Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: 46%-47% người dân sẵn sàng đấu tranh trực diện với tham nhũng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.


Đã hình thành rộng rãi ý thức phòng chống tham nhũng

– PV: Thưa ông, phòng chống tham nhũng (PCTN) là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng đã giao các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện trong năm nay (2 nhiệm vụ còn lại là: phát triển kinh tế và cải cách hành chính). Với tư cách là người đứng đầu cơ quan thường trực PCTN của Chính phủ, ông đánh giá kết quả thực hiện như thế nào?

Ông Trần Văn Truyền: Kết quả PCTN từ đầu năm đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng, chừng mực nào đó có ý nghĩa tích cực. Chính phủ đã chỉ đạo rà soát hàng ngàn văn bản, qua đó bãi bỏ hơn 700 văn bản, ban hành mới hơn 500 văn bản. Ngay trong tháng 12 này, chúng tôi đã ban hành thông tư hướng dẫn để thực hiện kê khai tài sản.

Đây không phải là vấn đề mới nhưng có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng pháp lý ban đầu để quản lý cán bộ công chức, xác nhận tài sản của cán bộ, công chức. Ngoài ra đã trả tiền lương qua tài khoản, Thủ tướng cũng đã ban hành hàng loạt định mức, kể cả nhận và trả lại quà biếu. Chúng ta đã đẩy mạnh tuyên truyền PCTN để tất cả các thành phần, tầng lớp người dân hiểu về nội dung, sự cần thiết phải phát huy sức mạnh tổng hợp để PCTN. Theo kế hoạch, đầu năm học tới sẽ triển khai đưa nội dung PCTN vào trường học.

– Khi nào chúng ta chính thức tham gia công ước quốc tế về PCTN?

Vấn đề này, Thủ tướng đã chỉ đạo từ lâu. Thanh tra Chính phủ đã nghiên cứu, lấy ý kiến, đã hoàn thiện đề án và sẽ trình Chính phủ trong nay mai. Theo kế hoạch thì ngay trong năm nay, Việt Nam sẽ tham gia công ước này. Việc hợp tác quốc tế trong PCTN của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Qua 2 lần Chính phủ đối thoại với các đối tác, nhà tài trợ (lần 1 về công khai minh bạch; lần 2 về chống tham nhũng trong giáo dục và vai trò của cộng đồng xã hội trong lĩnh vực này), thì các nhà đầu tư, đối tác tài trợ rất hài lòng. Họ đánh giá Việt Nam đã có bước tiến quan trọng trên mặt trận này, thể hiện quyết tâm chính trị lớn, có đồng thuận, nhất trí cao của công dân Việt Nam. Trong bộ máy nhà nước và ngoài xã hội cũng đều đã hình thành ý thức PCTN.

Đơn thư có danh tố cáo tham nhũng tăng

– Qua đó đã nổi lên những tấm gương PCTN, thưa ông…

Đúng. Trong năm 2007, việc tố cáo các hành vi tham nhũng tăng lên. Đơn thư nặc danh giảm, đơn thư tố cáo tham nhũng có danh tăng. Nhiều tấm gương nổi lên sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm về nội dung tố cáo như ông Lê Thiên Long ở Tổng công ty Vật tư nông nghiệp. Ông Long đã đưa ra nhiều tài liệu, chứng cứ tạo điều kiện cho cơ quan điều tra sớm khởi tố, bắt giam Tổng giám đốc Trần Văn Khánh.

Theo điều tra dư luận xã hội, hiện có tới 46%-47% số người sẵn sàng phát hiện, chịu trách nhiệm tố cáo, đứng lên trực diện đấu tranh chống tham nhũng. Đây là điều rất quan trọng.

– Còn công tác của Thanh tra Chính phủ, kết quả ra sao thưa ông?

Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 26 cuộc, đã kết thúc 20 cuộc, phát hiện sai phạm hơn 450 tỷ đồng. Điểm mới đáng mừng là việc thu hồi tài sản sai phạm, thất thoát tốt hơn. Nếu như năm trước thu được trên 30% số tiền sai phạm thì nay tỷ lệ này đã tăng lên 65%-70% trong năm nay. Riêng thanh tra các địa phương đã tiến hành 8.500 cuộc; đã kết thúc 6.500 cuộc, phát hiện sai phạm 2.800 tỷ đồng và hơn 1.000ha đất đai.

Qua đó, góp phần lớn vào ngăn chặn tham nhũng. Hiện cơ quan điều tra trong cả nước đã khởi tố hơn 400 vụ việc với hơn 700 đối tượng. Bên cạnh đó đã kỷ luật hành chính hơn 1.700 người, trong đó có một bộ phận cán bộ công an, hải quan…

Không kiểm tra thì ai cũng nói mình PCTN… tuyệt vời!

– Nhưng, tự đấu tranh, phát hiện tham nhũng vẫn còn là khâu yếu…

Chính vì vậy, chúng tôi không ngại tiến hành thanh tra ở những lĩnh vực khó khăn, nhạy cảm như ngân hàng, hàng không, hải quan. Cái được lớn hơn cả ở đây là đánh động để họ nâng cao trách nhiệm, chấn chỉnh quản lý. Đặc biệt, công tác kiểm tra việc thực hiện Luật PCTN đã được tiến hành đồng loạt. Đã có hơn 12 cuộc kiểm tra, qua đó phát hiện không ít vụ việc tham nhũng; ở một vài địa phương, cả một tập thể lãnh đạo bị xử lý trách nhiệm về quản lý đất đai, tài chính, bị thất thoát tài sản.

Đáng chú ý là không ít bộ, ngành đã báo cáo không có tham nhũng, không có vấn đề. Nhưng đến khi thanh tra, kiểm tra vào thì không ít trường hợp có kết luận rất nghiêm trọng. Vì vậy, phải tăng cường thanh tra trách nhiệm; vì nếu không làm vậy, ai cũng nói mình tốt, ai cũng bảo mình PCTN tuyệt vời, thế nhưng kết quả thực chất chỉ mang nặng tính hô hào!

– Vừa rồi, một số nhà tài trợ có băn khoăn về tình trạng tham nhũng trong cổ phần hóa, về minh bạch…

Chúng tôi đã lên kế hoạch sang năm 2008 sẽ thanh tra hàng loạt DN cổ phần hóa, kể cả DN đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Đối với minh bạch tài sản, trong Chiến lược PCTN đến năm 2020 đang xây dựng thì minh bạch sẽ là xương sống. Theo đó, mọi công việc trong hoạt động của bộ máy nhà nước thì dân phải giám sát được. Mọi vấn đề liên quan mà thấy không bình thường thì phải giải trình trước công luận, trước cơ quan có trách nhiệm.

Nguồn: Báo SGGP