Triển khai các dự án thủy điện: Đánh giá tài nguyên khoáng sản trước khi cấp phép
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu được đầu tư theo đúng tiến độ, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác thì thủy điện vừa và nhỏ đóng góp phần không nhỏ trong tổng sản lượng điện của cả nước nói chung và thủy điện nói riêng. Hiện nay, đối với dự án thủy điện quan trọng của quốc gia như: thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu… trước khi triển khai dự án Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có ý kiến về những khu vực được điều tra, đánh giá về khoáng sản nằm trong khu vực xây dựng dự án, khu vực ngập nước để làm cơ sở xem xét, quyết định cho phép khai thác, bảo đảm tiến độ của dự án và không làm tổn thất, lãng phí tài nguyên khoáng sản khi dự án đã triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, vận hành.

Tuy nhiên, đối với dự án thủy điện vừa và nhỏ, chưa có cơ quan, tổ chức nào lấy ý kiến về kết quả điều tra địa chất về tài nguyên khoáng sản nên nảy sinh nhiều bất cập khi nhiều dự án không phù hợp với điều kiện thực tế, không đảm bảo hiệu quả đầu tư. Việc phát triển nhiều thủy điện cũng ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường như: Tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến đất rừng, đất bãi bồi, sông suối; ảnh hưởng đến việc di dân, tái định cư…

Ông Trịnh Minh Cương – Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam – cho biết, có rất nhiều yếu tố tác động đến môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản trong dự án thủy điện. Cụ thể như: Trong quá trình xây dựng dự án dù có hay không có khoáng sản thì hoạt động bóc đất đá vẫn phải thực hiện. Hoạt động này cũng tác động tới môi trường do phải khoan, nổ mìn, xúc bốc, vận chuyển… sẽ gây ra những tác động làm ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, ô nhiễm không khí, tiếng ồn và môi trường cảnh quan…

Đối với các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ được xây dựng trên đoạn sông thuộc khu vực trung du, miền núi, nếu không có kết quả nghiên cứu cấu trúc địa chất khu vực, địa chất thủy văn, địa chất công trình, phân bố các đứt gãy, tính thấm nước của đất đá… để làm cơ sở quyết định lựa chọn diện tích xây dựng nhà máy sẽ dễ xảy ra sự cố như vỡ đập dẫn đến thảm họa khôn lường, không bảo đảm cao trình nước dâng trong lòng hồ, thay đổi hệ sinh thái trong khu vực…

Để hạn chế rủi ro cho môi trường trong quá trình xây dựng và khai thác thủy điện, theo ông Trịnh Minh Cương, UBND các tỉnh có thủy điện cần chỉ đạo Sở TN&MT rà soát, kiểm tra các dự án thủy điện vừa và nhỏ chưa triển khai, lấy ý kiến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản trong diện tích đã được quy hoạch dự án thủy điện, diện tích dự án, diện tích khu vực ngập nước, diện tích khu vực ảnh hưởng trước khi cho phép triển khai dự án, bảo đảm các hoạt động đầu tư triển khai dự án được thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản. Ngoài việc phải có ý kiến về kết quả điều tra, đánh giá khoáng sản, dự án thủy điện vừa và nhỏ cần có ý kiến về kết quả nghiên cứu cấu trúc địa chất khu vực, địa chất thủy văn, địa chất công trình, phân bố các đứt gãy… của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thanh Xuân
Nguồn: Báo điện tử Công thương