Traphaco có chủ tịch mới, tập trung mạnh cho tân dược và hệ điều trị ETC
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phiên họp Hội đồng quản trị CTCP Traphaco (mã cổ phiếu TRA) sáng 7/4 đã bầu ra Chủ tịch HĐQT mới là ông Chung Ji Kwang, đại diện của nhóm cổ đông lớn Hàn Quốc.

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2016-2020 chúc mừng các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025

Ông Chung Ji Kwang thay thế vị trí của bà Vũ Thị Thuận, người có nhiều năm gắn bó và xây dựng nền tảng phát triển quan trọng cho Traphaco không tham gia HĐQT nhiệm kỳ này để nghỉ theo chế độ.

Bên cạnh bầu ông Chung Ji Kwang, đại diện nhóm cổ đông lớn Hàn Quốc đảm nhận chức chủ tịch Hội đồng quản trị Traphaco nhiệm kỳ 2021-2025, đại diện SCIC đảm nhận chức Phó chủ tịch HĐQT; HĐQT Traphaco bổ nhiệm ông Trần Túc Mã tiếp tục đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc Công ty nhiệm kỳ 2021-2025.

HĐQT Công ty cũng bổ nhiệm bà Đào Thúy Hà, Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025 giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Traphaco. Bà Đào Thúy Hà phụ trách mảng tân dược và tiếp tục giữ nguyên lĩnh vực hiện đang phụ trách (Giám đốc Marketing).

Điểm nổi bật tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông và phiên họp HĐQT Traphaco là định hướng Công ty sẽ tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2021-2025 bằng cách duy trì vị thế ngành đông dược và tập trung phát triển mảng tân dược với sự hỗ trợ của cổ đông lớn nước ngoài (Hàn Quốc).

Tại đại hội, nhóm cổ đông lớn Hàn Quốc đã đưa ra đề xuất tái cấu trúc hoạt động kinh doanh theo hướng tách mảng kinh doanh đông dược và ngoài đông dược. Công ty sẽ thuê một công ty tư vấn để thực hiện dự án về việc tái cấu trúc này. Đại hội cổ đông giao HĐQT trực tiếp chỉ đạo dự án và dự kiến hoàn thành trong vòng 4 tuần.

Ông Kim Dong Hyu, đại diện của nhóm cổ đông lớn Hàn Quốc đánh giá, Traphaco đang phát triển mạnh mẽ và chúng tôi sẽ đầu tư cho việc tăng thị phần thuốc đông dược, đồng thời tiếp tục phát triển danh mục thuốc mới. Trong 2 năm tới công ty sẽ tập trung cho tân dược. Có cổ đông là công ty dược lớn có thể hỗ trợ Traphaco có nhiều sản phẩm mới, và sẽ thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo. Mặt khác công ty sẽ liên kết, đặc biệt với các công ty dược Hàn Quốc để phát triển với tiềm lực to lớn hơn.

Ông Kim Dong Hyu cho biết thêm, Traphaco có nhà máy tân dược hiện đại, công suất lớn, và có nguồn lực mạnh để có thể thúc đẩy hàng tân dược tự sản xuất, đồng thời nhận chuyển giao công nghệ nhiều mặt hàng mới. Thế mạnh của TRA là hệ thống phân phối và kinh nghiệm trong phân phối hàng OTC sẽ được phát huy khi doanh nghiệp đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Khi cả 2 mảng kinh doanh đều tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trưởng của Công ty sẽ tiếp tục khả quan hơn trong thời gian tới.

Năm 2021, Tập đoàn Daewoong (Hàn Quốc) sẽ đẩy nhanh việc chuyển giao công nghệ hàng chục sản phẩm tân dược cho Traphaco, dự kiến chuyển giao 70 sản phẩm trong 5 năm 2021-2025. Các nhóm tân dược Tập đoàn này có thế mạnh thuộc các ngành hàng thuốc tim mạch, tiểu đường và tiêu hóa.

Ban lãnh đạo TRA dự kiến doanh thu hợp tác với Deawoong sẽ có từ năm 2022. Các mặt hàng tân dược tự sản xuất và chuyển giao công nghệ của TRA có tiềm năng vào kênh điều trị và có thể tính đến xuất khẩu trong tương lai, góp phần mở rộng tăng trưởng dài hạn của Công ty.

Việc thúc đẩy mạnh mẽ mảng tân dược và kênh bán hàng ETC bên cạnh duy trì vị thế trên kênh OTC được đánh giá là bước chuyển hướng thông minh của Traphaco khi tăng trưởng kênh OTC trên thị trường đang có xu hướng bão hòa và có tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với kênh ETC. Dù thị trường ETC năm 2020 cũng sụt giảm do người dân hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh và các kế hoạch đấu thầu thuốc chậm so với dự kiến, tiềm năng của kênh này là rất lớn, trong khi thị phần của TRA trong mảng này thấp, còn nhiều dư địa để khai thác.

Đại hội đồng cổ đông Traphaco đã thông qua kế hoạch kinh doanh tăng trưởng 2 con số so với năm 2020. Cụ thể, năm 2021, TRA đặt mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 2.100 tỷ đồng và 240 tỷ đồng, tăng 10% và 11% so với kết quả thực hiện của năm 2020.

Trước đó, năm 2020 Traphaco đã đạt 1.909 tỷ đồng doanh thu và 216,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 12% và 27% so với năm 2019.

Mục tiêu 2021 của Traphaco là khá tham vọng. Bức tranh chung của các doanh nghiệp ngành dược theo dữ liệu của Finn Pro tổng hợp từ 37/61 công ty dược niêm yết, chiếm 50,9% vốn hóa thị trường cho thấy, ngành dược trong những năm gần đây gặp khá nhiều thách thức trong tăng trưởng.

Ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ: “Chúng tôi xác định năm 2021 là năm “Chuẩn hóa quy trình”, theo đó Công ty tập trung vào nâng cấp và cải thiện các quy trình làm việc chưa hiệu quả, phát huy các thế mạnh cốt lõi”. Trong quý I/2021, ước doanh thu và lợi nhuận của Traphaco đã tăng 20% và 33% so với cùng kỳ năm trước.

Dư địa tăng trưởng của ngành dược còn khá lớn, IBM dự báo doanh thu thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021 và 16,1 tỷ USD năm 2026 với tốc độ tăng trưởng kép CAGR khoảng 10,6%.

Hãng nghiên cứu thị trường IMS Health đánh giá, chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Việt Nam khoảng 50 USD/người/năm vào năm 2020 với mức tăng trưởng 14%/năm. Với chiến lược tăng cường đầu tư vào ngành tân dược và kênh điều trị, TRA sẽ hưởng lợi tốt hơn từ dư địa tăng trưởng của ngành.

Trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch ngày 8/4, cổ phiếu TRA đang được giao dịch ở mức 72.000 đồng/CP.