Trên đường ray WTO: Doanh nghiệp và Chính phủ phải hợp tác chặt chẽ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

PV: Thưa ông, trước những hạn chế chung của cả nền kinh tế hiện nay, DN Việt Nam cần làm gì để chia sẻ trách nhiệm cùng Chính phủ?

Ông Vũ Tiến Lộc: 3 hạn chế nhất của chúng ta hiện nay là sự yếu kém về cơ sở hạ tầng, thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cao, hạn chế trong thủ tục hành chính và khả năng điều hành của Chính phủ ở một số lĩnh vực còn chưa như mong muốn. Trước hết, DN cần hiến kế cho Chính phủ về giải pháp khắc phục các điểm yếu.

Với 2 điểm yếu cơ bản: Hạ tầng cơ sở và chất lượng nguồn nhân lực, DN chính là nguồn lực quan trọng để tham gia cải thiện lĩnh vực này. Nếu chỉ bằng nguồn lực của Chính phủ thôi thì không thể đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới. 2 lĩnh vực đó rất cần sự tham gia đầu tư tích cực của khối DN tư nhân.

Hơn nữa, việc khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư cho cơ sở hạ tầng cũng chính là xu hướng phát triển trong tương lai. Chỉ khi nào chúng ta huy động được nguồn lực của Chính phủ và của cả DN thì mới thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

– PV: Theo điều tra của Dự án thương mại đa biên, Bộ Công thương, chỉ có 56% DN đánh giá Chính phủ đã thi hành chính sách kinh tế hiệu quả hơn trong WTO. Ông có ý kiến gì về điều này?

Ông Vũ Tiến Lộc: Phải nói rằng, kết quả kinh doanh thắng lợi của DN sẽ không thể có, nếu không có sự mở đường tăng cường nguồn lực, tạo môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi của Chính phủ. Mỗi thành công của DN không thể tách rời các cơ quan của Chính phủ. Đối với một số vấn đề cụ thể, DN chưa hài lòng. Đó là đương nhiên thôi.

Tiêu biểu như chuyện tiếp cận đất đai, thuê mặt bằng cho sản xuất kinh doanh… Nếu tháo gỡ được những điểm yếu này thì sẽ là một động lực quan trọng để các DN Việt Nam đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh hơn nữa. Tuy nhiên, đổi mới cần có một lộ trình vừa với sức vươn lên của bộ máy Nhà nước cũng như bản thân của DN.

Hội nhập không phải hôm nay bắt đầu mà ngày mai nền kinh tế đã có ngay sự chuyển biến kỳ diệu. Quan trọng là Chính phủ và DN đều cùng nỗ lực, hợp tác chặt chẽ, có trách nhiệm cộng đồng trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn.

– PV: Sau 1 năm gia nhập WTO, ông có đánh giá gì về năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam hiện nay?

Ông Vũ Tiến Lộc: Phải nói rằng, trong năm đầu tiên, DN Việt Nam đã tự tin hơn, thấy rõ hơn con đường phía trước của mình. Cùng với lộ trình đổi mới mở cửa đã được tiên liệu trước, việc cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia đã được đặt trong đường ray WTO, các DN Việt Nam phải tự nâng cao năng lực của mình về quản lý, quản trị doanh nghiệp.

Các DN đã chú ý tới việc kinh doanh một cách bài bản hơn, đã cố gắng xác lập chiến lược kinh doanh trong hội nhập, có sự tích tụ nhất định các nguồn lực về tài chính… để phát triển. Đó không chỉ là nỗ lực của riêng năm 2007 mà là sự chuẩn bị từ các năm trước.

Tuy nhiên, trước yêu cầu nâng cao chất lượng nền kinh tế trong thời gian tới thì chắc chắn, các DN phải nỗ lực cố gắng rất nhiều. Đó là sự tăng cường liên kết trong cộng đồng DN Việt Nam với nhau, hoặc giữa DN Việt Nam với DN quốc tế, phải làm sao, đặt các DN Việt Nam tham gia trong chuỗi giá trị thế giới, tham gia vào phân công lao động toàn cầu.

Điều hết sức quan trọng là DN Việt Nam phải chọn được mắt khâu trong hệ thống chuỗi giá trị thế giới có giá trị gia tăng ngày càng lớn. Chúng ta cần làm được điều đó để khắc phục một hạn chế hiện nay, đó là nền sản xuất, thương mại của ta vẫn chủ yếu là gia công, xuất khẩu thô.

Nguồn: Báo An ninh thủ đô