Trách nhiệm hình sự của pháp nhân: Quyền và lợi ích của người lao động
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hình sự hóa trách nhiệm pháp nhân

Trong thời gian qua, để xử lý hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân đã có Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Theo đó, quy định xử phạt pháp nhân đối với hành vi vi phạm trật tự quản lý nhà nước (cảnh cáo, phạt tiền ở mức cao nhất là 2 tỷ đồng, tạm thời đình chỉ hoạt động và đình chỉ vĩnh viễn hoạt động của pháp nhân). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các quy định xử phạt này còn không ít bất cập và chưa đủ sức răn đe. Thủ tục xử phạt hành chính dù đã được dân chủ hóa nhưng tính chất vẫn là thủ tục áp đặt thiếu dân chủ. Cụ thể, dù bị phạt tiền (tối đa lên tới 2 tỷ đồìng) nhưng pháp nhân không được tham gia tranh luận, tranh tụng như trong thủ tục tư pháp.

Hơn nữa, do việc xử phạt hành chính được thực hiện bởi cơ quan hành chính nên không thể so sánh được với việc xử lý bằng một thủ tục tư pháp có tính chuyên nghiệp, khách quan, chặt chẽ, dân chủ. PGS.TS. Hoàng Thế Liên cho rằng, kinh tế thị trường càng phát triển, không những cá nhân có hành vi phạm tội, mà pháp nhân cũng có những hành vi phạm tội. Có những hành vi mà cả cá nhân và pháp nhân đều xâm phạm như tội độc quyền, tội cạnh tranh không lành mạnh, tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tội gian lận thương mại…; đồng thời cũng có tội phạm chỉ do pháp nhân thực hiện như tội phạm về môi trường.

Hơn nữa, Việt Nam đã là thành viên của Công ước quốc tế về chống tham nhũng với 119 nước là thành viên khác và 6 nước thuộc khu vực các nước ASEAN đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Do đó, nếu không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, thì xảy ra tình trạng doanh nghiệp Việt Nam có thể bị xử lý hình sự khi đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài mà vi phạm pháp luật hình sự nước sở tại. Ngược lại, doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, có hành vi vi phạm pháp luật và gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam thì lại không bị xử phạt hình sự mà chỉ xử phạt vi phạm hành chính hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại về dân sự. Từ những điều kiện khách quan và chủ quan này, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân – đã hình sự hóa trách nhiệm của pháp nhân.

Sự tương thích với các luật liên quan

Đại diện Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, Trách nhiệm hình sự của pháp nhân được quy định tại Chương XI, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ nên cần có bước đi phù hợp tránh gây xáo trộn lớn trong việc tổ chức thi hành chính sách hình sự, tố tụng hình sự. Vì vậy, dự thảo tập trung vào nhóm tội phạm đang gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Theo đó, pháp nhân sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự ở 32 tội danh ở các nhóm tội phạm về kinh tế, môi trường, tham nhũng, rửa tiền, tài trợ khủng bố

Trong quá trình thảo luận trách nhiệm hình sự của pháp nhân, một vấn đề nhận được rất nhiều ý kiến của các chuyên gia lập pháp, đó là quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại các pháp nhân bị áp dụng biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động.

Nhiều ý kiến cho rằng, về bản chất, hình phạt này cũng tương tự như chế tài xử phạt hành chính “Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn” được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính. Hơn nữa, việc áp dụng hình phạt này đối với pháp nhân có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động làm việc cho pháp nhân tương tự như việc áp dụng chế tài hành chính nêu trên cũng như trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2014 hoặc phá sản doanh  nghiệp theo Luật Phá sản doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên, trước những tác động xã hội ngoài mong muốn, đồng thời tránh sự lạm dụng dự thảo đã quy định các điều kiện áp dụng hình phạt này, chẳng hạn việc tước giấy phép chỉ áp dụng đối với các pháp nhân chuyên tiến hành hoạt động phi phạm như rửa tiền, buôn bán người, sản xuất hàng giả.

Chia sẻ những cách vận dụng pháp luật bảo vệ quyền lợi của người lao động khi pháp nhân bị áp dụng hình phạt hình sự, PGS.TS. Hoàng Thế Liên cho rằng, lấy việc giải quyết quyền lợi của người lao động trong trường hợp pháp nhân (doanh nghiệp) bị phạt hành chính bằng hình thức thức quyền sử dụng giấy phép có thời hạn để giải quyết quyền lợi của người lao động, trong trường hợp pháp nhân phạm tội bị áp dụng hình phạt tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động. Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng Điều 200 tạm ngừng kinh doanh; Điều 201, 202 về giải thể doanh nghiệp (Luật Doanh nghiệp 2014) hoặc Điều 54 về thứ tự phân chia tài sản (Luật Phá sản doanh nghiệp 2014) trong trường hợp pháp nhân bị áp dụng các hình phạt theo quy định của pháp luật hình sự.

Phùng Hương
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân