Trách nhiệm xã hội của DN: Gánh nặng hay cơ hội ?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chia sẻ của các chuyên gia và DN về CSR cho thấy rõ hơn những rào cản cũng như lợi ích của CSR mang lại…

TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI:
Tạo giá trị cho DN

Đã có không ít những ngộ nhận và cách hiểu sai lệch về thực hiện CSR của DN khi cho rằng đó đơn thuần chỉ là hoạt động “thực hiện được thì tốt” còn bằng không thì “cũng không gây hại gì”. Thật ra, đó là cách hiểu có phần hơi méo mó và không phù hợp trong môi trường kinh doanh hiện đại. Bản thân các DN phải xem mình như là một phần của xã hội, có trách nhiệm đóng góp và chia sẻ những lợi ích với cộng đồng, với xã hội để xây dựng và phát triển môi trường mà DN đang tồn tại. Một “cơ thể kinh tế” muốn phát triển mạnh khỏe thì từng “tế bào DN” phải nỗ lực hết mình để đóng góp vào sự phát triển đó. Việc thực thi CSR của DN không nên chỉ là bề nổi, là công cụ để đánh bóng và quảng bá thương hiệu mà phải là bản chất của DN. Nếu làm tốt CSR, chắc chắn DN sẽ là người chiến thắng trên thương trường bởi đầu tư vào CSR đồng nghĩa với việc nâng cao khả năng cạnh tranh và sự trường tồn của DN. Thực hiện CSR về trung hạn và dài hạn sẽ đạt được những lợi ích: giảm chi phí, tăng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu, giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc, tăng năng suất và thêm cơ hội tiếp cận những thị trường mới. Ngoài hiệu quả kinh tế, các DN còn có lợi từ việc tạo dựng hình ảnh với khách hàng, sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút lao động có chuyên môn cao…

Những cơ hội hay thách thức từ việc áp dụng CSR của DN đối với các Cty trên toàn thế giới cũng như VN về cơ bản đã thấy rõ. Nhận thức về CSR của DN có thể coi như một chỉ số tỉ lệ thuận với sự thành công của DN đó trên con đường phát triển. Tôi hy vọng trong tương lai, ngày càng có nhiều DN sử dụng CSR của DN như một hướng kinh doanh mới, tạo giá trị cho DN, cho Chính phủ và cho cộng đồng nơi mà DN triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

  GS TS Nguyễn Hữu Ninh – Chuyên gia về phát triển bền vững:
Truyền lửa cho DN

CSR luôn có sự tương hỗ, một khi DN thực hiện tốt CSR thì xã hội cũng sẽ có trách nhiệm trong việc sử dụng sản phẩm của DN đó.

Bên cạnh việc xem xét lại các chính sách, theo tôi, điều quan trọng hơn, cần phải nhìn nhận vai trò của các cấp lãnh đạo trong việc truyền lửa cho DN thực hiện CSR. Chẳng hạn ở các địa phương, các DNNVV có đóng góp rất lớn kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm cho người lao động, mang lại sản phẩm, uy tín, nguồn thu cho địa phương thì địa phương cũng cần có những cơ chế riêng cho nhóm DN này.

Gần đây, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã yêu cầu các ngân hàng đóng trên địa bàn giảm lãi suất cho vay, và các ngân hàng đã giảm. Cũng như việc lãnh đạo TP này yêu cầu lãnh đạo Sở tài nguyên môi trường xuống tận nơi, thậm chí đề nghị ngủ một đêm tại khu vực bị ô nhiễm môi trường do DN thải ra, và quả thực vài tháng sau đã có sự tiến bộ trông thấy về môi trường ở khu vực này.

Từ câu chuyện này, chúng ta có thể thấy trách nhiệm của lãnh đạo TP tới dân cư và DN, cũng như trách nhiệm của DN với xã hội, dân cư và TP, đó là sự tương hỗ. Nếu như lãnh đạo có sự đi sâu, đi sát, sẽ truyền cảm hứng quan trọng cho DN. Điều này sẽ tạo cho DN có niềm tin để thực hiện CSR. Nói như thế để thấy, nếu có niềm tin thì DN có thể không có nhiều tiền nhưng vẫn thực hiện tốt CSR và ngược lại.

Ông Zhuo Xian Hong – Tổng giám đốc Tập đoàn Foxconn Technology Group (Đài Loan):
Cơ hội từ CSR

Các DN không nên coi CSR là một gánh nặng hay áp lực từ phía nhà nước, mà nên coi đó là cơ hội, là mục đích tự thân, là một kinh nghiệm để DN hoạt động tốt hơn.

Một DN phát triển bền vững cần phải xây dựng một cơ cấu giá thành hợp lý và hiệu quả, trong cơ cấu đó bao gồm giá thành nội bộ và giá thành ngoài nội bộ. Một cơ cấu quản lý nội bộ bền vững cần phải được hỗ trợ từ một môi trường xung quanh tốt và có mối quan hệ gắn bó với cộng đồng xã hội, đó chính là mô hình phát triển bền vững ổn định của các DN nói chung và của tập đoàn Foxconn Technology Group nói riêng.

Với lĩnh vực sản xuất kinh doanh các linh kiện điện tử với những khách hàng là những tập đoàn hàng đầu như: HP, NOKIA, APPLE, DELL, LENOVO, Cannon… chúng tôi luôn coi trọng việc thực hiện CSR và coi đây là phương châm hoạt động mang tính lâu dài của Foxconn.

Hiện nay, tập đoàn đã xây dựng tổng số 12 khu nhà xưởng sản xuất, 9 khu nhà ở cho công nhân viên, nhà ăn, siêu thị và các khu vui chơi giải trí giành cho người lao động. Hiện nay hai Cty của Tập đoàn gồm hơn 13.000 công nhân viên đang làm việc trong điều kiện tuân theo những chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên và phát triển cộng đồng…

Bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Traphaco:
Xây dựng văn hóa DN

Gắn trách nhiệm xã hội với sự phát triển bền vững của DN là một xu thế tất yếu trên con đường hội nhập của các DN VN, bởi nó vừa mang lại lợi ích cho DN, cho xã hội, đặc biệt là nâng cao khả năng cạnh tranh của DN. Thực hiện tốt trách nhiệm xã hội chính sự phát triển lâu dài và tăng trưởng bền vững của DN qua đó làm được nhiều điều ý nghĩa hơn nữa cho cộng đồng.

Trên thực tế, chúng tôi đã thực hiện trách nhiệm xã hội ngay từ khi còn rất khó khăn, và thực hiện mạnh mẽ hơn khi chúng tôi được tự chủ trong cơ chế DN cổ phần. Một ví dụ rất cụ thể: Nhà nước mới có quy định lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng, nhưng việc này đã được TRAPHACO thực hiện từ mấy năm nay.

Tại Traphaco, chúng tôi xây dựng văn hóa hợp tác chia sẻ trong DN. Khi Ban lãnh đạo làm điều tra, phần lớn cán bộ nhân viên trong Cty cho biết lương chưa phải là yếu tố tiên quyết mà trước hết là họ được làm việc và tự khẳng định mình, được cống hiến và được giúp đỡ người khác.

Khi DN thực hiện tốt trách nhiệm xã hội thì chi phí không hề tăng lên mà cái tăng lên chính là lợi ích của họ. Những lợi ích mà DN thu được khi thực hiện trách nhiệm xã hội bao gồm giảm chi phí, tăng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu, giảm tỉ lệ nhân viên thôi việc, tăng năng suất và thêm cơ hội tiếp cận những thị trường mới… Điều đó lý giải tại sao trong giai đoạn khó khăn vừa qua Traphaco vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng 25-30%/năm.

GS Mark Kramer – Ðại học Harvard (Hoa Kỳ):
Nâng cao năng lực cạnh tranh

Bất kể là DN lớn hay nhỏ đều có thể thực hiện được CSR thông qua chiến lược phát triển dựa trên những điểm mạnh của mình. Để làm được những điều này, DN cần nghiên cứu nhu cầu xã hội, tiêu dùng ở đại bộ phận người dân để tìm ra phương án kinh doanh tối ưu nhất có lợi cho cả DN và giúp cho nhu cầu xã hội được thoả mãn. Khi đó bài toán chi phí sẽ không còn là vấn đề quan trọng nữa.

Một vấn đề khác là lâu nay, các DN thường nghĩ đến việc kinh doanh trong phạm vi hạn hẹp, và coi vai trò của mình trong xã hội chủ yếu là tạo ra tiền bạc và lợi nhuận. Họ cho rằng các vấn đề xã hội là của xã hội, của Chính phủ chứ không phải của mình. Quan niệm đó là sai, bởi DN, doanh nhân vẫn hoàn toàn có thể đạt lợi nhuận trong khi vẫn có thể giúp giải quyết những vấn đề xã hội.

Chính vì tại VN, với hầu hết DN là DNNVV nên việc đưa ra các giải pháp mang giá trị chung hài hòa giữa lợi ích DN và xã hội sẽ góp phần rất lớn vào sự phát triển của DN lẫn xã hội, không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đà phát triển bền vững, khẳng định vị thế của DN trên thương trường, mà còn phát huy vai trò chung tay với xã hội để giải quyết các vấn đề xã hội một cách hiệu quả.

Tuấn Anh, Phan Nam thực hiện
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp