cao nhất, nên tỷ trọng toàn ngành đã cao hơn cùng kỳ năm trước (36,7% so với 35,5%) và cao gấp rưỡi tỷ trọng của khu vực nhà nước. Khu vực FDI đạt tốc độ tăng cao thứ hai và cao hơn tốc độ tăng chung, nên tỷ trọng toàn ngành đã cao hơn cùng kỳ năm trước (38,9% so với 38,5%); nếu không kể dầu mỏ và khí đốt bị giảm, thì các ngành khác của khu vực FDI còn tăng cao hơn cả về tốc độ, cả về tỷ trọng (33,6% so với 31,9%).

Sự khả quan của tốc độ tăng trưởng kinh tế do cả 3 khâu cơ bản (đầu vào, sản xuất, đầu ra) quyết định. ở đầu vào, ngoài yếu tố lao động với lợi thế số lượng dồi dào và giá nhân công rẻ là yếu tố vốn đầu tư. Trong khi lượng vốn đầu tư nguồn ngân sách thực hiện thấp hơn so với dự toán cả năm thì nguồn vốn ngoài nhà nước và nguồn vốn FDI tiếp tục tăng cao và có tỷ trọng lớn hơn trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.

Nguồn vốn FDI đạt kỷ lục mới ở cả 3 kênh (FDI, ODA, FII). Vốn FDI trong 9 tháng đăng ký mới và bổ sung đạt trên 9,6 tỷ USD, thực hiện đạt khoảng 3,5 tỷ USD, khả năng cả năm đạt trên 13 tỷ USD và 4,5 tỷ USD, vượt kỷ lục đạt được trong năm trước. ODA cam kết gần 4,5 tỷ USD và khả năng cả năm sẽ giải ngân 2 tỷ USD, cao hơn kỷ lục 3,5 tỷ USD cam kết và 1,85 tỷ USD giải ngân của năm trước. FII được đưa vào cao gấp trên hai lần năm trước, ước tính đến nay đạt 6,2 tỷ USD (thị giá).

Tới đây, thị trường chứng khoán, bất động sản nóng lên và tiến độ IPO của các đại gia được thực hiện, thì lượng vốn của kênh này sẽ còn tăng mạnh hơn. ở khâu sản xuất, nhóm ngành công nghiệp – xây dựng và nhóm ngành dịch vụ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ và cao hơn tốc độ chung để bù cho sự sút giảm tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp – thuỷ sản.

GDP do nhóm ngành công nghiệp-xây dựng tạo ra tiếp tục tăng hai chữ số và đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng trưởng chung. Cơ cấu kinh tế ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng: tỷ trọng trong GDP của nhóm ngành nông, lâm – thuỷ sản từ 20,45% xuống còn 20,08%, của nhóm ngành công nghiệp-xây dựng tăng từ 41,31% lên 41,48%, của nhóm ngành dịch vụ đã tăng từ 38,25% lên 38,44%.ở đầu ra, tăng trưởng cao đạt được ở cả hai kênh.

Kênh tiêu thụ trong nước tiếp tục tăng cao, nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng (bình quân 9 tháng tăng 7,53% so với cùng kỳ năm trước) thì vẫn còn tăng trên 14,1%, cao gấp trên 1,7 lần tốc độ tăng GDP. Tổng mức bán lẻ hàng hóa doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao do cả hai yếu tố: mức tiêu dùng tăng, tỷ lệ tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường tăng; tăng trưởng cao của chỉ tiêu này có ý nghĩa về 3 mặt: mức sống tăng lên, là động lực tăng trưởng kinh tế và có tác dụng mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài.

Kênh xuất khẩu đạt được nhiều sự vượt trội, tác động đến tăng trưởng kinh tế về 2 mặt. Một mặt được xét theo ý nghĩa là kênh tiêu thụ khi tỷ lệ xuất khẩu so với GDP đã vượt quá 2,3 lần tốc độ tăng GDP. Mặt khác, được xét theo ý nghĩa là tiền đề để nhập khẩu phục vụ đổi mới kỹ thuật – công nghệ và sản xuất tiêu dùng ở trong nước. Giá tiêu dùng tăng cao hơn năm trước (tháng 9 so với tháng 12 năm trước tăng 7,32% so với 5,1%) và vẫn trong xu hướng tăng.

Có chuyên gia dự đoán, cả năm có thể vượt qua cả tốc độ tăng trưởng kinh tế (9 tháng tăng 7,32%, nếu 3 tháng còn lại tăng 1,31% bằng với cùng kỳ năm trước thì cả năm tăng tới 8,7%).

Theo TBKTVN