Tranh chấp có yếu tố nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng: Cải thiện năng lực pháp lý cho doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bất lợi khi chưa “thạo” luật

Liên quan đến lĩnh vực xây dựng nói chung, hiện có 11 văn bản, bao gồm Luật Xây dựng, 4 nghị định hướng dẫn và các thông tư liên quan. Ngoài các văn bản này, còn có các bộ luật, luật, văn bản chuyên ngành liên quan khác như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Đầu tư… Bên cạnh hệ thống pháp luật, trong lĩnh vực xây dựng có yếu tố nước ngoài còn phải biết đến hợp đồng mẫu chuẩn – thường được gọi là hợp đồng FIDIC. Các mẫu hợp đồng do FIDIC phát hành khá đa dạng như mẫu hợp đồng áp dụng cho công trình cơ điện; mẫu hợp đồng áp dụng công trình thiết kế thi công và chìa khóa trao tay…

Việt Nam biết đến mẫu hợp đồng FIDIC từ năm 1989 và thường sử dụng cho các dự án có vốn FDI, vốn tài trợ của WB… Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp lý, doanh nghiệp Việt Nam gặp không ít lúng túng khi thực hiện hợp đồng chuẩn này. Chủ tịch Hội đồng Khoa học Pháp lý, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, GS. Lê Hồng Hạnh cho biết, số lượng tranh chấp xây dựng sử dụng bằng con đường trọng tài tăng lên trong những năm gần đây: 10% trong 2014, 15% trong 2015 và 15% trong 2016. Tranh chấp xây dựng thường có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài và thường phức tạp, có lỗi hỗn hợp của nhiều phía.

Hiểu luật để bảo vệ mình

 Tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng rất đa dạng từ chậm thanh toán, không thanh toán, chậm trễ trong bàn giao mặt bằng, gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng; lỗi kỹ thuật (không hoàn thành theo đúng các tiêu chí kỹ thuật…); đến chất lượng công việc hoàn thành không bảo đảm; thậm chí dịch tiếng Việt – Anh không thống nhất, làm sai lệch nội dung của Hợp đồng xây dựng.

Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Phan Trọng Đạt cho rằng, năng lực pháp lý là một trong những điểm yếu mà các doanh nghiệp cần cải thiện. Hiện ngay cả nhiều Ban Quản lý dự án nhà nước cũng chưa có luật sư hay chuyên viên pháp lý, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài lại được trang bị đầy đủ các thủ tục và kiến thức pháp lý. Thực tế ghi nhận tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy, những doanh nghiệp nước ngoài khá tỉ mỉ và chi tiết trong khâu thương thảo và chuẩn bị hợp đồng với những hợp đồng mẫu FIDIC hàng chục trang. Trong khi các doanh nghiệp xây dựng Việt vẫn còn khá xa lạ với các loại hợp đồng này. Khi xảy ra tranh chấp, bất lợi vẫn thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, các chương trình đào tạo kiến trúc sư, kỹ sư chưa hướng dẫn về hợp đồng xây dựng; chương trình đào tạo cử nhân luật cũng chưa có chương trình những chuyên ngành để xử lý tranh chấp trong hợp đồng xây dựng. Và, ngay cả giới trọng tài cũng “khó kiếm” được một trọng tài viên chuyên về lĩnh vực giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng. Điều này càng khó hơn khi hợp đồng xây dựng là loại hợp đồng đặc biệt phức tạp do được cấu thành bởi nhiều tài liệu và đối tượng là loại sản phẩm đặc thù duy nhất được hoàn thành bởi nhiều chủ thể trong khoảng thời gian dài, thời hạn sử dụng hàng vài chục năm.

 Hợp đồng FIDIC là từ viết tắt của Fédération Internationate des IngénieursConseils – Hiệp hội Quốc Tế các Kỹ sư Tư vấn – được thành lập ở Bỉ vào năm 1913 gồm 3 nước thành viên là Bỉ, Pháp, Thụy Sĩ. Đến nay Hiệp hội có 60 thành viên.

Từ thực tiễn giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng bằng con đường trọng tài cũng như nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng trong thời gian tới, dự báo các tranh chấp liên quan có thể sẽ tăng cả về số lượng vụ việc, cũng như giá trị của tranh chấp… Chính vì thế, doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng rất cần nâng cao năng lực pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Liên quan đến vấn đề hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhiều năm qua Chính phủ đã có nhiều chương trình, kế hoạch, trong đó phải kể đến Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp (Chương trình 585). Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách khách quan thì Chương trình vẫn chưa đồng hành với doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực có chuyên môn sâu, có yếu tố nước ngoài như lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Sự thiếu vắng những kiến thức pháp lý liên quan đến vấn đề này, một mặt xuất phát từ nội tại của doanh nghiệp (chưa tìm hiểu pháp luật, chưa có thói quen sử dụng luật sư, tư vấn pháp lý), mặt khác cũng phản ánh tác động còn hạn chế của Chương trình đối với doanh nghiệp. Rất tiếc là trong những vấn đề nêu trên, chưa thấy có sự kết nối, chia sẻ thông tin giữa doanh nghiệp và đại diện của Chương trình 585, cũng như Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và Chương trình 585.

Đình Khoa
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân