TPP – để không là bánh vẽ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đồng ý rằng trong các phép tính ở điều kiện lý tưởng, một thỏa thuận tự do thương mại như TPP mang lại lợi ích to lớn cho các bên tham gia. Lý thuyết kinh tế nói rằng càng ít rào cản trong thương mại và đầu tư thì lợi nhuận càng lớn.

Đồng ý rằng ngoài những lợi ích về kinh tế, sức ép gián tiếp từ các cam kết trong TPP để thúc đẩy mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa các cải cách khuôn khổ chính sách pháp luật thương mại ở Việt Nam là “cái được” không kém phần ý nghĩa.

Đồng ý rằng thách thức từ những “tiêu chuẩn của thế kỷ 21” như người ta vẫn tán dương về TPP, có thể là bàn đạp để chúng ta vượt qua giới hạn của chính mình trên con đường phát triển, hội nhập toàn cầu.

Mặc dù vậy, “chiếc bánh” của tự do hóa thương mại trên thực tế không đương nhiên ngọt ngào như vậy. Nếu thế, chắc rằng các nước sẽ cứ nhắm mắt mà ký các hiệp định như TPP thôi, chẳng phải nhọc công đàm phán dằng dai ngày tháng, xem anh cho tôi được gì, đổi lại tôi phải làm gì cho anh…

Cần lắm một sự chuẩn bị chu toàn ở trong nước và một quyết tâm “chân cứng đá mềm” của người đi đàm phán – để TPP không phải là bánh vẽ.

Trong nghiên cứu của Giáo sư Peter Petri (Đại học Brandeis – Hoa Kỳ), được phổ biến rất rộng rãi ở Việt Nam thông qua một chuỗi các hội thảo trên cả nước bởi một dự án hỗ trợ kỹ thuật của Hoa Kỳ, Việt Nam được cho là nước hưởng lợi lớn nhất từ TPP, với GDP năm 2025 nếu có TPP cao hơn tới 10,5% so với nếu không có TPP, tương đương với mức cao hơn khoảng 35,7 tỉ đô la Mỹ.

Nếu kết quả lý thuyết này đúng hoàn toàn trên thực tế thì quả thật không có lý do gì để Việt Nam không ký TPP, để không lo thắt ruột nếu ai đó “dọa” sẽ để Việt Nam lỡ tàu TPP. Và cũng như vậy, có lẽ chúng ta đang “tham lam” quá đỗi, khi có thể nhận được nhiều lợi ích đến thế, mà vẫn còn kỳ kèo đòi thêm nữa trong đàm phán TPP hiện nay…

Tiếc rằng nói vậy mà không phải vậy, ít nhất là từ góc độ sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.

Mắc từ xuất xứ

Theo nghiên cứu nói trên, lý thuyết là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2025 sẽ lớn hơn tới 28,4% nếu tham gia TPP so với không tham gia.

Nhưng đó là dựa trên cơ sở hàng xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các điều kiện về xuất xứ trong TPP để được hưởng ưu đãi thuế quan 0% trong TPP.

Lâu nay, chúng ta vẫn nghe về các đàm phán căng thẳng liên quan tới quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” đối với hàng dệt may trong TPP (hiểu đơn giản là các loại hàng dệt may nếu muốn hưởng thuế 0% khi xuất sang các nước TPP thì mọi công đoạn từ sợi trở đi phải được làm ở các nước TPP). Nếu cứ theo quy tắc mà Hoa Kỳ đòi hỏi này, hầu như sẽ chẳng có cái áo, cái quần nào từ Việt Nam được miễn thuế khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ bởi chúng ta dùng rất nhiều vải từ Trung Quốc, sợi chỉ nhập của Hàn Quốc, các loại phụ kiện từ một số nước Đông Nam Á…

Và dệt may chẳng phải là câu chuyện duy nhất. Đó chỉ là ví dụ cụ thể và dễ thấy nhất mà thôi. Bởi có lẽ ngoài nông sản, phần lớn các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam (giày dép, đồ gỗ, điện tử, công cụ…) đều đang sử dụng đa số nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, các nước ASEAN… Người lạc quan nhất cũng khó có thể hy vọng tình hình này sẽ thay đổi đáng kể trong tương lai 10 năm, thậm chí 20 năm nữa. Mà như vậy, hàng hóa nào của Việt Nam có hy vọng được hưởng thuế suất ưu đãi theo TPP nếu quy tắc xuất xứ đòi hỏi tính nội khối quá cao?

Và do đó, những lợi ích kỳ vọng về xuất khẩu của Việt Nam đặt cược cả vào kết quả đàm phán về quy tắc xuất xứ, không chỉ với dệt may mà với hầu hết các loại sản phẩm phi nông sản khác. Và kế đến, là vào sự nhanh nhạy của doanh nghiệp trong việc đón đầu xu hướng xuất xứ, chuyển đổi các mô hình mua và sản xuất cho “vừa” với quy tắc xuất xứ trong TPP.

Lo từ sản xuất…

Không giống với hàng công nghiệp, nông sản Việt Nam lại mắc ở những điểm khác, chẳng liên quan gì tới thuế quan hay xuất xứ. Ví dụ như các rào cản về các biện pháp vệ sinh dịch tễ, hàng rào kỹ thuật (thường biết tới dưới tên rào cản SPS, TBT).

Cụ thể như quả thanh long không được kiểm dịch và chiếu tia theo đúng quy định, bởi đúng người được nước nhập khẩu chỉ định thì không thể xuất khẩu sang thị trường này. Hay như con cá, con tôm vượt quá mức dư lượng kháng sinh mà nước nhập khẩu tự đặt ra sẽ có nguy cơ bị trả về; thực phẩm đóng gói không đúng kiểu cách nhãn mác có thể bị chặn ngay ở biên giới…

Hiện quyền áp dụng các rào cản như thế này vẫn nằm trong tay nước nhập khẩu, và các nước phát triển trong TPP không có ý định hạn chế quyền này. Vậy có gì đảm bảo rằng trong tương lai chúng không bị lạm dụng để chặn nông sản Việt Nam vào các nước TPP dù thuế quan có bằng 0% đi nữa?

Một ví dụ khác, về đàm phán TPP ở lĩnh vực bề ngoài tưởng như không liên quan nhưng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và triển vọng của hàng nông sản Việt Nam: chương sở hữu trí tuệ TPP.

Trong đàm phán TPP, Hoa Kỳ yêu cầu nâng cao mức bảo hộ bản quyền sáng chế đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón (hóa chất nông nghiệp), thuốc thú y. Ai cũng biết bảo hộ càng cao thì giá sản phẩm càng đắt (vì phải bao gồm trong đó cả phí bản quyền). Giá nông hóa phẩm và thuốc thú y càng đắt thì chi phí sản xuất của người nông dân càng lớn, sức cạnh tranh của nông sản vì thế sẽ càng giảm. Nông sản Việt Nam liệu có trụ được không, chưa nói đâu xa tới xuất khẩu mà chỉ đơn giản là ở thị trường trong nước.

Cũng ở đây, Hoa Kỳ đề xuất bảo hộ chỉ dẫn địa lý (các loại tên gọi sản vật gắn với khu vực địa lý đặc trưng) như bảo hộ thương hiệu. Tức là cho phép một cá nhân được quyền đăng ký tên gọi đó cho riêng mình, và nếu đã có người đăng ký thì những người khác không được sử dụng tên gọi đó cho sản phẩm của mình nữa hoặc nếu muốn sử dụng thì phải trả tiền cho “chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đã đăng ký”.

Thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu những tỏi Lý Sơn, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Thanh Hà, cam Vinh, hoa Đà Lạt… không may bị ai đó nhanh chân đăng ký trước?

Đàm phán TPP, vì vậy, đòi hỏi các nhà đàm phán Việt Nam phải đấu tranh để bảo vệ cho được chỗ đứng và điều kiện sản xuất vốn đã rất mong manh của nông nghiệp Việt Nam.

Trong khi chưa ai chắc chắn được gì về tương lai của TPP, có một sự thật không đổi: các nước đàm phán đều cần nhau trong TPP. Và sẽ không có chuyện ai cho ai được ký TPP, cũng chẳng có khả năng một nước nào đó bị “bỏ lại”, hay cho lỡ chuyến tàu TPP.

Trong hoàn cảnh này, cần lắm một sự chuẩn bị chu toàn ở trong nước và một quyết tâm “chân cứng đá mềm” của người đi đàm phán – để TPP không phải là bánh vẽ.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online